Phân tích bài thơ “Đò Lèn” (3)

Việt Nam / Lớp 12 » Nguyễn Duy » Đò Lèn

23.00
Nguyễn Duy là một cây bút tài hoa, đã từng có những bài thơ nằm lòng nhiều thế hệ như Tre Việt Nam; mặc dù đến nay tác giả tuyên bố “gác bút” nhưng những gì ông để lại cho Văn học Việt Nam vẫn rất mới và ấn tượng. Chúng tôi trân trọng giới thiệu bài thơ Đò Lèn của ông với hơi thơ mộc mạc, phảng phất chất dân gian truyền cảm, màn độc thoại hoài niệm của nhà thơ về bến cũ đã mê hoặc những ai đọc nó.

Viết về người bà cùng những kí ức tuổi thơ, gắn liền với địa danh, thân thiết của quê hương, trong niềm thương tiếc, ân hận, xót xa muộn màng của người cháu nay đã trưởng thành. Bài thơ không chỉ bộc lộ tình yêu quê hương đất nước, yêu những người thân mà đặc biệt còn mang lại giá trị thức tỉnh rất nhân bản.

Tuổi thơ và hồi ức dường như là một niềm xúc cảm đau đáu trong thơ Nguyễn Duy. Trong bài thơ “ánh trăng” ngày chiến thắng trở về thành thị, nhanh chóng thích nghi với cuộc sống đầy đủ tiện nghi vô tình lãng quên quá khứ gian khổ và nghĩa tình như một hình ảnh, một khoảnh khắc bất chợt của ánh trăng soi sáng khi thành phố mất điện đã bật thức trong anh bao nỗi niềm, bắt đầu là kí ức trong veo của đứa trẻ đồng quê lớn lên với thiên nhiên phóng khoáng và tiếc lại niềm xám hối chân thành còn quá khứ. Còn ở đây kí ức của một thời tuổi nhỏ được tái hiên qua một anh bộ đội khi đã trưởng thành, nghĩ về người bà đã mất của mình, tuổi nhỏ ấy được tái hiện chân thật và xúc động bởi nó chạm đến hồi ức và quan niệm một thời của hầu như hết thảy mọi người. lòng yêu thương những người ruột thịt bao giờ cũng là thước đo quan trọng nhất cho lòng nhân ái của con người.
Thuở nhỏ tôi ra cống Na câu cá
níu váy bà đi chợ Bình Lâm
bắt chim sẻ ở vành tai tượng Phật
và đôi khi ăn trộm nhãn chùa Trần
Kí ức hiện lên trong tâm tưởng nhà thơ, rất sống động, rưng rưng cảm xúc, vừa riêng tư, vừa gần gũi với mọi người. một cậu bé sống ở làng quê, cuộc sống ấy nhiều mơ mộng và bình yên qua cảm nhận của cậu nhưng nó lại rất giản dị và đẹp đẽ. Cậu say mê những trò chơi con trẻ: bắt chim, níu váy bà đi chợ, trốn tìm, chỉ với 4 câu thơ nhỏ mà đong đầy kỉ niệm của một thời hồn nhiên, tinh nghịch và ngây thơ. Hình ảnh cậu bé quê vừa có nét gì rất riêng trong hoàn cảnh của nhà thơ vừa khiến người đọc thương mến bởi sự hồn nhiên, ngồ ngộ của cấu bé, đặc biệt câu mê nhân vật thánh thần như chơi đền cây thị,... ấn tượng sâu đậm nhất của cậu là hương trầm, hương huệ.
Tôi đâu biết bà tôi cơ cực thế
bà mò cua, xúc tép ở đồng Quan
bà đi gánh chè xanh Ba Trại
Quán Cháo, Đồng Giao thập thững những đêm hàn.
Những địa danh được nhắc tới trong bài thơ: Đò Lèn, đồng Quan, chè xanh Ba Trại, Quán Cháo, Đồng Giao. Tưởng chỉ là phép liệt kê đơn giản những miền đất quê hương Thanh Hoá nhưng nhà thơ đã thổi hồn cho nó, khiến hình ảnh thân thương của quê hương hiện lên mang theo biết bao tình quê và hoài niệm, “đi vào cái nhỏ nhoi đời thường mà mang lại cái cao quý”. Kí ức chính là một điều kiện để thấu hiểu và gắn bó, các địa danh được nhắc tới với mật độ dày đặc, nơi nào cũng in dấu những kí ức của tuổi thơ.

