Đọc lại “Kính gửi cụ Nguyễn Du” thấm thía sự giao cảm Tố Hữu – Tố Như

Việt Nam » Tố Hữu » Kính gửi cụ Nguyễn Du

Chưa có đánh giá nào
Kính gửi cụ Nguyễn Du là bài thơ như bức tâm thư của Tố Hữu gửi Nguyễn Du, nhưng bài thơ này được viết sau những 200 năm (1965), còn tâm thư văn chương Truyện Kiều thì hậu thế - hậu sinh Tố Hữu đã nhận được từ lâu.

Vậy, nỗi niềm hôm nay chính là sự cảm nhận nỗi niềm xưa, tâm tư xưa gửi lại. Hai hồn thơ giao lưu, giao hoà, giao cảm để tâm sự, tâm tình qua bức tâm thư bằng thơ.

***

Toàn bộ bức thư – thơ là niềm giao cảm lớn. Tuy nhiên, có nhiều sắc thái, cung bậc tình cảm – có sẻ chia, thương mến, cảm thông, có an ủi, uỷ lạo,... lại có cả tri ân, chia vui...

Trước hết là chia sẻ sâu xa một mối tâm sự lớn - tâm sự ngổn ngang, ngẩn ngơ của Kiều, cũng là tâm sự phức tạp của Nguyễn Du với thời thế, thời cuộc xưa.“Ngổn ngang bên nghĩa bên tình” cũng như “Ngẩn ngơ trông ngọn cờ đào” đâu chỉ của Kiều, mà đây chính là tâm trạng của thi hào được thể hiện qua nhân vật, qua một lăng kính quả không đơn giản!

Nguyễn Du vốn có ý tưởng phò Lê chống Tây Sơn. Mười năm gió bụi ở quê là bề bộn băn khoăn, bức xúc không có gì phấn phát (Thanh Hiên thi tập). Nhưng rồi, ứng sử với chính sách chiêu hiền đãi sĩ, Nguyễn Du ra làm quan dưới triều Nguyễn (1802 – 1820).

Cuộc đời chấp chính của ông lại mang tâm trạng bất đắc chí. Tiếp xúc với quần chúng lao khổ, Nguyễn Du nhận thấy rõ cái xấu, cái ác, cái thối tha của giai cấp thống trị, mặc dù ông từng ở trong triều chính. Tuy nhiên, thế cùng, lực tận, nhà thơ rơi vào bế tắc:
Nỗi niềm xưa nghĩ mà thương
Dẫu lìa ngó ý, còn vương tơ lòng
Nỗi đau của Kiều chính là nỗi đau của Nguyễn Du.

Nguyễn Du gửi lại hậu thế một tiếng thở dài, một tiếng than:
Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như
(Ba trăm năm lẻ nữa ta đâu biết
Thiên hạ ai người khóc Tố Như?
- Độc “Tiểu Thanh ký”)
Nguyễn Du xưa muốn chờ một tiếng khóc. Nay nhà thơ lớn Tố Hữu, cảm nhận rõ “lệ chảy quanh thân Kiều” đã nhỏ lệ trên trang thơ của tác giả Truyện Kiều. Bài thơ như một niềm thương cảm lớn xót xa gửi tới người xưa.

Đời Nguyễn Du đã từng có những tiếng khóc lớn cảm thương các kiếp người, các phận người oan khổ, đủ “thập loại chúng sinh”. Đó chỉ là loại chúng sinh tiêu biểu cho sự sẻ chia của nhà thơ qua Văn chiêu hồn . Nguyễn Du thương Kiều, ngoài ra còn thương bao kiếp người khổ đau nhân gian. Đó là tấm lòng quý giá biết bao của thi hào – nhà nhân đạo chủ nghĩa lớn của dân tộc và nhân loại.

Đến lượt Tố Hữu, nhà thơ mang chủ nghĩa nhân văn cao cả của thời đại mới, cũng là một nhà thơ cách mạng lớn, sẻ chia tiếng khóc tâm linh sâu thẳm vời vợi thời gian.

Khác nào hai tiếng khóc lớn, vang vọng, hoà vào nhau!

