Nghị luận về một ý kiến bàn về văn học

Lớp 12

15.00

Văn mẫu

Nội dung

KẾT QUẢ CẦN ĐẠT

- Củng cố và nâng cao kiến thức về nghị luận văn học.
- Biết cách làm bài nghị luận về một ý kiến bàn về văn học.

1. Tìm hiểu đề và lập dàn ý

Đề bài

Đề 1. Nhà nghiên cứu Đặng Thai Mai cho rằng: "Nhìn chung văn học Việt Nam phong phú, đa dạng; nhưng nếu cần xác định một chủ lưu, một dòng chính, quán thông kim cổ, thì đó là văn học yêu nước (Dẫn theo Trần Văn Giàu tuyển tập, NXB Giáo dục, 2001)
Hãy trình bày suy nghĩ của anh (chị) đối với ý kiến trên.

Đề 2. Bàn về đọc sách, nhất là đọc các tác phẩm văn học lớn, người xưa nói: "Tuổi trẻ đọc sách như nhìn trăng qua cái kẽ, lớn tuổi đọc sách như ngắm trăng ngoài sân, tuổi già đọc sách như thưởng trăng trên đài." (Dẫn theo Lâm Ngữ Đường, Sống đẹp, Nguyễn Hiến Lê dịch, NXB Tao đàn, Sài Gòn, 1965) Anh (chị) hiểu ý kiến trên như thế nào?

Gợi ý thảo luận

Đề 1

a) tìm hiểu đề
- Để hiểu đúng đề, anh (chị) hãy làm rõ nghĩa các từ, cụm từ: phong phú, đa dạng, chủ lưu, quán thông kim cổ.
- Bài viết cần làm rõ nhận đinh: Văn học yêu nước là chủ lưu trong sự đa dạng, phong phú của văn học Việt Nam.

b) Lập dàn ý

Mở bài: Giới thiệu ý kiến của Đặng Thai Mai.

Thân bài:
- Văn học Việt Nam rất phong phú và đa dạng.
- Văn học yêu nước là chủ lưu xuyên suất lịch sử văn học Việt Nam.
- Lí giải nguyên nhân khiến văn học yêu nước trở thành chủ lưu xuyên suốt lịch sử văn học Việt Nam.

Kết bài: Nhận định của anh (chi) về ý kiến của Đặng Thai Mai và giá trị hiện nay của ý kiến đó.

Đề 2

a) tìm hiểu đề
- Làm rõ hàm ý của ba hình ảnh so sánh trong ý kiến Lâm Ngữ Đường đã nêu.
- Tìm hiểu những khía cạnh đúng đắn trong ý kiến đó và những điều cần bổ sung, mở rộng để có một quan niệm toàn diện và sâu sắc về việc đọc sách.

b) Lập dàn ý

Mở bài:
- Đọc sách, tiếp nhận các giá trị của sách, đặc biệt là các tác phẩm văn học, luôn gắn liền với điều kiện và năng lực chủ quan của người đọc.
- Dẫn ý kiến Lâm Ngữ Đường đã nêu.

Thân bài:
Giải thích hàm ý của ba hình ảnh so sánh và ý hến Lâm Ngữ Đường đã nêu: Sự khác nhau trong cách đọc và kết quả đọc ở mỗi lứa tuổi.
Bình luận và chứng minh những khía cạnh đúng đắn trong ý kiến Lâm Ngữ Đường đã nêu: Đọc sách tuỳ thuộc vào tầm lĩnh hội của mỗi người đọc (vốn sống, vốn văn hoá, kinh nghiệm,...).
- Muốn có kết quả tốt trong việc đọc sách, cần trang bị cho mình sự hiểu biết về nhiều mặt. Bên cạnh đó. đọc sách cần suy ngẫm, không vội vàng, cẩu thả

Kết bài: Nêu bài học chung về đọc sách, đặc biệt là với các tác phẩm văn học.

2. Từ các đề bài và kết quả thảo luận, anh (cho hãy. cho biết đối tượng và nội dung của bài nghi luận về một ý kiến bàn về văn học.

GHI NHỚ
Đối tượng nghị luận về một ý kiến bàn về văn học rất đa dạng: về văn học sử, về lí luận văn học, về tác phẩm văn học,...
Việc nghị luận về một ý kiến bàn về văn học thường tập trung vào giải thích, nêu ý nghĩa và tác dụng của ý kiến đó đối với văn học và đời sống.

LUYỆN TẬP

1. Trình bày suy nghĩ của anh (chị) đối với ý kiến của nhà văn Thạch Lam: "Văn chương là một thứ khí giới thanh cao và đắc lực mà chúng ta có, để vừa tố cáo và thay đổi một thế giới giả dối và tàn ác, vừa làm cho lòng người thêm trong sạch và phong phú hơn".

2. Bàn về thơ Tố Hữu, nhà phê bình Hoài Thanh viết: "Thái độ toàn tâm toàn ý vì cách mạng là nguyên nhân chính đưa đến sự thành công cửa thơ anh." (Tuyển tập Hoài Thanh, NXB Văn học, Hà Nội, 1982)
Hãy bày tỏ ý kiến của anh (chị) về nhận xét trên.