Văn bản văn học

Lớp 10

23.00

Văn mẫu

Nội dung

KẾT QUẢ CẦN ĐẠT

- Nắm được các tiêu chí chủ yếu của một văn bản văn học theo quan niệm ngày nay.
- Nắm được cấu trúc của văn bản văn học với các tầng: ngôn từ, hình tượng, hàm nghĩa.
- Vận dụng những hiểu biết nói trên để tìm hiểu tác phẩm văn học.
- Chúng ta đã biết nhiều loại văn bản: miêu tả, tự sự, thuyết minh, nghị luận,... Trong đó, có một số văn bản được gọi là văn bản văn học.
- Vậy văn bản văn học là gì?
- Ranh giới giữa văn bản văn học và những văn bản phi văn học (không phải là văn học) không phải lúc nào cũng rõ ràng, cố định. Mỗi thời đại, mỗi quốc gia có thể có quan niệm khác nhau. Có thời người ta không phân biệt lắm giữa văn văn và sử (văn sử bất phân), văn và triết (văn triết bất phân). Nam Hoa kinh của triết gia Trang Tử, Sử kí của Tư Mã Thiên được xem là những văn bản văn học tuyệt vời.
- Có nhiều văn bản vốn là những văn kiện quan trọng có ý nghĩa lịch sử xã hội như Chiếu dời đô của Lí Công Uẩn, Hịch tướng sĩ của Trần Quốc Tuấn, Đại cáo bình Ngô của Nguyễn Trãi,... còn được xem là những văn bản văn học quan trọng của nước nhà.
- Tiêu chí phân định văn bản văn học là một vấn đề phức tạp, tuỳ thuộc vào quan niệm của mỗi quốc gia trong từng thời kì lịch sử để xác định.

I - TIÊU CHÍ CHỦ YẾU CỦA VĂN BẢN VĂN HỌC

Ta chưa bàn đến những tiêu chí chung nhất, nghiêm ngặt nhất cho tất cả văn bản văn học của mọi thời đại, mọi quốc gia. Ngày nay, nói chung, đa số nhận diện một văn bản văn học theo các tiêu chí sau:

1. Văn bản văn học (truyện cổ tích, bài thơ, cuốn tiểu thuyết, thiên bút kí, vở kịch,...) là những văn bản đi sâu phản ánh hiện thực khách quan và khám phá thế giới tình cảm và tư tưởng, thoả mãn nhu cầu thẩm mĩ của con người. Những chủ đề như tình yêu, hạnh phúc, băn khoăn đau khổ, khát vọng vươn đến chân - thiện – mĩ,... thường trở đi trở lại với những chiều sâu và sắc thái khác nhau trong văn bản văn học.

2. Văn bản văn học được xây dựng bằng ngôn từ nghệ thuật, có hình tượng, có tính thẩm mĩ cao. Nó không trần trụi, bộc trực, đơn nghĩa. Sử dụng nhiều phép tu từ (ẩn dụ, hoán dụ, nhân hoá, tượng trưng,...), văn bản văn học thường hàm súc, gợi lên nhiều liên tưởng, tưởng tượng. Văn bản nào cũng phải có ý nghĩa. Văn bản văn học cũng vậy. Nhưng khi xác định một văn bản văn học phải chú ý đến phẩm chất của ngôn từ diễn đạt.

Có những văn bản lúc ra đời nhằm những mục đích thực tiễn, về sau lại được xem là văn bản văn học, khi ý nghĩa cao sâu đã hài hoà với cách diễn đạt hoàn hảo, thoả mãn nhu cầu thẩm mĩ của người đọc.

3. Văn bản văn học được xây dựng theo một phương thức riêng – nói cụ thể hơn là mỗi văn bản văn học đều thuộc về một thể loại nhất định, và theo những quy ước, cách thức của thể loại đó. Kịch bản có hồi, có cảnh, có lời đối thoại, độc thoại,... Thơ thì có vần điệu, luật, có câu thơ, khổ thơ,... Truyện lại có những quy ước về xây dựng nhân vật, kết cấu cốt truyện, các loại lời văn,...

