Cảm nhận khi đọc bài thơ “Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác” (2)

Việt Nam / Lớp 8 » Phan Bội Châu » Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác

Chưa có đánh giá nào
Trước hết đây là bài thơ thể hiện thái độ và khí phách của tác giả trong hoàn cảnh bị chính quyền Quảng Đông (Trung Quốc) bắt cầm tù: ngồi trong tù, người chiến sĩ cách mạng vẫn hiên ngang, bất khuất và giữ một niềm tin sắt son và sự nghiệp cứu nước. Vì vậy bài thơ có sức truyền cảm lớn do nhiệt tình yêu nước sôi nổi, mãnh liệt của tác giả; do giọng thơ vui, yêu đời.

Bài thơ viết theo thể Đường luật thất ngôn bát cú tuân theo đúng các qui tắc về bố cục, vần, niêm, luật của thể thơ này.

Bốn câu thơ đầu có thể chia thành hai cặp: 1, 2 và 3, 4. Cặp 1, 2 theo bố cục của thơ Đường luật gọi là phần đề (thừa đề và phá đề) có nội dung nhằm giới thiệu vấn đề cần nói tới. Ở đây nhà thơ muốn nói tới hoàn cảnh mình bị bắt giam:
Vẫn là hào kiệt, vẫn phong lưu
Chạy mỏi chân thì hãy ở tù.
Ý của hai câu có thể diễn đạt lại: mình ở tù không phải bị bắt mà vì chạy mỏi chân (từ hoạt động cách mạng đã nhiều), tạm thời nghỉ ở đây. Vào tù,mình vẫn giữ được tài trí và cách sống của mình: là người có chí lớn khác thường (hào kiệt), là người luôn giữ dáng vẻ lịch sự, trang nhã (phong lưu).

Cách vào đề khéo. Tác giả có nói đến việc bị bắt vào nhà tù nhưng không nhấn mạnh khía cạnh rủi ro, đau khổ hoặc âu lo, khiếp sợ. Ngược lại, bằng giọng điệu thản nhiên, pha chút đùa vui ấy được thể hiện ngay từ cách dùng điệp từ “vẫn” đi liền với hai tính từ thể hiện phẩm chất trước sau như một của nhà cách mạng (hào kiệt, phong lưu, nó trở thành nụ cười khi nhà thơ hạ ở cuối câu thứ hai cụm từ “thì hãy ở tù”), biến sự việc bị động, mất tự do thành việc chủ động do mình muốn thế.

Câu 3, 4 là phần thực, có nhiệm vụ tả cảnh hay trình bày sự việc do phần đề đặt ra.
Đã khách không nhà trong bốn bể
Lại người có tội giữa năm châu.
Tả người tù mà nói “khách không nhà”, “người có tội” thì thật đúng. Chữ “đã” và chữ “lại” mở đầu hai câu thực càng nhấn mạnh thêm tình cảnh tù đày của người chiến sĩ cách mạng. Song gắn “khách không nhà” với’“năm châu”, nhà thơ như muốn vẽ chân dung người tù một cách phóng khoáng hơn. Nghệ thuật bình đôi trong hai câu thơ này không làm cho ý thơ đối chọi. Ngược lại, sự đối lập ấy lại càng tôn hơn chân dung khác thường của người tù: một con người của năm châu bốn biển, của toàn thế giới. Hai câu thơ này vẫn tiếp nối giọng điệu cười cợt, vui đùa như giọng điệu của hai câu đề.

Như vậy, từ ý thơ đến giọng thơ, bốn câu đầu bài toát ra tinh thần lạc quan yêu đời, thái độ ngạo nghễ coi thường lao tù của người tù – chí sĩ Phan Bội Châu.

Chính thái độ ngạo nghễ, tinh thần lạc quan yêu đời phân tích ở trên đã là một biểu hiện của khí phách hiên ngang, bất khuất.

Nhưng bốn câu cuối thì thể hiện khí phách hiên ngang, bất khuất ở các khía cạnh khác:

Hai câu 5, 6 là hai câu luận, có nhiệm vụ bàn luận, mở rộng vấn đề. Ở đây tác giả khẳng định: chí lớn tài cao của người chiến sĩ cách mạng không cảnh tù đày nào có thể đè bẹp. Do đó, bị bắt, nhưng người tù vẫn tự chủ:
Dang tay ôm chặt bồ kinh tế
Mở miệng cười tan cuộc oán thù.
Các động tác “dang tay”, “mở miệng” thể hiện thái độ coi thường, coi khinh mọi khó khăn trước mắt.

Hai câu 7, 8 là hai câu kết, có nhiệm vụ nâng cao vấn đề hoặc bày tỏ cảm xúc của tác giả. Trong bài thơ này, hai câu kết khẳng định dứt khoát niềm tin của nhà thơ vào tương lai, thể hiện thái độ coi thường lao tù nguy hiểm.
Thân ấy hãy còn, còn sự nghiệp
Bao nhiêu nguy hiểm sợ gì đâu.
Hai tiếng “còn” đứng cạnh nhau tạo nên âm điệu khẳng định mạnh mẽ ý chí đấu tranh cho sự nghiệp cứu nước. Nó như hai tiếng trống chắc nịch, âm vang, kích động lòng người, kết thúc một bản hùng ca.

Bài thơ có sức truyền cảm lớn, trước tiên do lòng nhiệt tình yêu nước cháy bỏng của nhà thơ. Bị bắt, có nguy cơ bị giao lại cho thực dân Pháp – kẻ đã kết án tử hình vắng mặt ông – song tác giả bài thơ không một thoáng bi quan, một chút chán nản. Từ đầu đến cuối, nhà thơ vẫn thể hiện tinh thần lạc quan, niềm tin sắt đá vào sự nghiệp đang theo đuổi: sự nghiệp cứu nước. Mặt khác, sức truyền cảm lớn của bài thơ được khơi dậy từ chính giọng thơ vui vui, yêu đời thể hiện một tâm hồn cứng cỏi, một thái độ hiên ngang. Nó kích thích ý chí quật cường của người đọc, nhất là của lớp thanh niên và trung niên.