Kí ức cũng mang hình bóng người bà đó chính là sợi dây nối quá khứ với hiện, nối những con người hôm nay với những người đã khuất, nối cả cá nhân với cội rễ. Có thể nói đó là sự gợi nhắc nhỏ nhẹ và thấm thía. Trong cảm hứng về cội nguồn, trong nỗi niềm thương nhớ thì có thể nói đây chính là nét đẹp trong cảm xúc thơ Nguyễn Duy:
Tôi trong suốt giữa hai bờ hư – thực
giữa bà tôi và tiên phật thánh thần
cái năm đói, củ dong riềng luộc sượng
cứ nghe thơm mùi huệ trắng, hương trầm.

Bom Mỹ giội, nhà bà tôi bay mất
đền Sòng bay, bay tuốt cả chùa chiền
Thánh với Phật rủ nhau đi đâu hết
bà tôi đi bán trứng ở ga Lèn!

Tôi đi lính, lâu không về quê ngoại
dòng sông xưa vẫn bên lở, bên bồi
khi tôi biết thương bà thì đã muộn
bà chỉ còn là một nấm cỏ thôi!
Dù nói về đề tài gì trong cách nhìn mới mẻ của nhà thơ về chính mình là sự hồn nhiên, chân thật, không thi vị hoá hay tô hồng cuộc sống, chính hình đó đã làm cho hình ảnh thơ rất đỗi gần gũi và tạo nhiều xúc động trong lòng bạn đọc.

Trong vô vàn những kí ức tuổi thơ thì hình ảnh đọng lại với rất nhiều những nối niềm, đó là cuộc đời lam lũ, tần tảo, âm thầm với muôn nghìn vất vả để nuôi dạy đứa cháu hiếu động, nghịch ngợm, ta cũng không thấy gì lạ về những người mẹ, người bà Việt Nam như thế nhưng đi vào thơ Nguyễn Duy lại xúc động lòng người và có sức ám ảnh đến vậy, bởi tính chân thực của đời sống và cái nhìn trìu mến, pha chút xót xa, hối hận của người cháu khi đã trưởng thành. Cuộc đời thực của bà được nhà thơ gửi lại trong bài thơ.

Đó là hình ảnh tảo tần, lam lũ, nhưng cũng chính là biểu tượng của lòng thương yêu con cháu, và hơn nữa là bản lĩnh của lối sống kiên cường, mà thầm lặng giữa hoàn cảnh khốn khó. Hình ảnh người bà vữa giản dị mà lớn lao, thân thiết mà gợi nhiều thương cảm, xót xa.

Từ láy “thập thừng” là một từ láy rất dân dã, có giá trị tạo hình cao, từng bước chân mưu sinh tảo tần của người bà được thể hiện đầy đủ qua từ láy đó. Nó không chắc chắn, người đi không tự làm chủ được đường đi hoặc do đường gập ghềnh, hoặc do tăm tối, không nhìn rõ, hoặc do bà đã kiệt sức.

Tuổi ấu thơ, tác giả cũng như mọi đứa trẻ đều vô tư, nghịch ngợm:
Tôi đâu biết bà tôi cơ cực thế
Hồn nhiên sống bên bà, vô tư say những trò trẻ con mà chẳng hiểu gì những nhọc nhằn của bà, bây giờ nghĩ lại mới thấy đắng lòng. Đó là tình thương chân thành và nỗi ân hận sâu sắc.
Tôi trong suốt giữa hai bờ hư – thực
giữa bà tôi và tiên phật thánh thần
Đây chính là sự nhận lại bản thân của người cháu. Hai bò chính “ranh giới” của hai bên. Một bên là bên hư: thế giới của tiên phật, thần thánh, của thế giới huyền thoại và cổ tích. Bên thực là nói lên cuộc sống vất vả của người bà. Đây chính là nỗi ngậm ngùi, ân hận vừa là sự chiêm nghiệm nhận ra cái giá phải trả cho những người ảo tưởng.

Các từ “bay tuốt”, “rủ nhau” thể hiện sắc thái hài hước, có pha chút dí dỏm nhưng có sự mỉa mai, những hình ảnh đời thường được gắn cho các thế lực siêu nhân, là bài học nhẹ nhàng nhưng thấm thía.

