Phân tích bài thơ “Nhàn”

Việt Nam / Lớp 10 » Nguyễn Bỉnh Khiêm » Nhàn

63.83
Nguyễn Bỉnh Khiêm là một nhà tri thức nho học lỗi lạc của nước ta thế kí XVI, được tôn làm trạng trình. Ông là người có khi tiết, có nhân cách, có trí tuệ hơn người. Nhắc đến Nguyễn Bỉnh Khiêm người ta thường nghĩ đến triết lí sống nhàn như một kiểu phản ứng với thời thế nhiễu nhương. Tác phẩm Nhàn được rút trong tập Bạch Vân quốc ngữ thi, một tác phẩm nói lên được quan niệm sống của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Bài thơ vẽ ra một nhà trí sĩ, ẩn sĩ với lối sống nhàn.

Nhàn là một chủ đề lớn trong thơ chữ Hán và rất đậm nét trong thơ chữ Nôm của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Nhàn là nhàn nhã, thảnh thơi không vướng bận hay còn có thể hiểu là thuận theo tự nhiên, là đối lập với lợi danh, người ẩn sĩ sẵn sàng để rẻ công danh chỉ nhầm đổi lấy nhàn. “Nhàn” chính là một triết lí sống của tri thức thời trước. Với tác giả, lối sống đó cũng là một cách để lánh đục tìm trong. Khi về nhà, thi nhân có điều kiện rộng mở tâm hồn mình, hoà vào cuộc sống thiên nhiên nơi thôn quê, vượt lên mọi thế tục tầm thường.

Hai câu thơ đầu mở ra hoàn cảnh sống thanh nhàn của người tri sĩ ẩn dật.
Một mai, một cuốc, một cần câu
Thơ thẩn dầu ai vui thú nào
Cách dùng số đếm “Một... một... một...”, cùng cách ngắt nhịp chậm 2/2/3 diễn tả trạng thái ung dung, thanh nhàn của kẻ sĩ khi trở về thôn quê. Đi kèm với số từ là danh từ: mai, cuốc, cần câu là dụng cụ lao động của nhà nông, câu thơ đưa người đọc trở về với cuộc sống chất phác, nguyên sơ, dùng mai để đào đất, cuốc để xới đất trồng rau. Tuy nhiên, câu thơ không diễn tả sự vất vả, khổ cực mà là một thái độ ung dung,là niềm vui, niềm hạnh phúc trong cuộc sống lao động hàng ngày. Từ “thơ thẩn” chính là sự thảnh thơi, tự do, được tận hưởng cuộc sống, được làm điều mình thích, hoà mình vào với cuộc sống thôn quê mặc cho những ai chạy theo danh lợi, còn ta vẫn kiên định lối sống ung dung, thư thái với thú chơi lành mạnh, tao nhã.

Ở hai câu thực, người đọc sẽ hiểu rõ hơn được quan niệm sống của tác giả:
Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ
Người khôn người tới chốn lao xao
Tác giả đã khẳng định sự đối lập giữa quan niệm sống của “ta“và “người”. Ta thì ta muốn sống tại nơi “vắng vẻ” là một miền thôn dã, yên tĩnh, là một chốn thiên nhiên thuần khiết thanh thản. Người thì tới những “chốn lao xao”, nơi ồn ã, xô bồ, nơi mà có sự bon chen cướp đoạt danh lợi, có khi là hàng hùm để chém giết hại lẫn nhau. “Ta” bỏ đi những cái danh hão, chỉ mong được trở về với thôn quê sống cuộc sống giản dị,dù có là người “dại” còn người “khôn” người bon chen, thi nhau vào vòng danh lợi Nhưng ai dại? Ai mới là khôn? Như vậy, Nguyễn Bình Khiêm mới là người tỉnh táo, dứt khoát bỏ nơi quyền quý hỗn tạp để làm bạn với thiên nhiên, đây cũng là phản ứng của tác giả đối với thực tạ, xã hội rối ren và cũng là để thể hiện một trí tuệ uyên thâm, thấu hiểu quy luật cuộc đời:
Thu ăn măng trúc đông ăn giá
Xuân tắm hồ sen hạ tắm ao
Câu thơ luận như một lời tâm sự mộc mạc, tự nhiên về cách sinh hoạt của tác giả. Sự đạm bạc là những món ăn dân dã lấy từ thiên nhiên như “măng trúc”, “giá đỗ”, mùa nào thức ấy. Việc ăn đã vậy, việc tắm cũng rất tự nhiên: tắm hồ, tắm ao. Tuy nhiên, đạm bạc giản dị không phải là khắc khổ, hơn nữa, khi nhắc tới “trúc, sen” người đọc có thể liên tưởng tới phẩm trong sạch của quân tử: ngay thẳng như truc, trong sạch như sen. Hai câu thơ như là bức tranh hiện lên cảnh sinh hoạt bốn mùa xuân, hạ, thu, đông đủ mùi vị, màu sắc. Có thể nói, hai câu luận đã thể hiện rõ cái thú của con người khi được sống hoà mình với thiên nhiên, nhịp sống của con người đã thích nghi được với nhịp sống của thiên nhiên
Nhàn không chỉ thể hiện ở lối sống mà còn thể hiện ở triết lí sống:
Rượu đến cội cây ta sẽ uống
Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao
Từ “rượu” được đưa lên dầu cầu khi đọc phải nhấn mạnh, ngắt thành một nhịp để thấy được tư thế ung dung, nhâm nhi thưởng thức hương vị của cuộc sống. Trong hai câu kết, còn được viết theo lối dụng điển quen thuộc. Trong lời thơ của tác giả có nhắc tới rượu nhưg không phải là đẻ say, cũng không cần vào mộng mà vẫn biết phú quý chỉ là tựa chiêm bao. Giọng thơ nhẹ nhàng, thể hiện tác giả là một con người coi thường công danh, coi thường các thế tục tầm thường. Hai câu kết như khẳng định về trí tuệ uyên thâm, vô cùng tỉnh táo nhìn cuộc sống, ông chọn cách sống để giữ gìn phẩm chất hơn là huỷ hoại nó.
Bài thơ Nhàn được viết bằng các ngôn từ giản dị, cô đọng nhưng giàu ý vị. Cách ngắt nhịp thơ linh hoạt, giọng điệu vừa hóm hỉnh, vừa thăng trầm sâu sắc, kết hợp với các hình ảnh trong bài thể hiện tư tưởng nhàn dật, thanh cao. Là con người nhập thế, phải lựa chọn lối sống ẩn dật. Về nhàn là để cho nhân cách không bị vấy bẩn, để vượt qua khỏi vòng danh lợi, Như vậy, dù có chọn lối sống nhàn thì đối với nhà văn vừa không nhẫn tâm lại vẫn có thể lo cho việc đời, việc nước.

Bài Nhàn là tiêu biểu cho đặc điểm thơ của Nguyễn Bình Khiêm. Ngôn từ giản dị nhưng giàu hàm xúc, giàu ý nghĩa, đậm đà tính triết lí về dại khôn, về danh lợi. Qua bài thơ, người đọc cảm nhận được một trí tuệ lớn, một nhân cách lớn và quan niếm sống của thi nhân còn có tác dụng hướng ta tới niềm thanh tịnh của tâm hồng, bồi đắp cho con người thêm tri thức.