*

Tuy nhiên, cái đọng lại sau nước mắt là tình đời. Sự cảm thông sâu sắc biết bao:
Tấm lòng thơ vẫn tình đời thiết tha
Đó là tình đời của nhân gian, của nhân tình thế thái. Đặc biệt, tình đời với thân phận người phụ nữ “biết là mấy thân”:
Đau đớn thay phận đàn bà
Phụ nữ trong chế độ cũ là người đau khổ nhất, vì họ phải chịu bao áp lực, đặc biệt là lễ giáo phong kiến lạc hậu – tam tòng, tứ đức.

Tứ đức là công, dung, ngôn, hạnh có những giá trị hạt nhân bất biến. Tuy nhiên tam tòng lại là một luật lệ trói buộc hà khắc vô lý, bất công của quan niệm trọng nam khinh nữ. Những người tài hoa phận mỏng thật oan nghiệt. Trời “ghen”, nhưng đó lại chính là sự ganh ghét, đố kị dẫn đến vùi dập nhau của con người. Kiếp phong trần là do phường gian ác, hôi tanh đày đoạ, gây nên sóng gió bão tố đấy thôi.

Ngẫm xưa lại nghĩ nay. Trong một đất nước dân chủ, tung bay ngọn cờ nhân quyền, nhân phẩm mà vẫn còn nửa nước chịu cảnh gian khổ. Miền Bắc giải phóng miền Nam còn đang chịu chia cắt. Niềm vui chưa trọn, nỗi đau chưa vơi, vì vẫn còn tồn tại bọn mặt người dạ thú:
Cũng loài báo hổ ruồi xanh
Cũng phường gian ác hôi tanh hại người.
Tiếng thơ xưa vẫn mãi vang vọng như chuyển tải nỗi đau nhân tình thế thái xưa - nay:
Tiếng thơ ai động đất trời
Nghe như non nước vọng lời ngàn thu
Và, như một sự cảm thông thấm thía, vô hạn xuyên thấu lòng người:
Nghìn năm sau nhớ Nguyễn Du
Tiếng thơ đã trở thành “tiếng thương” như tiếng lòng mẹ.

Xen trong tiếng thương còn có lời vui: “Đời vui nay đã nửa phần vui đây”. Tuy cái vui ấy còn ngậm ngùi, xót xa, nhưng vẫn là vui. Nhà thơ thay mặt con người hôm nay để chia vui với khát vọng của thi nhân cổ điển – “người xưa của ta nay”:
Khúc vui xin lại so dây cùng Người!
Niềm vui cũng rộn rã như dòng nước chảy xiết bên đồi, và vang động âm hưởng xưa – nay: “Bỗng nghe trống giục ba hồi gọi quân”. Vui mà phấn khích như được thúc giục lên đường.

Một sự liên tưởng xưa – nay kỳ lạ mà rất hiện thực. Ba quân xưa hay những binh đoàn hùng mạnh đang ào ạt: “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” hôm nay?

*

Kính gửi cụ Nguyễn Du (1/11/1965) nằm trong mạch thơ làm khi đi thị sát hoả tuyến những ngày đầu đánh Mỹ của miền Bắc. Đây cũng là bài thơ nằm trong cụm “hoa lửa” dịp tháng 10, tháng 11 trên Đường vào: Chiếc áo xanh (20/10/1965), Những ngọn đèn (22/10/1965), Bài ca lái xe đêm (31/10/1965), và sau đó là Mẹ Suốt (4/11/1965). Những bài này được làm trong không khí hào hùng, rực lửa trong những ngày miền Bắc ra sức chi viện, cung cấp cho công cuộc giải phóng miền Nam.

Mỹ đem hàng chục vạn quân và lính chư hầu vào chiến trường miền Nam với chiến lược “chiến tranh cục bộ” và chính thức gây ra cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ nhất (từ 7/2/1965).

Những năm 1965 – 1968, Tố Hữu qua lại nhiều lần miền “cán xoong” Liên khu IV – các vùng ác liệt Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Vĩnh Linh với tư cách nhà thơ, đồng thời là phái viên của Bộ Chính trị. Bản thân ông còn làm nhiệm vụ Trưởng ban thống nhất, từng mang nỗi niềm lớn với miền Nam – tiền tuyến lớn, thâm nhập tuyến lửa với tư thế của người Ra trận. Có dịp qua Nghi Xuân, ông thắp hương cho Nguyễn Du, cũng là chia sẻ buồn, vui với người xưa. Tuy nhiên, điều quan trọng là, nhà thơ tiếp nhận được tình đời qua tấm lòng của thi hào. Qua đó, Tố Hữu như được tiếp thêm sức mạnh tinh thần, sức mạnh của văn hoá truyền thống.

