Phân tích bài thơ “Đây mùa thu tới”

Việt Nam » Xuân Diệu » Đây mùa thu tới

44.00
Không phải những cơn mưa phùn rả rích của mùa xuân, không có cái nắng chói chang, oi ả gọi hè về, không khô héo như mùa đông, cái đìu hiu, vắng vẻ, buồn man mác của tiết thu đã đi vào biết bao trang giấy của các thi sĩ. Nếu trong thơ của Đinh Hùng , mùa thu là của chia ly:
Hôm nay có phải là thu?
Mây năm xưa đã phiêu du trở về
Cảm vì em bước chân đi
Nước nghiêng mắt ngọc lưu ly phớt buồn;
là tiếng thở dài của Huy Cận:
Sầu thu lên vút song song
Với cây hiu quạnh, với lòng quạnh hiu
Non xanh ngây cả buổi chiều
Nhân gian e cũng tiêu điều dưới kia
thì mùa thu trong thơ Xuân Diệu thật âm u, thật ảm đạm. Đây mùa thu tới là một bài thơ thu tuyệt bút, rút trong tập Thơ thơ, xuất bản năm 1938 và là một trong số những tác phẩm tiêu biểu viết về mùa thu của nhà thơ Xuân Diệu. Nếu như các tác phẩm cũ của ông đề cập đến tình thu, hương sắc mùa thu thì Đây mùa thu tới lại đem đến cái muồn man mác xuyên suốt bài thơ rất riêng với những chất liệu rất quen thuộc như cành liễu, con đò, lá vàng.

Cảm quan về thời gian vào thời khắc chuyển giao từ những cơn mưa rào, cái nắng hè chói chang, rực rỡ, sôi nổi sang tiết thu của Xuân Diệu đã được nhắc đến ngay trong cấu tứ của nhan đề bài thơ. Nếu trong Thu điếu, Thu ẩm, Thu vịnh, thu đã thật là thu thì ở đây là thời khắc giao thoa, là nhịp bước của thời gian, hạ đã lui, thu vừa mới tới, nhẹ nhàng, trầm lắng nhưng xáo động lòng người. Với một nhà thơ mới trong những nhà thơ mới, sự chuyển mình nhè nhẹ của tiết trời được ông cảm nhận một cách tinh tế. Bài thơ cấu tứ theo nhịp bước đi của mùa thu, từ dáng liễu bên hồ, đến hoa tàn, lá rụng trong vườn, vầng trăng non xa, bến đò vắng, khí thu thâm thập vào đất trời, đọng lại trong lòng người.

Mở đầu bài thơ, nhà thơ tinh tế cảm nhận hơi thở của mùa thu qua “Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang”. Nếu Tản Đà tinh tế nhận ra mùa thu qua trận gió thu phong rụng lá vàng hay nhà thơ Thâm Tâm với hình ảnh “sen nát lòng dâu bể” hoặc Nguyễn Khuyến nhắc đến thu qua một cái cần trúc, Xuân Diệu lại khác, ông nhận ra thu qua dáng liễu rủ không phải tươi xanh của tuổi trẻ mà buồn nhưng đẹp. Bởi lẽ liễu buồn như suối tóc buôn, như hàng lệ rơi, hiện lên hình ảnh của một giai nhân âu sầu nhưng kiêu kỳ, đài các. Bức tranh hết sức gợi cảm ấy được vẽ lên không chỉ bởi hình ảnh mà có cả nhạc điệu. Nhà thơ khéo léo dùng các vần điệu đan xen (vần “liễu – đìu – hiu – chịu” với “buồn – buông – xuống”, “tan – ngàn – hàng”). Những vần như vậy liền nối tiếp nhau hiện lên hình ảnh hàng liễu như suối tóc ngàn, những dòng lệ theo nhau đứt nối. Hơn nữa, nhà thơ tinh tế lấy hình ảnh thiên nhiên so sánh với con người, lấy rặng liễu hiện lên trong hình ảnh cô gái, đây chính là nét mới trong thơ Xuân Diệu.

Hai câu thơ tiếp theo, tác giả mở rộng tầm nhìn của mình:
Đây mùa thu tới – mùa thu tới
Với áo mơ phai dệt lá vàng.
Không phải là tiếng reo khi tiết thu đến mà là tiềng thì thầm, bâng khuâng, xao xuyến nhận ra. Tác giả sử dụng câu thơ vắt dòng từ dòng 3 sang dòng 4, điểm nhìn được mở rộng với hình ảnh mùa thu choàng lên cỏ cây. Hình ảnh lá vàng được Lưu Trọng Lư sử dụng:
Con nai vàng ngơ ngác
Đạp trên lá vàng khô,
còn Bích Khê lại thốt lên:
Ô hay buồn vương cây ngô đồng
Vàng rơi, vàng rơi, thu mênh mông.
Thế mà đến thơ Xuân Diệu, thu vẫn đến hết sức thơ mộng trong chiếc áo vàng quyến rũ. Nhà thơ dạo lên giai điệu bâng khuâng, xuyến xao cả trong vần thơ lẫn nhạc điệu của mùa thu buồn trong dáng dấp của giai nhân nhưng đẹp, trẻ trung, rất Xuân Diệu.

