Bài ca ngất ngưởng

Việt Nam / Lớp 11 » Nguyễn Công Trứ

Nội dung

Vũ trụ nội mạc phi phận sự[1]
Ông Hi Văn[2] tài bộ[3] đã vào lồng[4]
Khi Thủ khoa, khi Tham tán, khi Tổng đốc Đông[5]
Gồm thao lược[6] đã nên tay ngất ngưởng
Lúc bình Tây[7], cờ đại tướng
Có khi về Phủ doãn Thừa Thiên
Đô môn[8] giải tổ chi niên[9]
Đạc ngựa bò vàng đeo ngất ngưởng[10]
Kìa núi nọ[11] phau phau mây trắng
Tay kiếm cung mà nên dạng từ bi
Gót tiên theo đủng đỉnh một đôi dì[12]
Bụt cũng nực cười ông ngất ngưởng
Được mất dương dương người tái thượng[13]
Khen chê phơi phới ngọn đông phong[14]
Khi ca, khi tửu, khi cắc, khi tùng
Không Phật, không tiên, không vướng tục
Chẳng Trái, Nhạc cũng vào phường Hàn, Phú[15]
Nghĩa vua tôi cho vẹn đạo sơ chung[16]
Trong triều ai ngất ngưởng như ông!
[1] Mọi việc trong trời đất, chẳng có việc nào không phải phận sự của ta.
[2] Hiệu của Nguyễn Công Trứ. Chú ý cách Nguyễn Công Trứ tự gọi là ông Hi Văn.
[3] Tài năng lớn (đã bộc lộ thành phong cách, bộ dạng).
[4] Ý nói đã ra làm quan là bị bó buộc như bị giam hãm trong lồng.
[5] Việc đỗ đạt và các chức quan Nguyễn Công Trứ đã làm.
[6] Tài dùng binh (Tam lượcLục thao là hai bộ sách về binh pháp xưa kia).
[7] Bình định Trấn Tây, miền biên giới tây nam nước ta.
[8] Kinh đô.
[9] Năm cởi áo mũ, có nghĩa là năm cáo quan về hưu.
[10] Lúc về hưu, ông thường cưỡi bò vang có đeo nhạc ngựa (thiên hạ cưỡi ngựa, riêng Nguyễn Công Trứ cưỡi bò). Ông còn đem một mo cau buộc chỗ đuôi bò và nói để che miệng thế gian.
[11] Núi Đại Nại gần thị xã Hà Tĩnh.
[12] Đi chơi chùa nhưng Nguyễn Công Trứ lại đem cô đầu đi theo.
[13] Người ở trên cửa ải. Điển: Tái ông thất mã.
[14] Ai khen chê cũng mặc, cứ vui phơi phới như ngọn gió xuân.
[15] Những danh tướng đời Hán và đời Tống của Trung Quốc: Trái Tuân, Nhạc Phi, Hàn Kì, Phú Bật.
[16] Nghĩa thuỷ chung, trước sau như một.
Ngất ngưởng là cách Nguyễn Công Trứ thể hiện bán tính cá nhân trong cuộc sống.

Nguồn:
1. Lê Thước, Sự nghiệp và thi văn của Uy Viễn tướng công Nguyễn Công Trứ, Lê Văn Tân xuất bản, 1928
2. Trương Chính biên soạn & giới thiệu, Thơ văn Nguyễn Công Trứ, NXB Văn học, 1983
3. Nguyễn Tường Phượng, Phan Văn Sách, Bùi Hữu Sung, Việt văn diễn giảng hậu bán thế kỷ thứ XIX, Trường Nguyễn Khuyến xuất bản, Hà Nội, 1954