Phân tích bài thơ “Thề non nước” (4)

Việt Nam » Tản Đà » Thề non nước

Chưa có đánh giá nào
Nhắc đến con người ngông nghênh ngất ngưởng hẳn ai cũng nhớ đến Nguyễn Công Trứ và khi nói đến con người của hai thế kỉ thì ai cũng nhớ đến nhà thơ Tản Đà. Nhà thơ ấy có một cá tính đặc biệt và có những sáng tác cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Nó góp phần làm phong phú thêm nền văn học nước nhà. Trong những sáng tác của ông chúng ta đặc biệt ấn tượng với bài thơ Thề non nước.

Trước hết là nhan đề của bài thơ, non nước là khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ hữu tình. Dân gian ta đã từng ví tình cảm của mình với non với nước. Hai hình ảnh ấy đi liền với nhau, gắn bó với nhau. Nó trở thành một hình ảnh mặc nhiên có non thì có nước. Chính vì sự gắn bó gần gũi ấy mà nhân dân ta luôn lấy hai hình ảnh này để tượng trưng cho tình cảm trong đời sống tâm hồn mình. Và ở đây Tản Đà cũng sử dụng hình ảnh thiên nhiên tổ quốc ấy để nói về tình yêu nam nữ được bộc lộ kín đáo qua lòng yêu nước. Thề non nước là sự nhân hoá non nước như tượng trưng cho lời thề của tình yêu đôi lứa sâu sắc mặn nồng. bài thơ là sự đối đáp trò chuyện của hai nhân vật là cô đào Vân Anh và người lữ khách về hình ảnh non nước.

Mở đầu bài thơ Tản Đà đã nêu lên lời thề của non nước bằng hai câu thơ đầu:
Nước non nặng một lời thề
Nước đi, đi mãi không về cùng non
Nước và non nặng một lời thề, đó là lời thề của sự gắn bó tình yêu đôi lứa. Bấy lâu nay nước non vẫn cứ bên nhau để làm nên một cảnh đẹp sơn thuỷ hữu tình. Sự đẹp đẽ ấy tượng trưng cho sự hài hoà của tình yêu đôi lứa. Lời thề non nước là một lời thề nặng những ân tình. Chữ “nặng” như làm cho câu thơ như trĩu xuống. Đó cũng là lời thề sắt son của đôi trai gái yêu nhau. Đặc biệt là câu thơ thứ hai các động từ thể hiện sự tăng tiến dẫn đến sự chia ly của non nước. Từ “đi” rồi đến “đi mãi” cuối cùng là “không về”. Càng tăng tiến bao nhiêu thì sự chia li càng lớn bấy nhiêu. Vậy là lời thề non nước sâu nặng đến như thế vậy mà nước vẫn bỏ non đi mãi không về.