Tuy vậy, văn bản văn học không chỉ là những biện pháp, những kĩ xảo ngôn từ mà là một sáng tạo tinh thần của nhà văn. Tư tưởng, tình cảm, những trải nghiệm trường đời sâu sắc là điều không thể thiếu trong những tác phẩm lớn. Và nếu không có tư tưởng, tình cảm đúng, không đồng cảm với niềm vui và nỗi đau của con người, người đọc cũng khó có thể hiểu được cái hay cái đẹp của văn bản văn học.

II - CẤU TRÚC CỦA VĂN BẢN VĂN HỌC

Cấu trúc của văn bản văn học mang nhiều tầng lớp, ta cần tìm hiểu để có thể tiếp nhận được cái hay cái đẹp của nó.

Nhìn chung, cần chú ý đến các tầng, lớp sau đây khi tiếp cận một văn bản văn học:

1. Tầng ngôn ngữ - từ ngữ âm đến ngữ nghĩa

Đọc văn bản, ta phải hiểu rõ ngữ nghĩa của từ, từ nghĩa tường minh đến hàm nghĩa, từ nghĩa đen đến nghĩa bóng (ví dụ: con chó sói, lòng lang dạ sói; mùa xuân, tuổi xuân; ngôi sao đêm, ngôi sao điện ảnh,...). Cùng với ngữ nghĩa phải chú ý đến ngữ âm.

Ví dụ:
Chú bé loắt choắt
Cái xắc xinh xinh
Cái chân thoăn thoắt
Cái đầu nghênh nghênh.
Những câu bốn chữ, những từ láy liên tiếp: loắt choắt, thoăn thoắt, xinh xinh, nghênh nghênh với âm thanh của nó cũng gợi lên một cái gì nhanh nhẹn, tươi trẻ.

Tầng ngôn từ là bước thứ nhất cần phải vượt qua để đi vào chiều sâu của văn bản.

2. Tầng hình tượng

Hình tượng được sáng tạo trong văn bản nhờ những chi tiết, cốt truyện, nhân vật, hoàn cảnh, tâm trạng (tuỳ quy mô văn bản: truyện ngắn, truyện vừa, truyện dài,... và tuỳ thể loại: tự sự, trữ tình, kịch,...) mà có sự khác nhau.

Lấy một văn bản gọn nhỏ như bốn câu ca dao sau đây làm ví dụ:
Trong đầm gì đẹp bằng sen,
Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng.
Nhị vàng bông trắng lá xanh,
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.
Tác giả dùng hình tượng, màu sắc, hương vị để nói lên ý của mình. Câu 2, 3 tưởng như trùng lặp, nhưng đó là sự quan sát từ ngoài vào trong (lá xanh, bông trắng, nhị vàng), rồi lại quan sát từ trong ra ngoài (nhị vàng, bông trắng, lá xanh). Nhờ sự quan sát kĩ càng từ nhiều phía nên câu kết càng có sức nặng, từ hình tượng hoa sen đó, ta suy ra hàm nghĩa của bài.

Cành mai trong thơ của thiền sư Mãn Giác:
Đừng tưởng hoa tàn hoa rụng hết,
Đêm qua sân trước một cành mai.
hoặc cây tùng trong thơ Nguyễn Trãi:
Thu đến cây nào chẳng lạ lùng,
Một mình lạt thuở ba đông.
Lâm tuyền ai rặng già làm khách,
Tài đống lương cao ắt cả dùng.
không nhằm nói về cây mai, cây tùng, mà chính là muốn xây dựng nên những hình tượng để gửi gắm tình ý với cuộc đời.