Nhà thơ Huy Cận tượng hình cha ông: “Lưng đeo gươm, tay mềm mại bút hoa”. Xưa thế, nay cũng vậy. Anh hùng mà nhân hậu là con người Việt Nam mang hồn dân tộc. Chế Lan Viên bổ sung cho Tố Hữu về hình tượng bà mẹ anh hùng mà nhân ái và rất văn hoá: “Đêm thắng giặc Bảo Ninh, mẹ Suốt ngâm Kiều... Câu thơ Nguyễn cũng góp phần đánh Mỹ” (Gửi Kiều cho em năm đánh Mỹ ).

Kỷ niệm 200 năm ngày sinh Nguyễn Du – danh nhân văn hoá, có nhà thơ lớn, cũng là nhà văn hoá hiện đại đã giao cảm tâm tình một cách độc đáo với thi hào. Như mắt quỷ, pháo sáng đốt trên nhà cụ Nguyễn chỉ là cuộc dõi tìm vô ích của tội ác. Ở đó, chỉ sáng lên cái nhân tình vĩ đại của người xưa và cả con người bình dị ngày nay đang lắng nghe câu Kiều đồng vọng nghìn xưa, mà thấm nhuần nhân nghĩa và trở thành anh hùng.

Cảm tác Kính gửi cụ Nguyễn Du là bài thơ lớn, vì mang tâm tư lớn – là tâm tư của nhà thơ lớn đối với thi hào.

Đó là sự kết hoà xưa – nay, lấy xưa hiểu nay, trọng xưa vì nay, và hơn thế, còn là sự kết nối quá khứ với hiện tại, hướng tới tương lai.

Tố Hữu đã có dịp nhớ tới Nguyễn Du từ Bài ca mùa xuân 1961 với lòng thương cảm sâu sắc người xưa khi thốt lên “Tố Như ơi, lệ chảy quanh thân Kiều!” Trong niềm vui Một khúc ca xuân (1977), có câu cảm động: “Thương Nguyễn Du xưa mỏi mắt buồn trông”. Đó là nhớ thi hào qua con mắt tù túng, quẩn quanh của Kiều đã từng “Buồn trông cửa bể...”

Cuộc đời mới tặng Người ống vạn hoa để nhìn ra sóng bạc, sóng vàng trùng trùng lấp loáng: “Và biển gọi... Đã bao giờ biển gọi?” Với kính viễn vọng hiện đại, thi hào có thể phóng tầm mắt tít tắp xa khơi: “Ta sẽ ra giữa đại dương, đường đường bờ cõi”..

Trong cuộc Du xuân bên Hồ Tây ngày Đổi mới, Tố Hữu vẫn chưa nguôi nhớ Nguyễn Du và cha ông xưa với những câu thơ - lời than ngậm ngùi về thân phận đàn bà cũng là tiếng kêu nhân tình thế thái về kiếp người.. Nhưng, nhà thơ lại phấn khích biết bao qua hình ảnh: “Trưng Vương đầu voi lẫm liệt” với trận Nghi Tàm đỏ huyết quân thù và nữ sĩ Xuân Hương như “tri kỷ” từng vẫy vùng, muốn đổi phận làm trai “Cười đùa cay chua buồn nỗi đau con gái”.

Đó vẫn là niềm tin lớn vào ngày mai – thế kỷ mới với vẻ đẹp vô cùng.

Tố Hữu đã nói hộ tất cả chúng ta ngày nay tấm lòng cảm thương, yêu mến, quý trọng nhà thơ cổ điển lớn nhất trong lịch sử văn học. Tiếng nói yêu thương thiết tha như kết tinh thi thư văn hiến còn vọng mãi nghìn năm trong lòng con người dân tộc.

