Viết bài làm văn số 1: Nghị luận xã hội

Lớp 11

Chưa có đánh giá nào

Văn mẫu

Nội dung

KẾT QUẢ CẦN ĐẠT

Vận dụng kiến thức và kĩ năng đã học về văn nghị luận, viết được bài nghị luận xã hội có nội dung sát thực tế đời sống và học tập của học sinh phổ thông.

I. HƯỚNG DẪN CHUNG

Anh (chị) cần ôn tập trước những kiến thức và kĩ năng đã học về văn nghị luận.
Chú ý:

1. Bố cục bài văn nghị luận
a) Mở bài: Giới thiệu và nêu vấn đề cần nghị luận.
b) Thân bài: Lần lượt triển khai các luận điểm, luận cứ nhằm làm sáng tỏ vấn đề.
c) Kết bài: Thâu tóm những nội dung cơ bản, tiếp tục gợi mở suy nghĩ cho người đọc, hoặc nêu cảm nghĩ riêng của người viết,...

2. Lập luận
- Cách xây dựng luận điểm, tìm luận cứ, cách lập luận,...
- Các thao tác lập luận.

II. GỢI Ý MỘT SỐ ĐỀ BÀI

1. Đọc truyện Tấm Cám, anh (chị) suy nghĩ gì về cuộc đấu tranh giữa cái thiện và cái ác, giữa người tốt và kẻ xấu trong xã hội xưa và nay?

2. Bày tỏ ý kiến của mình về vấn đề mà tác giả Thân Nhân Trung đã nêu trong Bài kí đề danh tiến sĩ khoa Nhâm Tuất, niên hiệu Đại Bảo thứ ba – 1442:
“Hiền tài là nguyên khí của quốc gia”, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh, rồi lên cao, nguyên khí suy thì thế nước yếu, rồi xuống thấp.

3. Viết bài nghị luận bày tỏ ý kiến của mình về phương châm Học đi đôi với hành.

III. GỢI Ý CÁCH LÀM BÀI

1. Đọc kĩ đề bài để:
a) Xác định vấn đề cần nghị luận
Ví dụ:
- Cuộc đấu tranh giữa cái thiện với cái ác, người tốt với kẻ xấu vô cùng khó khăn, gian khổ,... những cái thiện, người tất nhất định sẽ thắng. (đề 1)
- Người tài đức có vai trò vô cùng quan trọng trong sự nghiệp xây dựng đất nước. (đề 2)
- Học và hành phải gắn liền nhau thì mới đạt kết quả cao, mới có ích cho xã hội và bản thân. (đề 3)

b) Xác định các luận điểm, luận cứ và lựa chọn thao tác lập luận phù hợp
Ví dụ:
– Ở đề 1: Từ xưa đến nay, cuộc đấu tranh giữa cái thiện và cái ác, giữa người tốt với kẻ xấu vô cùng gian nan, phức tạp. Đặc biệt, cuộc đấu tranh giữa cái thiện và cái ác trong bản thân mỗi con người lại càng gian nan, phức tạp. Nhưng thắng lợi cuối cùng bao giờ cũng thuộc về cái thiện và người tốt. Trong học tập của học sinh, cuộc đấu tranh chống những biểu hiện của cái xấu, cái tiêu cực như: lười biếng, dối trá và gian lận,... cũng rất khó khăn, phức tạp.
– Ở đề 2: Người tài đức có vai trò quan trọng trong sự nghiệp xây dựng đất nước. Học sinh cần phấn đấu trở thành người tài đức để góp phần xây dựng đất nước.

2. Lập dàn ý và viết bài:
Dựa vào kết quả phân tích đề, lập dàn ý rồi viết bài. Khi viết, lí lẽ và dẫn chứng phải bám sát yêu cầu của đề; dùng từ chuẩn xác và diễn đạt trôi chảy.