Thương vợ

Việt Nam / Lớp 11 » Trần Tế Xương

Nội dung

Quanh năm buôn bán ở mom sông[1],
Nuôi đủ[2] năm con[3] với một chồng.
Lặn lội[4] thân cò khi quãng vắng,
Eo sèo mặt nước buổi[5] đò đông.
Một duyên, hai nợ, âu đành phận,
Năm nắng, mười mưa[6], dám quản công.
Cha mẹ thói đời ăn ở bạc[7]:
Có chồng hờ hững cũng như không!
[1] Còn gọi đầu mom, có bến thuyền, bãi chợ. Có bản chép "miền sông".
[2] Có bản chép "Nuôi nấng".
[3] Có bản chép "đàn con".
[4] Có bản chép "Lật đật".
[5] Có bản chép "lúc".
[6] Có bản chép "sương".
[7] Tác giả làm thành lời nhiếc của vợ, cũng là tự trách mình, đồng thời cũng chửi vào thói đời bạc bẽo.
Thơ xưa viết về người vợ đã ít, mà viết về người vợ khi đang còn sống càng hiếm hoi hơn. Thơ Trần Tế Xương lại khác. Trong sáng tác của ông, có hẳn một đề tài về bà Tú gồm cả thơ, văn tế, câu đối. Bà Tú từng chịu nhiều vất vả gian truân trong cuộc đời, nhưng bà lại có niềm hạnh phúc là ngay lúc còn sống đã được đi vào thơ ông Tú với tất cả niềm thương yêu, trân trọng của chồng. Thương vợ là một trong những bài thơ hay và cảm động nhất của Tú Xương viết về bà Tú. Với tình cảm thương yêu, quý trọng, tác giá đã ghi lại một cách xúc động, chân thực hình ảnh người vợ tần tảo, giàu đức hi sinh. Thương vợ là bài thơ tiêu biểu cho thơ trữ tình của Trần Tế Xương: cảm xúc chân thành, lời thơ giản dị mà sâu sắc.

Tiêu đề có bản chép là Đưa cho vợ.

Nguồn:
1. Thơ văn Trần Tế Xương, NXB Giáo dục, 1984
2. Thơ Trần Tế Xương, NXB Văn hoá - Thông tin, 1998
3. Dương Quảng Hàm, Việt Nam thi văn hợp tuyển, Bộ Quốc gia Giáo dục xuất bản, Hà Nội, 1951