Sau khi nêu lên lời thề non nước nhà thơ nói đến tình cảnh của non khi mà nước cứ đi mãi không về:
Nhớ lời nguyện nước thề non
Nước đi chưa lại non còn đứng không
Non cao những ngóng cùng trông
Suối khô dòng lệ chờ mong tháng ngày
Xương mai một nắm hao gầy
Tóc mây một mái đã đầy tuyết sương
Giời tây ngả bóng tà dương
Càng phơi vẻ ngọc nét vàng phôi pha
Non cao tuổi vẫn chưa già
Non thời nhớ nước, nước mà quên non!
Nhà thơ một lần nữa lại nhắc lại lời thề non nước. Tình cảnh của non được thể hiện rất rõ. Ở đây nhà thơ đã sử dụng nghệ thuật tách lời thể hiện sự chia cắt xa xôi. Hai từ nguyện thề không đi cùng nhau sát cánh bên nhau mà được tách ra là nguyện nước và thề non. Điều đó phải chăng là dụng ý nghệ thuật của tác giả để nói về sự chia cắt. Không những thế nhà thơ còn sử dụng biện pháp đối lập giữa “nước đi chưa lại” và “non còn đứng không”. Sự đối lập ấy cho thấy nước cứ đi mãi mãi không về còn non thì vẫn đứng không chờ đợi ngóng trông trong nhung nhớ và cô đơn. Dù ở trong tình cảnh như thế nhưng non vẫn giữ nguyên lời thề nguyện của mình và vẫn thể hiện tâm trạng nhớ nhung mong nước trở về. Đọc câu thơ lên chúng ta như cảm nhận được sự ngóng trông của non, cái hình hài vốn đã cao lớn ấy nay lại càng như muốn dướn lên cao hơn để phóng tầm mắt của mình tìm kiếm nước. Có lẽ chính những năm tháng một lòng một dạ đợi chờ ấy đã in hằn lên dáng hình của non. Hàng loạt các hình ảnh như “suối khô dòng lệ”, “sương mai một nắm”, “tóc mây” là hàng loạt các hình ảnh đẹp của thiên nhiên. Thế nhưng đó chính là sự hao mòn của non khi chờ núi. Nỗi nhớ, niềm thương, sự mong đợi khiến cho dáng hình của non hao gầy, tàn úa. Thế nhưng non vẫn chưa già mà có già thì non vẫn cứ mong chờ nước quay về. Dù thời gian có làm cho non vàng úa phôi pha thì non vẫn cứ khẳng định tình chung với nước, mãi mãi đợi chờ trong mong ngóng. Đồng thời qua đó nhà thơ muốn kín đáo gửi gắm tâm sự của mình là khao khát hồn nước sẽ sống lại, chủ quyền sẽ trở về với non sông Tổ quốc.

Nếu chỉ đọc đến đoạn thơ trên chúng ta cứ nghĩ rằng nước vô tâm vô tình lắm, bạc bẽo lắm thì đến với đoạn thơ tiếp theo chúng ta mới hiểu được nỗi lòng mà nước trao cho non. Dù nước có đi nhưng vẫn để lại lời nhắn nhủ:
Dù cho sông cạn đá mòn
Còn non còn nước hãy còn thề xưa
Non cao đã biết hay chưa?
Nước đi ra bể lại mưa về nguồn
Nước non hội ngộ còn luôn
Bảo cho non chớ có buồn làm chi!
Nước kia dù hãy còn đi
Ngàn dâu xanh tốt non thì cứ vui
Nước rằng dẫu cho sông cạn đá mòn thì lời thề nguyện xưa kia vẫn còn là một lời nguyện thề nặng trĩu. Lời thề ấy còn khi mà non và nước vẫn còn. Nước như hỏi non nhưng lại chính là đang nhắn nhủ an ủi non. Nước không đi mãi bỏ non một mình mà nước có ra bể lớn thì cùng lại mưa về nguồn thôi. Khi ấy nước non sẽ hội ngộ, nước dẫu hãy còn đi nhưng nước chắc chắn sẽ trở về. Vậy nên non không nên buồn làm chi. Những lời nói ấy như an ủi động viên non và thể hiện tình cảm sắc son của mình. Đồng thời tác giả bộc lộ niềm tin về một tương lai không xa đất nước sẽ được tự do.

Kết thúc bài thơ Tản Đà đã một lần nữa thể hiện khẳng định lời thề non nước sâu sắc. Tình yêu đôi lứa ấy nhưng cũng chính là lời thề yêu tổ quốc của tác giả:
Nghìn năm giao ước kết đôi
Non non nước nước chưa nguôi lời thề
Con số nghìn năm là một khoảng thời gian rất dài mà thời gian luôn làm cho mọi thứ phôi pha nhạt nhoà và thay đổi. Thế nhưng với non và nước thì nghìn năm chỉ là con số bình thường, lời thề nguyền vẫn cứ được giữ nguyên không bao giờ tan biến.

Như vậy qua đây ta thấy Tản Đà đã vẻ lên trước mắt chúng ta một bức tranh thiên nhiên vô cùng của non nước. Non nước ở đây đã được nhân hoá thành người con trai con gái yêu thương nhau son sắt thuỷ chung với một lời thề nguyện nghìn năm không thay đổi. Đồng thời qua việc thể hiện tình yêu nam nữ nhà thơ thể hiện tình yêu đất nước, tự do một cách kín đáo.