Phân tích bài thơ “Mưa xuân”

Việt Nam » Nguyễn Bính » Mưa xuân

223.32
Mùa xuân là mùa của lễ hội, mùa của đôi lứa hẹn hò, trao nhau những lời hẹn ước. Mùa xuân cũng là mùa của cảm xúc thơ ca, thăng hoa trong tâm hồn các thi sĩ. Nếu như mùa xuân trong thơ Xuân Diệu đẹp đến vô thực, nồng cháy đến khiến ta say mê, điên cuồng muốn chiếm hữu thì mùa xuân trong thơ Nguyễn Bính lại hoàn toàn khác. Với Mưa xuân, mùa xuân của Nguyễn Bính cũng đậm chất giản dị, thanh bình của làng quê Việt Nam như chính tâm hồn ông vậy!

Câu chuyện về mưa xuân nhưng mở đầu bài thơ không phải mưa, không phải cảnh xuân, mà là sự xuất hiện trực tiếp của con người. Một người con gái:
Em là cô gái trong khung cửi
Dệt lụa quanh năm với mẹ già.
Lòng trẻ còn như vuông lụa trắng
Mẹ già chưa bán chợ làng xa
Đó là một cô gái trẻ làm nghề dệt lụa. Chắc hẳn đây là một cô gái đẹp, tấm lòng cô trong sáng, thuần khiết, được tác giả so sánh như một “vuông lụa trắng” vẫn chưa được mẹ già “bán chợ làng xa” tức là chưa có chồng. Cách nói thật lạ, thật hay! So sánh giản dị, giàu tính tượng hình mà cũng đầy tinh tế. Cô gái trẻ này chính là mẫu người thiếu nữ thôn quê trong trắng, thuần khiết, nét đẹp giản dị thường xuất hiện trong thơ Nguyễn Bính.

Nhắc đến sự quen thuộc, tôi chợt nhớ đến “Thôn Đoài ngồi nhớ Thôn Đông” từng xuất hiện trong “Tương Tư”. Sở dĩ có sự liên tưởng này, bởi vì trong 4 câu thơ tiếp theo, hình ảnh Thôn Đoài lại xuất hiện, trong một chiều mưa xuân:
Bữa ấy, mưa xuân phơi phới bay,
Hoa xoan lớp lớp rụng rơi đầy.
Hội chèo làng Đặng đi ngang ngõ,
Mẹ bảo: “Thôn Đoài hát tối nay”.
Đến đây, sau khi tả người, Nguyễn Bính đã kể đến chuyện mưa xuân, mưa xuân vào một buổi chiều. Cảnh nhà đơn chiếc chỉ có hai mẹ con bỗng trở lên vui tươi ở khổ thơ này. Bởi một bữa “mưa xuân phơi phới bay”. Đọc câu thơ, ta có cảm giác từ “phơi phới” như làm sống động cả khổ thơ, khiến cho mùa xuân cũng trở nên thật có hồn. Cảm giác như không phải mưa xuân phơi phới mà chính là lòng “em” đang “phơi phới” sắc xuân thì. Mùa xuân như thổi sắc “phơi phới” vào hồn “em” tươi trẻ, khiến hoa xoan cũng nở rộ đẹp xinh, “phơi phới” báo hiệu mùa xuân về. Rồi “hội chèo làng Đặng đi ngang ngõ” đã làm cho khung cảnh yên bình bị phá vỡ. Tiếng trống hội làng thúc giục, với tiếng loa của “hội chèo” cộng thêm “mẹ bảo: “Thôn Đoài hát tối nay”.làm cho “vuông lụa trắng” khấp khởi khi ngồi dệt bên khung cửi hay chính tấm lòng thiếu nữ đang mong ngóng nên khấp khởi?


Khấp khởi vì sao? Phơi phới vì sao? Phải chăng bởi bởi cái gọi là “gió mưa là chuyện của trời. Tương tư là chuyện của tôi yêu nàng”? Qủa thật vậy:
Lòng thấy giăng tơ một mối tình
Em ngừng thoi lại giữa tay xinh
Hình như hai má em bừng đỏ
Có lẽ là em nghĩ tới anh
Ba câu trước miêu tả tâm trạng bối rối xen lẫn chờ đợi, khấp khởi nhưng cũng ngại ngùng e lệ điển hình của cô gái mới biết yêu. Không biết là do “mưa xuân phơi phới”, “hội chèo đi ngang ngõ” hay lời nói của mẹ đã làm cho “vuông lụa trắng” phải “ngừng thoi lại”. Không biết có phải tay xinh ngừng dệt là do lòng “giăng tơ một mối tình”? Lòng mới chỉ “giăng tơ” mà sao “hai má em bừng đỏ”? Tất cả câu hỏi đều được trả lời bằng câu thơ cuối, là do anh, tại anh, là vì nghĩ đến nha: “Có lẽ là em nghĩ tới anh”.