3. Tầng hàm nghĩa

Khi gặp một người, điều dễ thấy là gương mặt, hình dáng bên ngoài. Dần dần qua tiếp xúc ta mới hiểu chiều sâu ẩn kín trong tâm hồn của họ. Đọc tác phẩm văn học cũng vậy: từ tầng ngôn ngữ đến tầng hình tượng, dần dần ta tìm ra tầng hàm nghĩa (ý nghãi ẩn kín, ý nghĩa tiềm tàng) của văn bản.

Có tìm ra hàm nghĩa ta mới hiểu được những điều nhà văn muốn tâm sự, những thể nghiệm về cuộc sống, những quan niệm về đạo đức xã hội, những hoài bão,... Đó là những “tấc lòng” mà nhà văn muốn kí thác cho đời.

Bài ca dao Trong đầm gì đẹp bằng sen không chỉ nói về hoa sen. Từ hình tượng hoa sen đẹp và thơm giữa bùn lầy, người nghệ sĩ dân gian ca ngợi chí khí giữ vững sự trong sạch của con người. Thói thường khi nói về những khiếm khuyết trong tính cách, người ta thường đổ lỗi cho hoàn cảnh. Thật ra, những người có bản lĩnh vẫn giữ được phẩm chất của mình trong môi trường không thuận lợi. Bài Cáo tật thị chúng (Cáo bệnh, bảo mọi người) có câu:
Đừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết,
Đêm qua sân trước một cành mai.
Tác giả không chỉ kể về một sự thật. Hình ảnh hoa rụng hoa nở nói về sự sống tuần hoàn bất diệt. Đó là cái nhìn bình thản yêu đời của người hiểu rõ quy luật, nắm vững chân lí.

Khi nghiền ngẫm hàm nghĩa của bải văn, bài thơ là lúc ta nâng cao tâm hồn mình, làm cho cuộc sống nội tâm trở nên sâu sắc, phong phú hơn.

Để đi sâu vào hàm nghĩa của văn bản văn học, ta cần đi qua các lớp: đề tài, chủ đề, tư tưởng, cảm hứng chủ đạo,... Điều này sẽ nói ở bài sau.

III - TỪ VĂN BẢN ĐẾN TÁC PHẨM VĂN HỌC

Nhà văn sáng tác ra văn bản văn học. Đó là một hệ thống kí hiệu tồn tại khách quan. Khi nằm im trên giá sách, văn bản là một tập giấy có chữ, chưa thể nói đến tác động của nó đối với xã hội. Chỉ có thông qua việc đọc, hệ thống kí hiệu ấy mới hiện lên trong tâm trí người đọc những sự việc, những hình tượng nhân vật, những suy nghĩ vui buồn của con người và cuộc đời. Và những giá trị văn học vốn tiềm ẩn trong văn bản sẽ được người đọc tiếp nhận. Như nốt nhạc được xướng lên, văn bản văn học lúc đó mới thực sự phát huy chức năng của tác phẩm văn học. Người đọc càng trải nghiệm sâu sắc cuộc sống, càng hiểu biết thấu đáo quy luật nghệ thuật, nội dung tác phẩm càng hiện lên đầy đủ hơn, phong phú hơn trong tâm trí. Bấy giờ mới có thể nói đến tác động của tác phẩm với con người, với cuộc đời.

HƯỚNG DẪN HỌC BÀI

1. Hãy nêu những tiêu chí chủ yếu của văn bản văn học.
2. Vì sao nói: hiểu tầng ngôn ngữ mới là bước thứ nhất cần thiết để đi vào chiều sâu của văn bản văn học?
3. Phân tích ý nghĩa một hình tượng mà anh (chị) yêu thích trong một bài thơ, hoặc đoạn thơ ngắn.
4. Hàm nghĩa của văn bản văn học là gì? Cho ví dụ cụ thể.

