Ngô Thì Nhậm 吳時任

Việt Nam / Lớp 11

Tác phẩm

Tác giả

Ngô Thì Nhậm 吳時任 (1745-1803) là một “Sĩ phu Bắc Hà” kiệt xuất (người làng Tả Thanh Oai, Hà Đông), đỗ tiến sĩ năm 1776. Ông từng làm quan dưới thời Lê mạt, nhưng ngôi sao Ngô Thì Nhậm chỉ thực sự bừng sáng rực rỡ khi ông được gặp gỡ người anh hùng Nguyễn Huệ, tựa như Lã Vọng gặp Chu Văn Vương thuở trước.

Với khối óc mẫn tuệ phi thường, Ngô Thì Nhậm mau lẹ nhận chân được chân lí của thời đại mình: Nguyễn Huệ chính là người anh hùng, là bậc minh quân của dân tộc. Đó là mẫu người “anh hùng áo vải”, từ nhân dân mà ra, nhưng đã kết tinh được toàn bộ tinh hoa của dân tộc và trở thành biểu tượng cao nhất của dân tộc thời đại bấy giờ.

Triều đại Tây Sơn tiến bộ hơn, tất yếu sẽ thay thế cho triều đại Lê - Trịnh đã đến kì mạt vận. Tiêu chuẩn cao nhất đối với một sĩ phu chân chính là phải xác định rõ con đường mình phải đi (từ bỏ cái gì, theo cái gì?) và làm gì để cống hiến nhiều nhất cho dân tộc mình?

Tư duy của Ngô Thì Nhậm rất chuẩn xác, do đó hành động của ông trong cả cuộc đời cũng hoàn toàn chuẩn xác. Ông là mẫu mực cao nhất của một trí thức chân chính thời đại Tây Sơn.

Những đóng góp của ông cho người anh hùng Nguyễn Huệ (cũng là cho đất nước) rất đáng kể, cả về chính trị, ngoại giao lẫn quân sự. Ông đã bổ khuyết những chỗ thiếu hụt của Quang Trung (do nhà vua xuất thân từ tầng lớp bình dân, không thể có được vốn học vấn uyên bác như ông). Có thể nói, sức mạnh anh hùng vô song của Nguyễn Huệ cộng với trí tuệ viên mãn của Ngô Thì Nhậm là những nhân tố cực kì quan trọng khiến triều đại Tây Sơn đạt tới đỉnh cao hiển hách, đã làm cho triều đình nhà Thanh vô cùng vị nể.

Tài năng của Ngô Thì Nhậm còn được thể hiện rõ nét ở một bình diện khác: Ông là một thi nhân đích thực, chủ nhân của một gia tài văn chương đồ sộ: 600 bài thơ và 15 tác phẩm lớn.

Phan Huy Ích đã nhận định về ông: “Tài uyên bác thông đạt, trở thành ngọn cờ chót vót giữa rừng nho chúng ta”.

Thơ Ngô Thì Nhậm bao hàm nhiều mảng đề tài: Những bài thơ tức cảnh cho thấy ông có khả năng chộp bắt cái THẦN của mỗi đối tượng ông mô tả. Ví dụ chỉ với hai câu thơ:
Khinh tuyết, ngạo sương, riêng bẩm tính
Khuôn thiêng khéo đã đúc nên dày.
đã khắc hoạ một ấn tượng mạnh về cốt cách của “cây tùng đơn lẻ” - ngụ ý ca tụng cốt cách của một đấng trượng phu chân chính.

Trong những bài thơ “ngôn chí”, thơ “tư tưởng”, ông trình bày những tư tưởng của một trí thức ở tầm cao của lịch sử, nêu bật những gì ông chấp nhận và những gì ông phủ nhận không khoan nhượng. Chẳng hạn, xét thời vua Lê - chúa Trịnh - chúa Nguyễn, ông viết:
Vua - tôi đứng sững ba chân vạc,
Ông, tế (ông nhạc, chàng rể) hằn nhau, nửa cuộc cờ!
...Cương thường muôn thuở còn bia miệng,
Hổ chọi, rồng tranh khéo vẽ trò!
Trong những bài thơ vịnh nhân vật lịch sử, ông bộc lộ những tình cảm khâm phục, thương xót... của mình với người xưa: Gia Cát Lượng, Giả Nghị, Nhạc Phi, Chiêu Quân, Văn Thiên Tường, Tô Đông Pha... Có thể dễ dàng nhận thấy ông tâm đắc.

Mảng thơ vô cùng quí giá của Ngô Thì Nhậm là mảng thơ trữ tình, ở đó tình cảm đầy ắp của ông như tuôn trào dưới ngòi bút. Chẳng hạn, trên đường đi sứ Trung Hoa, gặp ngày sinh nhật của cha (Ngô Thì Sĩ), nhớ đến cha đã mất, ông viết:
Xa xa xe hạc cách mây,
Lấy ai rượu thọ chén đầy dâng cha?
Rau thơm dâu cả ở nhà
Vắng tin mai nở, sứ xa cõi ngoài...
Ngoài thơ, Ngô Thì Nhậm còn viết phú, và những bài “chiếu” làm thay vua Quang Trung (như Nguyễn Trãi xưa viết thay Lê Lợi) mà người ta thấy ông đã lồng không ít những lý tưởng của ông trong đó: Chiếu lên ngôi vua (1788), Chiếu cầu hiền v.v...

Có lẽ điều đáng tiếc nhất trong văn nghiệp của Ngô Thì Nhậm là ông đã không chú tâm sáng tác “thơ Nôm”, nền thơ dân tộc mà những bậc tiền bối như Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông, Nguyễn Bỉnh Khiêm... đã dày công vun đắp.