Câu chuyện mưa xuân lại được kể tiếp như nối tiếp tâm trạng bâng khuâng, khấp khởi nhớ đến anh của cô thôn nữ:
Bốn bên hàng xóm đã lên đèn
Em ngửa bàn tay trước mái hiên,
Mưa chấm tay em từng chấm lạnh,
Thế nào anh ấy chẳng sang xem
Bóng tối bao phủ lấy làng quê, nhà nhà đồng loạt lên đèn. “Em” ra trước mái hiên ngửa bàn tay ra đón lấy những hạt mưa, chính là những hạt “mưa xuân phơi phới”. Dường như khi biết yêu, tâm hồn con người cũng trở nên lãng mạn hơn! Có điều, em đưa tay ra hứng mưa mà chẳng để ý lắm đến mưa, trong lòng “giăng kín” chỉ nghĩ tới Trời đã buông màn nhung tối đen xuống, bao phủ làng quê. Nhà nhà đã lên đèn, em lúc này mới để ý và ra “trước mái hiên”,làm một hành động rất đẹp “ngửa bàn tay” ra đón “mưa xuân phơi phới bay”. Mặc dù “mưa chấm tay em từng chấm lạnh”. Nhưng em không cảm thấy mưa lạnh đang rót vào tay mình từng hạt, mà em chỉ nghĩ tới “thế nào anh ấy chẳng sang xem”.

Lòng người biết yêu thổi vào mùa xuân cũng có hồn hơn hẳn, bởi “vuông lụa trắng” khấp khởi trong lòng khi nghĩ tới “anh ấy”nên không ngần ngại dẫu ngoài trời đang mưa:
Em xin phép mẹ, vội vàng đi
Mẹ bảo xem về kể mẹ nghe,
Mưa bụi nên em không ướt áo,
Thôn Đoài cách có một thôi đê
Từ “vội vàng” xuất hiện trong khổ thơ thật đúng lúc, thật kịp thời, rất đúng với diễn biến tâm trạng của cô gái đang yêu. Đọc đoạn thơ này, nhịp thơ cũng vì từ “vội vàng” mà nhanh hơn một nhịp; có cảm giác như thể em đang vội vàng để đến Thôn Đoài, nhưng đi xem hát đấy mà chẳng phải vì hát đâu, mà là vì anh, vì muốn gặp anh. Em đi nhanh như thế, đến nỗi cách một thôi đê mà mưa bụi cũng chẳng thể làm ướt áo em. Thế cũng đủ hiểu trong lòng em đang vội vã, khấp khởi đến thế nào. Vậy mới nói, không phải phơi phới tại mưa xuân, mà tại lòng xuân:
Thôn Đoài vào đám hát thâu đêm
Em mải tìm anh chả thiết xem
Chắc hẳn đêm nay giường cửi lạnh
Thoi ngà nằm nhớ ngón tay em
Em đi xem hát chèo, người ta hát thâu đêm, chắc hẳn phải vui lắm, hay lắm, nhộn nhịp lắm nhưng em chẳng quan tâm. Với tâm trạng của một thiếu nữ mới biết yêu, điều em quan tâm nhất chỉ có anh. Mặc kệ lời mẹ dặn “xem về kể mẹ nghe”, mải tìm kiếm anh nên em “chẳng thiết xem”. Vậy em có tìm thấy hay không? Giữa chốn đông người đi xem hát ấy, chưa biết. Chỉ thấy phía trước và ngay đêm nay, nơi căn nhà ấm cúng của em và Mẹ sẽ có “giường cửi lạnh”. Em không ngủ cũng không dệt nên “thoi ngà nằm nhớ ngón tay em”. Thoi ngà nhớ người, hay em đang nhớ anh?
Chờ mãi anh sang, anh chả sang,
Thế mà hôm nọ hát bên làng,
Năm tao bẩy tiết anh hò hẹn
Để cả mùa xuân cũng bẽ bàng
Vậy là em không tìm thấy anh, buồn làm sao! Em đã trông mong nhiều như thế, trái tim em thuần khiết như thế. Bốn câu thơ diễn tả tâm trạng cũng như những lời trách rất thật, rất nhẹ nhàng của cô gái thôn quê. Hoá ra không dưng mà đầu câu chuyện Mưa xuân, em lại “hai má bừng đỏ” khi “nghĩ tới anh”. Hoá ra họ đã gặp nhau ở đám “hát bên làng” hôm nọ. Anh chàng đã “năm tao bảy tiết” hò hẹn. khiến cô gái “lòng còn như vuông lụa trắng” đã tin tưởng và hôm nay thì lại thấy “cả mùa xuân cũng bẽ bàng”. Anh đã hẹn nhưng rồi anh không đến, khiến hồn Em - một cô gái ngây thơ chờ đợi, tìm kiếm đến buồn bã, bơ vơ. Em thất vọng vì tìm không gặp anh, phải lủi thủi “bẽ bàng” và có cảm giác rằng mùa xuân tươi mới kia, mới đó còn “phơi phới” giờ cũng đã trở nên thật “bẽ bàng”, em lẻ loi, tội nghiệp trở về:
Mình em lầm lũi trên đường về,
Có ngắn gì đâu một dải đê
Áo mỏng che đầu, mưa nặng hạt
Lạnh lùng em tủi với canh khuya
Đám hát tan nhưng đêm chưa tàn. Nếu như ở khổ thơ trước, với tâm trạng “phơi phới”, khoảng cách đến thôn Đoài chỉ ngắn ngủi có một thôi đê, đến nỗi mưa xuân cũng không làm em ướt áo; thì giờ đây, một thôi đê cũng trở nên dài bất tận. Đám hát đã tan, và “em mải tìm anh” trong vô vọng. Anh đã không đến hay là em tìm không gặp?hay là bởi không duyên?. Bao nhiêu câu hỏi không lời giải đáp. Chỉ biết rằng giờ đây “mình em lầm lũi trên đường về”! “Mình em tủi với canh khuya”! Có lẽ em là người sau cùng rời đám hát, nên đường về chỉ có mình em.