GHI NHỚ

Ngày nay một văn bản được coi là văn bản văn học khi:
- Phản ánh và khám phá cuộc sống, bồi dưỡng tư tưởng và tâm hồn, thoả mãn nhu cầu thẩm mĩ của con người.
- Ngôn từ có nhiều tìm tòi sáng tạo, có tính hình tượng, có hàm nghĩa sâu sắc, phong phú.
- Được viết theo một thể loại nhất định với những quy ước thẩm mĩ riêng: truyện, thơ, kịch,...
Văn bản văn học mang nhiều tầng lớp: ngôn từ, hình tượng, hàm nghĩa. ĐI sâu vào các tầng lớp đó ta mới hiểu được văn bản văn học.

LUYỆN TẬP

Đọc các văn bản sau và thực hiện các yêu cầu nêu ở dưới.
(1)
NƠI DỰA

Người đàn bà nào dắt đứa nhỏ đi trên đường kia?
Khuôn mặt trẻ đẹp chìm vào những miền xa nào...
Đứa bé đang lẫm chẫm muốn chạy lên, hai chân nó cứ ném về phía trước, bàn tay hoa hoa một điệu múa kì lạ.
Và cái miệng nhỏ líu lo không thành lời, hát một bài hát chưa từng có.
Ai biết đâu, đứa bé bước còn chưa vững lại chính là nơi dựa cho người đàn bà kia sống.
Người chiến sĩ nào đỡ bà cụ trên đường kia?
Đôi mắt anh có cái ánh riêng của đôi mắt đã nhiều lần nhìn vào cái chết.
Bà cụ lưng còng tựa trên cánh tay anh, bước từng bước run rẩy.
Trên khuôn mặt già nua, không biết bao nhiêu nếp nhăn đan vào nhau, mỗi nếp nhăn chứa đựng bao nỗi cực nhọc gắng gỏi một đời.
Ai biết đâu, bà cụ bước không còn vững lại chính là nơi dựa cho người chiến sĩ kia đi qua những thử thách.

(Nguyễn Đình Thi, Tia nắng, NXB Văn học, Hà Nội, 1983)
a) Hãy tìm hai đoạn có cấu trúc (cách tổ chức) câu, hình tượng tương tự nhau của bài Nơi dựa.
b) Những hình tượng (người đàn bà – em bé, người chiến sĩ – bà cụ già) gợi lên những suy nghĩ gì về nơi dựa trong cuộc sống?

(2)
THỜI GIAN

Thời gian qua kẽ tay
Làm khô những chiếc lá
Kỉ niệm trong tôi
Rơi
như tiếng sỏi
trong lòng giếng cạn
Riêng những câu thơ
còn xanh
Riêng những bài hát
còn xanh
Và đôi mắt em
như hai giếng nước.

(Văn Cao, , NXB Tác phẩm mới, Hà Nội, 1998)
a) Theo anh (chị), các câu sau đây hàm chứa ý nghĩa gì?

- Kỉ niệm trong tôi
Rơi
như tiếng sỏi
trong lòng giếng cạn

- Riêng những câu thơ
còn xanh
Riêng những bài hát
còn xanh
(đối sánh với hai câu mở đầu của bài, chú ý từ xanh)

- Và đôi mắt em
như hai giếng nước.

b) Qua bài Thời gian, Văn Cao định nói lên điều gì?

(3)
MÌNH VÀ TA

Mình là ta đấy thôi, ta vẫn gửi cho mình,
Sâu thẳm mình ư? Lại là ta đấy!
Ta gửi tro, mình nhen thành lửa cháy,
Gửi viên đá con, mình dựng lại nên thành.

(Chế Lan Viên, Ta gửi cho mình, NXB Tác phẩm mới, Hà Nội, 1986)
a) Giải thích rõ quan niệm của Chế Lan Viên về mối quan hệ giữa người đọc (mình) và nhà văn (ta) ở các câu 1, 2.
b) Nói rõ quan niệm của Chế Lan Viên về văn bản văn học và tác phẩm văn học trong tâm trí của người đọc ở các câu 3, 4.