Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác

Việt Nam / Lớp 8 » Phan Bội Châu

Nội dung

Vẫn là hào kiệt[1], vẫn phong lưu[2],
Chạy mỏi chân thì hãy ở tù.
Đã khách không nhà trong bốn biển[3],
Lại người có tội giữa năm châu[4].
Bủa tay[5] ôm chặt bồ kinh tế[6],
Mở miệng cười tan cuộc oán thù
Thân ấy vẫn còn, còn sự nghiệp,
Bao nhiêu nguy hiểm sợ gì đâu.
[1] Hào kiệt: người có tài năng, chí khí hơn hẳn người bình thường.
[2] Phong lưu: có dáng vẻ lịch sự, trang nhã; còn có nghĩa là mức sống khá giả. Ở đây chỉ vẻ ung dung, đường hoàng.
[3] Ý nghĩa muốn nói về cuộc đời hoạt động cách mạng xa quê hương đất nước của Phan Bội Châu.
[4] Vì hoạt động cách mạng, Phan Bội Châu đã bị trục xuất khỏi Nhật Bản, đang sống không hợp pháp ở Trung Quốc, lại đã bị thực dân Pháp kết án tử hình vắng mặt cho nên dường như đi đến đâu ông cũng bị truy đuổi như một tội phạm.
[5] Bủa tay: mở rộng vòng tay để ôm lấy (có bản chép là dang tay, nghĩa cũng gần như vậy).
[6] Kinh tế: nói tắt của kinh bang tế thế, có nghĩa là trị nước cứu đời (không phải là kinh tế theo nghĩa hiện nay). Cả câu ý nói con người này vẫn ôm ấp hoài bão trị nước cứu đời.
Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác là một bài thơ Nôm nằm trong tác phẩm Ngục trung thư (Thư viết trong ngục) viết bằng chữ Hán, sáng tác vào đầu năm 1914, khi Phan Bội Châu bị bọn quân phiệt tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) bắt giam. Ngục trung thư có thể xem là tập tự truyện đầu tiên của Phan Bội Châu, có ý nghĩa như một bức thư tuyệt mệnh. Phan Bội Châu làm bài thơ này bộc lộ cảm xúc của mình trong những ngày đầu mới vào ngục. Nhan đề bài thơ là do những NBS sách về sau đặt.

Nguồn: Thơ văn yêu nước và cách mạng đầu thế kỉ XX, NXB Văn học, Hà Nội, 1976