Cảm nhận của em về bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ” (6)

Việt Nam / Lớp 11 » Hàn Mặc Tử » Đây thôn Vĩ Dạ

Chưa có đánh giá nào
Dòng thơ mở đầu phảng phất chút tình riêng của thi sĩ:
Sao anh không về chơi thôn Vĩ
Hàn Mặc Tử có một niềm thương nỗi nhớ da diết đến xứ Huế, xuất phát từ quãng thời gian làm việc ở đây nhưng quan trọng hơn, Huế có người con gái nữ sinh trường Đồng Khánh. Chính vì thế chỉ cần có một chút gì lay động là xứ Huế, thôn Vĩ lại hiện về trong hoài niệm của nhà thơ. Đây vừa là câu hỏi vừa là mời mọc nhưng dường như ở đó có sự hờn trách. Chủ thể trữ tình có thể là người thôn Vĩ, cũng có thể là sự phân thân của tác giả. Hàn Mạc Tử tự phân mình ra thành hai để vừa hỏi vừa trả lời, hướng tới một thôn Vĩ trông hoài niệm có thể chẳng bao giờ tới được nữa. Lời hỏi không dùng từ “thăm” mà dùng từ “chơi” bởi “thăm” thì mang sắc thái xa lạ, xã giao – còn từ “chơi” gợi một quan hệ thân tình mật thiết hơn. Lời thơ cũng mang một nỗi đau bởi từ “không về” cho thấy những ước mong thề hẹn đã vĩnh viễn xa rời. Mượn hình thức một lời trách hỏi là cách để thi sĩ bày tỏ khao khát được về lại thôn Vĩ vườn xưa người cũ. Dẫu biết là không thể về những sao cứ da diết nhớ mong hoài vậy – câu thơ đầu tiên đã có một sự đối lập tương phản giữa ước ao với hiện thực phũ phàm. Nhưng trên hết, nó mở đường cho thi sĩ làm một cuộc hành trình về Vĩ Dạ trong tâm tưởng. Xứ Huế và thôn Vĩ hiện lên trong hoài niệm thật đẹp:
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền
Vẻ đẹp của vườn nhà thôn Vĩ là sự tổng hoà của nắng, hàng cau, khu vườn, lá trúc...Là sự cân đối cao – thấp, sự hài hoà về màu sắc và thẩm mĩ. Ấn tượng đầu tiên của thi sĩ trong cuộc trở về đó là Vĩ Dạ ngập tràn sắc nắng. Điệp từ “nắng” được lặp lại hai lần giúp người đọc hình dung ra ánh sáng thế giới rực rỡ – đúng là thế giới của hoài niệm, thế giới của tâm tưởng. Trong thơ Hàn Mạc Tử, hoài niệm có lúc ngập tràn nắng như thế: “Chị ấy năm nay còn gánh thóc, dọc bờ sông trắng nắng chang chang” (Mùa xuân chín). “Hình ảnh nắng hàng cau” vừa gợi hình ảnh thanh toát, vuốt thẳng rất đặc trưng cho thiên nhiên thôn Vĩ, vừa gợi sự liên tưởng về bước đi của thời gian mà mỗi cây cau là một thước đo, khi cau là loài cây đón những tia sáng đầu tiên trong ngày. Nhân vật trữ tình đã có cái nhìn bao quát từ xa để thu được cả một bức tranh rộng lớn, đã ngước mắt nhìn và nhìn thấy hàng cau trong nắng ban mai, chắc chắn sẽ phát hiện ra những hạt sương long lanh đọng lại trên tàu cau được ánh sáng mặt trời chiếu vào càng trở nên trong trẻo, thanh khiết. “Nắng mới lên” là thứ ánh nắng đầu tiên trong ngày. Buổi bình minh, từ sáng sớm Vĩ Dạ đã đầy nắng rồi. Nó không phải là “nắng ửng” nó miêu tả một sự vận động, sự khởi đầu cho một ngày mới đầy hi vọng.

Nét đặc trưng của Vĩ Dạ là quần thể nhà vườn – những ngôi nhà nhỏ xinh nằm giữa những miệt vườn xanh mát. Thi sĩ đã lại gần hơn với Vĩ Dạ, đã hướng cái nhìn xuống thấp để phát hiện ra vẻ tươi tốt của sắc lá. Cụm từ “mướt quá” miêu tả vẻ thanh tân, mượt mà non tơ trên từng chiếc lá. Câu thơ giống như một tiếng reo vui cùng sự ngỡ ngàng của Hàn Mạc Tử khi lần đầu tiên (và cũng có thể không bao giờ nữa) nhận ra vẻ láng bóng, sơn sắc của cây cối thôn Vĩ. Hình ảnh so sánh: “Xanh như ngọc” gợi ra một màu xanh mát rượi “một màu xanh vừa có sắc lại vừa có ánh”. Sắc vàng của ánh nắng cùng sự ngồn ngộn của sắc xanh tạo nên một thế giới trinh bạch không nhuốm bụi trần. Hàn Mạc Tử đã tạo nên một Vĩ Dạ của riêng mình bằng cảm hứng lãng mạn và những vần thơ trong trẻo tươi sáng vô ngần. Đây là điều hiếm gặp trong thế giới Thơ điên, “đau thương” của hồn, máu, trăng... Và vì thế, Đây thôn Vĩ Dạ trở nên quý giá. Câu thơ cuối là hình ảnh người thôn Vĩ được vẽ ra bằng bút pháp gợi:
Lá trúc che ngang mặt trữ điền
Khi hình dung về vẻ đẹp truyền thống của người Việt xưa, chúng ta thường thấy đó là vẻ e ấp, dịu dàng, tình tứ của những gương mặt giấu sau vành nón quai thao hay nón lá. Vậy nên trong vẻ đẹp của con người ở câu thơ thứ tư này có sự gần gũi với thẩm mỹ truyền thống của dân tộc. Khuôn mặt chữ điền là khuôn mặt của người thôn Vĩ, hay là khuôn mặt của tác giả đang đứng nép mình sau vành lá trúc, chỉ dám đứng từ xa quan sát chứ không dám lại gần? Dù hiểu theo cách nào chăng nữa nó cũng mang ý nghĩa biểu trưng: khuôn mặt đầy đặn, vuông vức phản ánh vẻ đẹp trung thực, phúc hậu của con người.

Tóm lại, khổ thơ thứ nhất của bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ miêu tả vẻ đẹp hài hoà của cảnh và người thôn Vĩ, cùng với tình yêu tha thiết của Hàn Mạc Tử hướng về Vĩ Dạ. Tâm trạng của nhà thơ chủ yếu là say mê, gắn bó, tha thiết nhưng vẫn có lúc phấp phỏng lo âu bởi cảnh đẹp, người mong chờ mà “anh” không về được.