Đêm nay Bác không ngủ

Việt Nam / Lớp 6 » Minh Huệ

Nội dung

Anh đội viên[1] thức dậy
Thấy trời khuya lắm rồi
Mà sao Bác vẫn ngồi
Đêm nay Bác không ngủ.

Lặng yên bên bếp lửa
Vẻ mặt Bác trầm ngâm[2]
Ngoài trời mưa lâm thâm[3]
Mái lều tranh xơ xác.

Anh đội viên nhìn Bác
Càng nhìn lại càng thương
Người Cha mái tóc bạc
Đốt lửa cho anh nằm.

Rồi Bác đi dém chăn[4]
Từng người từng người một
Sợ cháu mình giật thột[5]
Bác nhón chân nhẹ nhàng.

Anh đội viên mơ màng[6]
Như nằm trong giấc mộng
Bóng Bác cao lồng lộng[7]
Ấm hơn ngọn lửa hồng.

Thổn thức[8] cả nỗi lòng
Thầm thì anh hỏi nhỏ:
- Bác ơi! Bác chưa ngủ?
- Bác có lạnh lắm không?

- Chú cứ việc ngủ ngon
Ngày mai đi đánh giặc!
Vâng lời anh nhắm mắt
Nhưng bụng vẫn bồn chồn[9].

Không biết nói gì hơn
Anh nằm lo Bác ốm
Lòng anh cứ bề bộn[10]
Vì Bác vẫn thức hoài.

Chiến dịch[11] hãy còn dài
Rừng lắm dốc lắm ụ
Đêm nay Bác không ngủ
Lấy sức đâu mà đi!
- Lần thứ ba thức dậy
Anh hốt hoảng giật mình
Bác vẫn ngồi đinh ninh[12]
Chòm râu im phăng phắc.

Anh vội vàng nằng nặc[13]:
- Mời Bác ngủ Bác ơi!
Trời sắp sáng mất rồi
Bác ơi, mời Bác ngủ

- Chú cứ việc ngủ ngon
Ngày mai đi đánh giặc
Bác thức thì mặc Bác
Bác ngủ không an lòng

Bác thương đoàn dân công[14]
Đêm nay ngủ ngoài rừng
Rải lá cây làm chiếu
Manh áo phủ làm chăn...

Trời thì mưa lâm thâm
Làm sao cho khỏi ướt
Càng thương càng nóng ruột
Mong trời sáng mau mau.

Anh đội viên nhìn Bác
Bác nhìn ngọn lửa hồng
Lòng vui sướng mênh mông
Anh thức luôn cùng Bác.

Đêm nay Bác ngồi đó
Đêm nay Bác không ngủ
Vì một lẽ thường tình
Bác là Hồ Chí Minh.
[1] Ở đây là chiến sĩ quân đội (phân biệt với cán bộ chỉ huy), cách gọi thường dùng trong thời kì kháng chiến chống thực dân Pháp.
[2] Có dáng vẻ lặng lẽ, suy nghĩ về một điều gì đó.
[3] Mưa nhỏ nhưng mau hạt và kéo dài; cũng gọi là mưa lâm râm.
[4] Giắt mép chăn xuống phía dưới thân người nằm để giữ hơi ấm.
[5] (Tiếng địa phương) giật mình.
[6] Trạng thái chập chờn, nửa thức, nửa ngủ.
[7] Cao tới mức cảm thấy như vô cùng tận (lồng lộng còn có nghĩa khác: (gió thổi) rất mạnh ở nơi trống trải).
[8] Có hai nghĩa: a) khóc thành những tiếng ngắt quãng như cố nén mà không được; b) trạng thái có những tình cảm làm xao xuyến, không kìm nén được; ở đây dùng theo nghĩa thứ hai.
[9] Trạng thái tình cảm nôn nao, thấp thỏm.
[10] Nhiều và lộn xộn; ở đây chỉ tâm trạng có nhiều điều lo lắng không yên.
[11] Toàn bộ các cuộc chiến đấu trên chiến trường trong một thời gian, được tổ chức theo một kế hoạch và mục đích nhất định; ở đây là chiến dịch Biên giới Cao – Lạng năm 1950.
[12] Có hai nghĩa: a) Tin chắc vào điều gì đó; b) trước sau vẫn thế, không thay đổi; ở đây dùng với nghĩa thứ hai.
[13] Đòi xin một mực cho kì được.
[14] Người dân được huy động đi làm nghĩa vụ lao động công ích; ở đây là đi phục vụ mặt trận.
1951

Nguồn: Thơ Việt Nam 1945-1975, NXB Tác phẩm mới, Hà Nội, 1976