Khi đi, em khấp khởi vui bao nhiêu thì bây giờ về là đoạn đường lê thê. “Mưa nặng hạt” và chỉ có “áo mỏng che đầu” khiến em bị “mưa nặng hạt” làm ướt áo. Thấm lạnh từ mưa và cả cái lạnh từ trong “vuông lụa trắng”, làm em tê tái bước chân trên đường về cô độc.
Bữa ấy, mưa xuân đã ngại bay
Hoa xoan đã nát dưới chân giầy
Hội chèo làng Đặng về ngang ngõ
Mẹ bảo: “Mùa xuân đã cạn ngày”
Đúng là “Cảnh nào cảnh chẳng đeo tình. Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”, mưa xuân giờ đã biết vui. Biết buồn theo em. Mưa “phơi phới” giờ cũng ngại bay, hoa xoan vẫn rụng nhưng không lớp lớp dày” nữa mà giờ thì “hoa xoan đã nát” dưới chân giầy”. Bởi “hội chèo làng Đặng về ngang ngõ”. Thôn Đoài đã hết hội rồi. Còn mẹ lại bảo “Mùa xuân đã cạn ngày”. Em buồn, Xuân buồn, bởi hội tan, gánh chèo rời đi, em đâu còn cơ hội để tìm anh nữa. Hình ảnh hoa xoan bị đạp dưới chân giày cũng giống như sự ngóng trông, khắc khoải và hy vọng của em vỡ vụn theo trong chiều mưa nặng hạt ấy. Hy vọng không còn em chỉ còn biết tự thầm thì với lòng mình, như đang nói với anh thôi:
Anh ạ! Mùa xuân đã cạn ngày
Bao giờ em mới gặp anh đây?
Bao giờ hội Đặng đi ngang ngõ
Để mẹ bảo rằng: “Hát tối nay!”
Em không gặp được anh, em lủi thủi một mình, em tủi với canh khuya nhưng em không hề mất hết hy vọng. Cô gái trẻ ngây thơ, thuần khiết như “vuông lụa trắng” vẫn chờ đợi, vẫn tin tưởng đó chỉ là chưa gặp, có nghĩa là sẽ gặp, có điều không biết là bao giờ. Bởi biết đâu, hội sau em vẫn sẽ lại không may mắn, lại sẽ không gặp được anh?

Bài thơ Mưa xuân được Nguyễn Bính viết theo thể thơ tứ tuyệt trường thiên. Đó là mùa xuân ở vùng quê bắc bộ những năm nửa đầu của thế kỷ 20. Trong Mưa xuân có bức tranh làng quê ngày xuân, có hội làng, có nỗi lòng của một thôn nữ ở tuổi cập kê. Mưa xuân như một câu chuyện được thi sĩ kể bằng thơ. Đó là một câu chuyện về tình yêu, về nỗi nhớ mong, tương tư của một cô gái trẻ nơi thôn quê thuần khiết. Câu chuyện chưa kết thúc, cứ khiến người đọc vừa hy vọng, lại vừa man mác buồn.
Huỳnh Xuân Sơn