Viết bài làm văn số 5: Nghị luận văn học

Lớp 12

Chưa có đánh giá nào

Văn mẫu

Nội dung

KẾT QUẢ CẦN ĐẠT

- Vận dụng được các tri thức và kĩ năng đã học viết được bài văn nghị luận về một ý kiến bàn về văn học.

I – HƯỚNG DẪN CHUNG

Để bài viết đạt kết quả tốt, anh (chị) cần thực hiện các công việc chuẩn bị sau:
- Xem lại bài Nghị luận về một ý kiến bàn về văn học.
- Đọc lại các văn bản văn học đã học.

II – GỢI Ý MỘT SỐ ĐỀ BÀI

1. Trong một bức thư luận bàn về văn chương, Nguyễn Văn Siêu có viết: “Văn chương [...] có loại đáng thờ. Có loại không đáng thờ. Loại không đáng thờ là loại chỉ chuyên chú ở văn chương. Loại đáng thờ là loại chuyên chú ở con người”. Hãy phát biểu ý kiến về quan niệm trên.

2. Buy-phông, nhà văn Pháp nổi tiếng, có viết: “Phong cách chính là người”. Anh (chị) hiểu ý kiến trên như thế nào?

3. Anh (chị) hãy bày tỏ quan điểm của mình về ý kiến của nhà văn Pháp La Bơ-ruy-e: “Khi một tác phẩm nâng cao tinh thần ta lên và gợi cho ta những tình cảm cao quý và can đảm, không cần tìm một nguyên tắc nào để đánh giá nó nữa: đó là một cuốn sách hay và do một nghệ sĩ viết ra”.

III – GỢI Ý CÁCH LÀM BÀI

Đề 1: Đây là kiểu bài nghị luận về một ý kiến bàn về văn học. Bài làm cần có các nội dung sau:
- Phân tích, lí giải hai loại văn chương “đáng thờ” và “không đáng thờ”.
- Nêu ý kiến về quan niệm của Nguyễn Văn Siêu.

Đề 2: Cần lưu ý những ý chính sau:
- Phong cách chính là nét độc đáo và phần đóng góp riêng của nhà văn cho đời sống văn học.

- Phong cách bao gồm cả phương diện nội dung và nghệ thuật:
+ Độc đáo về nội dung thể hiện ở quan niệm về cuộc sống và con người từ việc lựa chọn đề tài, xác định chủ đề, cách lí giải những vấn đề về cuộc sống và con người,...
+ Độc đáo về nghệ thuật thể hiện ở phương thức biểu hiện, ở việc lựa chọn các thủ pháp nghệ thuật, tổ chức kết cấu, sử dụng ngôn ngữ,...

- Điều thú vị khi đọc tác phẩm văn học là phát hiện được những nét độc đáo trong phong cách của mỗi nhà văn.

Đề 3: Cần làm sáng tỏ một số ý sau:
- Tiêu chí để đánh giá một tác phẩm hay, theo La Bơ-ruy-e, là giá trị giáo dục của tác phẩm đó.
- Giá trị giáo dục của tác phẩm văn học: “nâng cao tinh thần”, gợi “những tình cảm cao quý và can đảm” của con người.