***

Thực ra, mối đồng cảm của Tố Hữu đã có từ rất lâu. Trong thời thuộc địa, xã hội cũ nước ta đã từng diễn ra cảnh tượng hoành hành của lũ “báo hổ, ruồi xanh” và không thiếu những “phường gian ác hôi tanh hại người” như xã hội thời Nguyễn Du. Đặc biệt, gái điếm nhà chứa là một tệ nạn được phơi bày ngang nhiên do sự xô đẩy của những thế lực, áp lực bạc ác của xã hội. Những cô gái “bán hoa”, xét cho cùng, là những nạn nhân đau khổ, sa lầy ngập ngụa, gần như không có lối thoát. Giữa màn đêm đen kịt của kiếp sống ấy, bỗng nhiên loé lên một tia chớp báo hiệu cơn giông bão của sự đổi đời, thay phận.

Tiếng hát sông Hương của Tố Hữu xuất hiện như một sự kiện kỳ lạ. Nó đối thoại với Lời kỹ nữ (Xuân Diệu) như một tiếng nói phản biện, đối chọi gay gắt. Những cô gái buông tiếng hát buồn thảm của cuộc đời mịt mờ bờ bến: “Em đi với chiếc thuyền không/ Khi mô vô bến rời dòng dâm ô/ Trời ơi em biết khi mô/ Thân em hết nhục, dày vò năm canh”.Cô gái được ví với hình ảnh chiếc thuyền – lầu xanh di động, bồng bềnh, vô định trên dòng sông như dòng đời trôi nổi, đen bạc. Và cô gần như tuyệt vọng về nhân cách, phẩm giá trong hoài nghi tột độ: “Thuyền em rách nát có lành được không?”. Nhà thơ đã quả quyết phủ định không và trả lời có.

Đó là sự chiêu tuyết với tinh thần nhân văn mới. Hơn nữa, nhà thơ còn phác hoạ một viễn cảnh tươi đẹp về sự hoàn lương cho cô gái. Quả nhiên, cách mạng tới đổi đời cho số phận dân tộc, trong đó có những mảnh đời bất hạnh của những cô gái ấy.

Ước vọng của Tố Hữu dựa vào chủ nghĩa nhân đạo mới cách mạng. Xã hội mới là xã hội của những người lao động chân chính.

Nhưng rồi, cảnh ấy lại được tái diễn trong xã hội miền Nam một thời. Lại có hiện tượng bức bách “Thì phải bán mình trăm cô Kiều, nghìn vạn cô Vân” (Thơ bổ sung , Chế Lan Viên). Và xã hội hiện nay, trong cơ chế thị trường, rất nhiều thứ vẫn có thể là hàng hoá, kể cả thân phận phụ nữ. Đó là mặt trái tiêu cực khó tránh khỏi. Nhưng dù sao, hiện tượng xấu xa ấy vẫn phải trá hình, nguỵ trang và xảy ra một cách lén lút, giấu giếm. Cái “ngày mai” mơ ước của Tố Hữu năm nào quả là còn quá xa xôi. Nhà thơ đã có lúc tưởng tượng với cái hồn lãng mạn thành thực cao đẹp, nhưng còn có nét như ảo tưởng. Những điều tốt đẹp sẽ xảy ra, nhưng phải có thời gian rất dài. Nhà thơ từng tâm sự: “Trước đây, tôi tưởng mọi sự việc có thể đánh giá xong trong một thập kỷ, nhưng nay thấy rằng có sự việc phải hàng thế kỷ” [1, tr. 382]. Chắc hẳn trong đó có cả sự việc còn tồn tại là gái “bán hoa”.

***

Tuy nhiên, có điều là chia sẻ, cảm thông với nỗi buồn đau quá khứ, Tố Hữu – người tri âm, tri kỷ với đại thi hào - đã tiếp sức cho ước mơ xưa. Đó là qua việc tham gia tích cực vào viết những trang “đời vui”, tạo những “khúc vui” cho cuộc đời mới.

Năm nào, cuộc chia vui còn xen lẫn ngậm ngùi. Ấy là cảnh “nửa phần vui đây”. Sau 1975 Tổ quốc thống nhất, đất nước đại đoàn viên. Đã kết thúc vĩnh viễn cái thảm kịch lớn của chiến lược “Việt Nam hoá chiến tranh”, để thực hiện mơ ước nhân đạo Chế Lan Viên “Cho thịt những chàng Kim không còn đốt cháy những cô Kiều” (Suy nghĩ 1966 ). Vui thế hôm nay là niềm vui trọn vẹn của Đại thắng Mùa xuân - Đại thắng mở đầu cho những bản hùng ca mới của Nhân dân, trong đó, có những khúc tráng ca cho người phụ nữ xã hội mới.