Ở khổ thơ thứ nhất mùa thu đến bắt đầu từ rặng liễu, sau đó lan ra, choàng lên cây cỏ, đến khổ thơ thứ hai, mùa thu đến ở trong vườn với nét đặc trưng của mùa thu: Rụng rơi, tàn phai, hao gầy.
Hơn một loài hoa đã rụng cành
Trong vườn sắc đỏ rũa màu xanh.
Những luồng run rẩy, rung rinh lá,
Đôi nhánh khô gầy xương mỏng manh.
Chỉ có thể nói như vậy mới thấm thía cảm giác xót xa, bâng khuâng khi không phải chỉ thấy hoa rụng mà mỗi ngày thêm những những rụng rơi. Đến câu thơ thứ hai, câu thơ không chỉ nêu lên hiện thực khách quan mà ống kính thơ quay cận cảnh sắc đỏ rũa vào, từng chút một, gặm mòn, huỷ hoại màu xanh của sự sống, tuổi trẻ. Trong câu thơ có biết bao nhiêu là nuối tiếc, là xót xa. Sau đó, từ hoa lá, luyến tiếc chuyển sang cành lá, hình ảnh lá run lên, rung rinh. Không phải chỉ là vận động của cảnh vật mà còn là chuyển bước trong lòng người. Dường như gợi lên dự cảm tuổi tác của con người “khô gầy”, “xương mong manh”. Từ những rụng rơi chậm chạm ấy đủ khiến nhà thơ xao xuyến, rung động, cảm thấy cái bình minh của tuổi già. Phải tinh tế, nhạy cảm, yêu tuổi trẻ biết bao mới cảm nhận được nhưng chuyển động nhỏ như vậy. Các từ láy: “run rẩy”, “rung rinh”, “mỏng manh” là những nét vẽ thần diệu gợi tả cái run rẩy, cái rùng mình của cây lá buổi chiều thu. Nghệ thuật sử dụng các phụ âm “r” (rụng, rũa, run rẩy, rung rinh) và phụ âm “m” (một, màu, mỏng manh) với dụng ý thẩm mĩ trong gợi tả và biểu cảm đặc sắc và cấu trúc ngữ pháp lạ lùng. Đó cũng là một nét mới trong thi pháp của Xuân Diệu.

Trăng và núi ở khổ thứ ba gợi lên bức tranh thuỷ mặc. Vầng trăng của mùa thu khi thì sáng trong, khi thì huyền ảo, hiện lên trong hình ảnh người thiếu nữ. Đôi khi bâng khuâng xao xuyến, không phải do nguyên nhân khách quan, mà do đắm mình trong chiều sâu của tâm hồn:
Thỉnh thoảng nàng trăng tự ngẩn ngơ...
Non xa khởi sự nhạt sương mờ...
Núi và trăng vốn gắn bó, liền kề, mà nay đến thu, núi nhạt nhoà trong sương ảo, không còn chạm khắc những đường rõ nét trên nền trời. Những xa cách như vậy càng làm cho người ta cảm nhận những cái rét rõ rệt hơn. Tứ thơ chuyển trong khai thừa chuyển hợp. Hai câu thơ tiếp theo bắt đầu bằng từ “đã”, nhấn mạnh về cảm quan thời gian, sự thay đổi với nét bâng khuâng. Thu đã được cảm nhận qua thính giác với cơn se lạnh chạm vào làn da. Hình như nhà thơ còn nhìn thấy cả những rét buốt, xa vắng, se lạnh. Như vậy, trong khổ ba nhà thơ thể hiện nét rất riêng của mùa thu với những dấu chấm lửng như những dư ba trong tâm hồn.

Khổ cuối cùng mở ra nhiều hình tưởng gợi với những dư cảm. Khí thu thấm vào trong đất trời, khi nhìn lên, mây dường như cũng vơ vẩn, phiêu bồng, chim đi tìm chỗ ấm. Hận chia ly thấm vào trong vũ trụ để rồi ngưng lại, tụ đọng trong lòng người. Hình ảnh thiếu nữ tựa cửa sao mà đẹp, gợi cảm nhưng biết bao buồn. Nhìn xa xăm, nhìn hiện tại đang đi qua, nhìn tương lai sắp tới, dự cảm những điều gì? Thiếu nữ nghĩ ngợi gì khi xung quanh là mùa thu đang đến với nhịp chân, nhịp bước đầy xao xuyến, với những dự cảm tàn phai, hao gầy. Rất có thể là những thiết tha giữ những tháng ngày tươi đẹp. Ít nhiều thiếu nữ buồn không nói, mà trong bài thơ Chiều , Xuân Diệu viết:
Hôm nay, trời nhẹ lên cao,
Tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn...
Nét buồn trong họ là nỗi buồn của những thanh niên thị dân, buồn vô cớ từ trong tâm hồn với khát khao mới, cũng là nỗi đau trong thời đại mất nước mà chưa tìm được con đường ra. Cái kết lắng đọng với rất nhiều dư ba.

Xuyên suốt bài thơ là những nét đặc trưng gợi cảm nhất của mùa thu qua cái nhìn tinh tế của một tâm hồn thiết tha yêu đời, khao khát tuổi trẻ và tình yêu. Mùa thu dẫu có phôi phai vẫn đẹp quyến rũ. Thi nhân dẫu có buồn cũng là nổi buồn trong sang, trẻ trung. Với cách thể hiện vừa truyền thống, vừa hiện đại cho nên thi liệu cũ quen thuộc vẫn được thổi vào bằng nét rất riêng của Xuân Diệu, vẫn rất đẹp, rất mới.