Viết bài tập làm văn số 5: Văn lập luận chứng minh

Lớp 7

23.00

Nội dung

I – ĐỀ VĂN THAM KHẢO

Đề 1: Ít lâu nay, một số bạn trong lớp có phần lơ là học tập. Em hãy viết một bài văn để thuyết phục bạn: Nếu khi còn trẻ ta không chịu khó học tập thì lớn lên sẽ chẳng làm được việc gì có ích!

Đề 2: Hãy chứng minh rằng bảo vệ rừng cũng là bảo vệ cuộc sống của chúng ta.

Đề 3: Dân gian ta có câu tục ngữ: Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng. Nhưng có bạn lại bảo: Gần mực chưa chắc đã đen, gần đèn chưa chắc đã rạng. Em hãy viết bài văn chứng minh thuyết phục bạn ấy theo ý kiến của em.

Đề 4: Hãy chứng minh rằng đời sống của chúng ta sẽ bị tổn hại rất lớn nếu mỗi người không có ý thức bảo vệ môi trường sống.

Đề 5: Hãy trình bày nổi bật lối sống vô cùng giản dị, thanh bạch của Bác Hồ.

II – NHỮNG ĐIỀU CẦN LƯU Ý

1. Tìm hiểu kĩ đề bài để xác định chính xác luận điểm cần phải chứng minh.

2. Từ luận điểm chính, hãy xây dựng một hệ thống luận điểm phụ hợp lí, rõ ràng, mạch lạc và đủ để làm sáng tỏ luận điểm chính. Tìm được một hệ thống dẫn chứng tiêu biểu, đầy đủ, được sắp xếp hợp lí, có khả năng làm sáng rõ cho từng luận điểm.

3. Chữ viết phải đúng chính tả và dễ đọc. Lời văn cần rõ ý, đúng ngữ pháp, có sức thuyết phục đối với người đọc.

4. Luôn luôn tự kiểm tra xem viết như thế thì luận điểm đã trở nên rõ ràng và có sức thuyết phục hay chưa.

BÀI THAM KHẢO
Rừng tô điểm cho đất nước, dạy cho người ta hiểu được cái đẹp và cho người ta cảm giác về sự vĩ đại. Rừng làm cho khí hậu được ôn hoà... Tại sao lại phá rừng đi? Những cánh rừng nước Nga đang rên xiết dưới lưỡi rìu, hàng triệu cây bị chết, hang thú vật, tổ chim muông trống rỗng chẳng còn gì; sông ngòi bị cát bồi và khô cạn dần, những phong cảnh tuyệt diệu mãi mãi mất hẳn đi... Phải là hạng người man rợ mới điên cuồng đem tống vào lò sưởi đốt tất cả những của cải đẹp đẽ đó, mới đang tâm phá hoại những cái mà chúng ta không thể nào tạo ra được... Mỗi khi tôi đi ngang qua khu rừng ở nông thôn mà tôi đã cứu sống lại, hay khi tôi nghe thấy tiếng rì rào của rừng cây non do chính tay tôi trồng lên, tôi bỗng có cảm tưởng như tiết trời nóng lạnh cũng phụ thuộc một phần nào ở quyền tôi, rằng nếu độ một nghìn năm sau, người đời được sống sung sướng hơn thì cũng có một phần nhỏ do tôi đấy... Khi tôi trồng được một cây bạch dương nhỏ, rồi thấy nó phủ đầy lá xanh và đung đưa trước gió, tim tôi tràn ngập niềm kiêu hãnh...
(Theo Sê-khốp)