Thời Từ ấy, Tố Hữu góp phần tô đậm những thân phận phụ nữ nô lệ nghèo khó, lao khổ, cơ cực. Tuy nhiên, cuối tập thơ, đã có hình ảnh người phụ nữ quật khởi vùng lên qua Tiếng hát trên đê . Thơ sau này của Tố Hữu đã có nhiều hình ảnh đẹp của những con người mới, trong đó có người phụ nữ, đại diện cho “một nửa thế giới mới”.

Một trong những người viết nhiều nhất, hay nhất về phụ nữ chính là Tố Hữu. Có những bức chân dung truyền thần, những tượng đài bất hủ qua thơ, từ người phụ nữ trẻ (Phá đường , Người con gái Việt Nam , Tấm ảnh ...) đến các bà mẹ già (Bà mẹ Việt Bắc , Bà Bủ , Mẹ Suốt , Mẹ Diệm,...). Đó là hình ảnh người phụ nữ thời đại với vinh danh tám chữ vàng: Anh hùng, Bất khuất, Trung hậu, Đảm đang.

Có một khung cảnh thẩm mỹ tự nhiên kỳ thú tuyệt đẹp trong thơ Tố Hữu là hình ảnh kết hoà phụ nữ - sông bãi, bến bờ. Đó là hình tượng hoà hợp yêu thương – quả, cảm, hiền hoà – dữ dội, nhân hậu – anh hùng. Một “nàng xuân rất dịu dàng” hồn nhiên “Hát câu quan họ chuyến đò ngang... bên sông ấy” vẫn đàng hoàng “súng khoác trên lưng” trong mùa Xuân sớm những ngày cả nước Ra trận. Trần Thị Lý từ nguồn yêu thương “Sông Thu Bồn giọng hát đò đưa” như “tiếng mẹ ngày xưa” đã trở thành Người con gái Việt Nam anh hùng. Cho đến Mẹ Suốt : “Một tay lái chiếc đò ngang” nơi bến sông là người mẹ “cực thân” từ tấm bé đã quả cảm vươn lên từ cuộc đời khốn khó. Chế Lan Viên tô đậm thêm đức nhân hậu từ “cái thuở khổ nghèo” ấy. Nghe “Nhà ai đó lẩy Kiều... nước mắt dàn theo” (Gửi Kiều cho em năm đánh Mỹ ). Trong Một khúc ca xuân Tố Hữu lại khắc hoạ bà mẹ “ngực huân chương” đã ngã xuống “bên bờ sông khói lửa” - dòng sông Nhật Lệ - dòng sông anh hùng.

Vậy là, Tố Hữu đã viết trang mới cho số phận lịch sử của người phụ nữ, như tiếp tay, tiếp sức cho ước vọng của thi hào – nhà nhân đạo chủ nghĩa lớn Nguyễn Du. Không chỉ là tri âm, tri kỷ, giao cảm tâm tình, mà thực sự, tạo nên bằng thơ “khúc vui” chung dân tộc và riêng, thể hiện sâu sắc ý thức, tình cảm, quan niệm mới về người phụ nữ trong thời đại mới. Đặc biệt, trang thơ đã mang cảm quan lịch sử cách mạng – cảm quan thấm đượm bản sắc nhân văn, đạo lý truyền thống và đạo đức mới.

*

Đọc lại Kính gửi cụ Nguyễn Du và những cảm nghĩ về Nguyễn Du của Tố Hữu, thêm một lần nữa ta lại cảm thông, kính trọng, tôn vinh thi hào: “Càng nghĩ càng thấy là Hồ Xuân Hương, Nguyễn Du vượt thời đại” [3, tr. 675].

Đồng thời, ta cũng thấy thêm tầm vóc nhà thơ lớn Tố Hữu – nhà văn hoá, nhà tư tưởng đã biết tựa vào cha ông để phát huy đạo lý truyền thống cùng lý tưởng cách mạng, lý tưởng Chân – Thiện – Mỹ trong đời và trong thơ thời đại mới.
PGS.TS. Đoàn Trọng Huy - Trường Đại học Sư phạm Hà Nội