Thái sư Trần Thủ Độ (trích “Đại Việt sử kí toàn thư”)

Việt Nam / Lớp 10 » Ngô Sĩ Liên

Chưa có đánh giá nào

Văn mẫu

Nội dung

Giáp Tí, năm thứ bảy[1].

Mùa xuân, tháng giêng.

Thái sư[2] Trần Thủ Độ chết (tuổi 71); truy tặng Thượng phụ Thái sư Trung Vũ Đại Vương.

Thủ Độ tuy không có học vấn, nhưng tài lược hơn người, làm quan triều Lí được mọi người suy tôn. Thái Tông[3] lấy được thiên hạ đều là nhờ mưu sức của Thủ Độ cả, cho nên nhà nước phải nhờ cậy, quyền hơn cả vua.

Bấy giờ có người hặc[4], vào ra mắt Thái Tông, khóc nói rằng:
- Bệ hạ trẻ thơ mà Thủ Độ quyền hơn cả vua, đối với xã tắc sẽ ra sao?

Vua lập tức hạ lệnh xa giá đến nhà Thủ Độ và đem cả người hặc đó đi theo. Vua đem lời của người hặc nói tất cả cho Thủ Độ biết. Thủ Độ trả lời:
- Đúng như lời người ấy nói.

Rồi lấy tiền lụa thưởng cho anh ta.

Linh Từ Quốc Mẫu[5] có lần ngồi kiệu đi qua chỗ thềm cấm, người quân hiệu[6] ngăn lại không cho đi. Về nhà, khóc bảo Thủ Độ rằng:
- Mụ này làm vợ ông mà bọn quân hiệu khinh nhờn như thế.

Thủ Độ giận, sai đi bắt. Người quân hiệu kia biết chắc mình phải chết. Khi đến nơi, Thủ Độ vặn hỏi trước mặt. Anh ta đem sự thực trả lời. Thủ Độ nói:
- Ngươi ở chức thấp mà biết giữ phép như thế, ta còn trách gì nữa?

Bèn lấy vàng lụa ban thưởng rồi cho về.

Thủ Độ từng duyệt định sổ hộ khẩu, Quốc Mẫu xin cho riêng một người làm câu đương[7]. Thủ Độ gật đầu và biên lấy họ tên quê quán của người đó. Khi xét duyệt đến xã nọ, hỏi rằng, tên kia đâu. Người ấy mừng, chạy đến. Thủ Độ nói:
- Ngươi vì có Công chúa[8] xin cho được làm câu đương, không ví như người câu đương khác được, phải chặt một ngón chân để phân biệt.
Tên kia kêu van xin thôi, hồi lâu mới tha cho; từ đấy không ai dám đến nhà thăm riêng nữa.

Thái Tông từng muốn cho người anh của Thủ Độ là An Quốc làm tướng. Thủ Độ nói:
- An Quốc là anh thần, nếu là người hiền[9] thì thần xin nghỉ việc, còn như cho thần là hiền hơn An Quốc thì không nên cử An Quốc. Nếu anh em cùng là tướng thì việc trong triều sẽ ra sao?

Vua bèn thôi.

Thủ Độ tuy làm tể tướng mà phàm công việc không việc gì là không để ý. Vì thế mà giúp nên nghiệp vương, giữ được tiếng tốt cho đến chết. Thái Tông có làm bài văn bia ở sinh từ để tỏ quý mến khác người /…/.
[1] Năm thứ bảy: tức năm thứ bảy niên hiệu Thiệu Long, đời vua Trần Thánh Tông, vua thứ hai triều nhà Trần.
[2] Thái sư: chức quan cao nhất trong triều, có quyền tham gia ý kiến trong mọi việc chính sự.
[3] Thái Tông: tức Trần Thái Tông, vua đầu tiên triều nhà Trần.
[4] Người hặc: người vạch tội lỗi của vị quan nào đó trong triều.
[5] Linh Từ Quốc Mẫu: vợ Trần Thủ Độ.
[6] Quân hiệu: chức quan võ nhỏ.
[7] Câu đương: chức dịch nhỏ trong xã, lo việc bắt giữ và áp giải phạm nhân.
[8] Công chúa: chỉ Linh Từ Quốc Mẫu. Bà nguyên là hoàng hậu của vua Lí Huệ Tông, khi nhà Lí mất, bị giáng làm Thiên Cực Công chúa, rồi lấy Trần Thủ Độ.
[9] Người hiền: người có tài đức hơn người.

CAO HUY GIU dịch
(Đại Việt sử kí toàn thư, tập II, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1971)