Hình ảnh “dòng sông”, “nấm mồ” thể hiện dư vị triết lý sống sâu sắc mà ngậm ngùi. Cuộc sống như dòng sông xưa, mãi trôi chảy “vẫn bên lở, bên bồi” với biết bao phồn tạp. Đi cùng dòng sông chính là cuộc đời nhận thức của mỗi người sẽ trưởng thành hơn, sẽ tự chiêm nghiệm được cái còn mất của cuộc đời.
Nhà phê bình Trịnh Thanh Sơn đã có những nhận xét về bài thơ như sau:

“Tôi đã đọc bài thơ thật hay này, trong nhiều năm và đọc đến thuộc lòng. Mỗi dịp về quê, đi qua Đò Lèn, tôi lại chợt gặp Nguyễn Duy và gặp cả bà ngoại Nguyễn Duy nữa. Tôi cứ nhìn đăm đăm những bà già bán trứng trước cửa ga, dò đoán xem đâu là bà ngoại của nhà thơ? Đương nhiên tôi hiểu bà ngoại Nguyễn Duy đâu còn nữa, vậy nên bây giờ anh có rất nhiều “bà ngoại”.

Bài thơ vào đề hồn nhiên, nhà thơ kể về những trò nghịch ngợm của tuổi thiếu thời ở những miền đất nơi quê ngoại. Nào là ra cống Na câu cá, nào níu váy bà đi chợ Bình Lâm, nào bắt chim sẻ ở vành tai tượng phật và đôi khi ăn trộm nhãn chùa Trần...

Nguyễn Duy kể tên những cống, những chợ, những chùa... một cách hết sức tự nhiên mà xiết bao hoài niệm, ngỡ như không có sự gắn bó máu thịt thì không kể được. Rồi anh kể tiếp trong mạch hồi ức miên man của mình:
Thuở nhỏ tôi lên chơi đền Cây Thị
chân đất đi đêm xem lễ đền Sòng
mùi huệ trắng quyện khói trầm thơm lắm
điệu hát văn lảo đảo bóng cô đồng.
Đến khổ thơ thứ ba, tâm thế của nhà thơ chuyển đột ngột như một thắt nút đầy kịch tính. Những trò chơi hồn nhiên đến vô tâm của thời thơ ấu đã va đập với thực tế thật khắc nghiệt. Nhà thơ như sực tỉnh và bỗng lớn vượt lên như một sự giã từ tuổi thơ để bước sang tuổi thành niên. Những lời thơ, vì thế đầy suy ngẫm:
Tôi đâu biết bà tôi cơ cực thế
bà mò cua xúc tép ở đồng Quan
bà đi gánh chè xanh Ba Trại
Quán cháo Đồng Giao thập thững những đên hàn!
Rồi qua tâm thế ấy, khúc trữ tình độc thoại trong sâu thẳm tiềm thức bỗng cất lên, cao vút rồi trầm lắng, bình tĩnh mà xót xa:
Tôi trong suốt giữa hai bờ hư thực
giữa bà tôi và tiên phật thánh thần
cái năm đói củ dong riềng luộc sượng
cứ nghe thơm mùi huệ trắng, hương trầm.
Sau tất cả hồn nhiên, vô tư và thức ngộ ấy, hiện thực khắc nghiệt của cuộc sống, của chiến tranh đã ập tới, làm đảo lộn tất cả, một đảo lộn đau đớn và xót xa. Nhà thơ kể bằng một giọng rất tĩnh, mang đầy chất văn xuôi, rằng:
Bom Mỹ giội nhà bà tôi bay mất
đền Sòng bay, bay tuốt cả chùa chiền
Thánh với Phật rủ nhau đi đâu hết
bà tôi đi bán trứng ở ga Lèn!
Hình ảnh cuối cùng in vào tâm khảm nhà thơ và hình ảnh người bà ngoại đang bán trứng ở ga Lèn. Anh mang hình ảnh đó vào mỗi trận đánh và suốt cuộc đời mình. Nỗi xa xót cuối cùng của người cháu thi sĩ ấy là ngày trở lại, chỉ còn có một nấm cỏ trên một bà:
Tôi đi lính lâu không về quê ngoại
dòng sông xưa vẫn bên lở bên bồi
khi tôi biết thương bà thì đã muộn
bà chỉ còn là một nấm cỏ thôi!
Câu thơ giản dị nhất, đau xót nhất: “Khi tôi biết thương bà thì đã muộn là tất cả linh hồn của bài thơ. Và tôi coi Đò Lèn là bài thơ hay nhất, mang đậm phong cách thơ Nguyễn Duy!”

Bài thơ thể hiện một triết lý sống sâu sắc: hãy dành tình yêu thương, cảm thông và thấu hiểu với người thân với mọi người quanh ta và đừng để khi thực sự biết yêu thương người khác thì cơ hội đền đáp đã không còn.