Thề nguyền (trích Hồi 4 Truyện Kiều)

Việt Nam / Lớp 10 » Nguyễn Du

Văn mẫu

Nội dung

Cửa ngoài vội rủ rèm the,
Xăm xăm băng lối vườn khuya một mình.
Nhặt thưa[1] gương[2] giọi đầu cành,
Ngọn đèn trông lọt trướng huỳnh[3] hắt hiu.
Sinh vừa tựa án[4] thiu thiu,
Dở chiều như tỉnh dở chiều như mê.
Tiếng sen[5] sẽ động giấc hè,
Bóng trăng đã xế hoa lê[6] lại gần.
Bâng khuâng đỉnh Giáp non thần[7].
Còn ngờ giấc mộng đêm xuân mơ màng.
Nàng rằng: “Khoảng vắng đêm trường,
Vì hoa nên phải trổ đường tìm hoa.
Bây giờ rõ mặt đôi ta,
Biết đâu rồi nữa chẳng là chiêm bao?”
Vội mừng làm lễ rước vào,
Đài sen[8] nối sáp lò đào[9] thêm hương.
Tiên thề[10] cùng thảo một chương,
Tóc mây[11] một món dao vàng[12] chia đôi.
Vừng trăng vằng vặc giữa trời,
Đinh ninh hai miệng một lời song song.
Tóc tơ[13] căn vặn tấc lòng,
Trăm năm tạc một chữ đồng[14] đến xương.
[1] Nhặt thưa: (nhặt: mau, dày) chỉ ánh trăng chiếu xuyên qua lá cây tạo thành những khoảng sáng không đều nhau, chỗ sáng nhiều chỗ sáng ít.
[2] Gương: ở đây chỉ mặt trăng.
[3] Trướng huỳnh: xưa có người nhà nghèo không có đèn để đọc sách, phải bắt đom đóm làm đèn học. Do đó, trướng huỳnh được dùng chỉ phòng học của nho sinh, đồng thời gợi ý hiếu học. Cả câu ở đây ý nói: nhìn từ bên ngoài vào thấy ánh sáng đèn từ phòng học của Kim Trọng lọt ra dìu dịu.
[4] Án: cái bàn học xưa.
[5] Tiếng sen: tiếng bước chân nhẹ nhàng của người đẹp.
[6] Hoa lê: hoa cây lê, ở đây chỉ người đẹp.
[7] Đỉnh Giáp non thần: bài Phú Cao Đường của Tống Ngọc kể rằng vua nước Sở chơi đất Cao Đường nằm mơ thấy một người đàn bà đẹp, hỏi ở đâu, người đó nói là thần nữ núi Vu Giáp. Non thần: thần núi ấy. Cả câu có nghĩa là Kim Trọng cảm thấy Kiều xuất hiện như là thần nữ của núi Vu Giáp.
[8] Đài sen: cái đài hình hoa sen để đặt cây nến.
[9] Lò đào: cái lò hương hình trái đào. Cả câu ý nói Kim Trọng đặt thêm nến sáp cho thêm sáng, thắp thêm hương cho thêm thơm.
[10] Tiên thề: (tiên: tờ giấy) tờ giấy viết lời thề.
[11] Tóc mây: tóc xanh như mây.
[12] Dao vàng: chỉ con dao quý, cũng có thể đây chỉ là phép tu từ thuần tuý khi tả con dao mà Kiều và Kim Trọng dùng để cắt tóc thề nguyền, giống như trường hợp bút hoa, lệ hoa, thềm hoa,…
[13] Tóc tơ: chỉ những điều chi li, tỉ mỉ.
[14] Chữ đồng: chữ đồng tâm, đồng lòng.
Một hôm, khi cả gia đình sang chơi bên ngoại, Kiều đã tìm gặp Kim Trọng. Chiều tà, nàng trở về nhà, được tin cả nhà vẫn chưa về, Kiều quay lại gặp Kim Trọng. Hai người đã làm lễ thề nguyền gắn bó trước vầng trăng sáng vằng vặc. Đoạn trích sau đây (từ câu 431 đến câu 452) kể về việc Kiều sang nhà Kim Trọng và làm lễ thề nguyền.

(Theo ĐÀO DUY ANH, Từ điển Truyện Kiều, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1974)