Kofi Annan Cô-phi An-nan

Ghana / Lớp 12

Tác giả

Kofi Atta Annan là nhà ngoại giao Ghana và là Tổng Thư ký thứ 7 của Liên Hiệp Quốc từ năm 1997 đến cuối năm 2006. Ông sinh ngày 8 tháng 4 năm 1938 tại Kusami, Ghana, con của Reginald và Victoria Annan. Kofi nghĩa là “cậu bé sinh vào ngày thứ Sáu”. Annan là con song sinh, một sự kiện được xem là đặc biệt trong văn hoá Ghana. Người em song sinh của ông được đặt tên Efua Atta, qua đời năm 1991. Trong tiếng Akan, Efua có nghĩa là “cô bé sinh vào ngày thứ Sáu” và Atta có nghĩa là “sinh đôi”.

Gia đình Annan thuộc thành phần ưu tú của đất nước; ông nội, ông ngoại và bác của Annan là tù trưởng bộ tộc. Cha của Annan mang hai dòng máu Asante và Fante; mẹ ông thuộc bộ tộc Fante. Cha của Annan trong một thời gian dài là giám đốc xuất khẩu cho công ty cacao Lever Brothers. Từ năm 1954 đến năm 1957, Annan theo học tại trường Mfansipim, một trường nội trú thuộc giáo hội Giám Lý, thành lập vào thập niên 1870 tại Cape Coast. Năm 1957, khi Annan tốt nghiệp, Ghana là thuộc địa đầu tiên của Anh thuộc châu Phi hạ Sahara giành được độc lập.

Năm 1958, Annan bắt đầu học chuyên ngành kinh tế tại trường đại học khoa học và kỹ thuật Kumasi. Annan giành được học bổng của Tổ chức Ford để hoàn thành chương trình cử nhân vào năm 1961 tại Đại học Macalester tại St. Paul, Minnesota, Hoa Kỳ. Trong thời gian 1961–1962, Annan theo học tại Học viện Cao học Quan hệ quốc tế tại Geneva, Thuỵ Sĩ, về sau ông đến học tại trường Quản lý Sloan thuộc Viện Công nghệ Massachusetts và được cấp bằng thạc sĩ. Annan thông thạo tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Fante, các phương ngữ thuộc ngôn ngữ Akan và các ngôn ngữ Phi châu khác. Annan bắt đầu làm việc cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), một tổ chức của Liên Hiệp Quốc, vào năm 1962. Từ 1974 đến 1976 ông về Ghana làm giám đốc du lịch.

Sau đó, ông trở lại Liên Hiệp Quốc đảm trách chức vụ Phụ tá Tổng Thư ký chuyên trách các lãnh vực quản lý nhân lực và phối hợp an ninh từ 1987 đến 1990; Hoạch định chương trình, ngân quỹ và tài chính từ 1990 đến 1992; và phụ trách các chiến dịch gìn giữ hoà bình từ tháng 3 năm 1993 đến tháng 2 năm 1994. Trong tác phẩm Shake Hands with the Devil: The Failure of Humanity in Rwanda (Bắt tay với quỷ dữ: Sự thất bại của nhân loại tại Rwanda), tướng Roméo Dallaire cho rằng Annan đã tỏ ra thụ động đối với cuộc diệt chủng năm 1994 tại Rwanda. Ông nói rằng Annan, lúc ấy là phụ tá tổng thư ký đặc trách các chiến dịch gìn giữ hoà bình, không chịu gởi quân Liên Hiệp Quốc đến can thiệp hầu giải quyết cuộc tranh chấp, cũng như không chịu cung cấp thêm viện trợ. Đến tháng 10 năm 1995, Annan được bổ nhiệm làm đặc phái viên cho Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc tại Nam Tư cũ, phục vụ trong thời gian 5 tháng, rồi trở về đảm trách chức vụ phụ tá tổng thư ký vào tháng 4 năm 1996.

Ngày 13 tháng 12 năm 1996, Annan đắc cử tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, bốn ngày sau ông được phê chuẩn bởi Đại hội đồng, và bắt đầu nhiệm kỳ của mình ngày 1 tháng 1 năm 1997. Annan thế chỗ tổng thư ký người Ai Cập Boutros Boutros-Ghali vừa mãn nhiệm và trở nên nhân vật da màu đầu tiên đến từ một quốc gia châu Phi đảm nhận vị trí lãnh đạo Liên Hiệp Quốc. Annan tái đắc cử và bắt đầu nhiệm kỳ thứ hai ngày 1 tháng 1 năm 2002. Sự kiện này được xem như là một ngoại lệ. Theo thông lệ, đại diện từ các châu lục tuần tự đảm nhận chức vụ này trong hai nhiệm kỳ. Vì người tiền nhiệm của Annan, Ghali, đến từ châu Phi, nên theo lệ thường, Annan chỉ nên phục vụ một nhiệm kỳ. Dù vậy, Annan đã có thể bảo đảm cho mình được tái bổ nhiệm cho nhiệm kỳ thứ hai.

Tháng 4 năm 2001, Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Kofi Annan đưa ra lời hiệu triệu năm điểm Tiến tới hành động nhắm vào đại dịch HIV/AIDS. Ông xem việc chống lại đại dịch này là một ưu tiên cá nhân, như là tổng thư ký Liên Hiệp Quốc và là một người thường. Ông đưa ra sáng kiến thành lập Quỹ Y tế và AIDS toàn cầu, nhằm khuyến khích gia tăng mức chi tiêu cho mặt trận đối đầu với cuộc khủng hoảng HIV/AIDS tại các quốc gia đang phát triển. Ngày 10 tháng 12 năm 2001, Annan và Liên Hiệp Quốc được trao giải Nobel Hoà bình, “vì những nỗ lực giúp kiến tạo một thế giới an bình hơn và được tổ chức tốt hơn”.