Viết bài làm văn số 1: Nghị luận xã hội

Lớp 12

Chưa có đánh giá nào

Văn mẫu

Nội dung

KẾT QUẢ CẦN ĐẠT

- Viết được bài nghị luận về một tư tưởng, đạo lí, trước hết là của tuổi trẻ học đường ngày nay.
- Nâng cao ý thức rèn luyện tư tưởng, đạo đức để không ngừng tự hoàn thiện nhân cách của mình.

I – HƯỚNG DẪN CHUNG

1. Ôn lại các kiến thức và kĩ năng cơ bản làm một bài nghị luận. Chú ý các thao tác lập luận: giải thích, chứng minh, phân tích, bác bỏ, bình luận,... Đặc biệt, xem lại bài Nghị luận đề một tư tưởng, đạo lí ở tuần 1.

2. Xem lại những bài làm văn ở lớp 11, nhất là các bài nghị luận xã hội.
Chú ý những ưu điểm, nhược điểm để rút kinh nghiệm.

II – GỢI Ý MỘT SỐ ĐỀ BÀI

1 Tình thương là hạnh phúc của con người.
2. "Mọi phẩm chất của đức hạnh là ở trong hành động".
Ý kiến trên của M. Xi-xê-rông (nhà triết học La Mã cổ đại gợi cho anh (chị) những suy nghĩ gì về việc tu dưỡng và học tập của bản thân
3. Hãy phát biểu ý kiến của mình về mục đích học tập do UNESCO đề xướng: "Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để tự khẳng định mình".

III – GỢI Ý CÁCH LÀM BÀI

1. Xác định nội dung bài viết
- Ba đề trên đều tập trung vào vấn đề tư tưởng, đạo lí, đặc biệt là đối với thanh niên, học sinh trong giai đoạn hiện nay của nước ta.
- Mỗi đề có yêu cầu cụ thể. Anh (chị) cần đọc kĩ đề bài để xác định đúng vấn đề cần bàn bạc và xác định các luận điểm. Ví dụ:
Đề 1: Cần nêu khái niệm "tình thương", tiếp đó trình bày những biểu hiện, ý nghĩa và tác dụng lớn lao của tình thương trong cuộc sống. (3 ý lớn)
Đề 2: Vấn đề trung tâm của bài viết là mối quan hệ giữa "đức hạnh" (phẩm chất đạo đức, trí tuệ, tâm hồn) và "hành động" của mỗi người. "Đức hạnh" là cội nguồn tạo ra "hành động" và "hành động" là biểu hiện cụ thể của "đức hạnh". Tiếp đó, đề xuất bài học tu dưỡng bản thân. (3 ý lớn)
Đề 3: Nên bàn về từng nội dung trong đề xướng của UNESCO, tức là từng mục đích học tập của học sinh, sinh viên thời nay. Sau đó, xác định tính chất của các nội dung theo hai khía cạnh: "Học để biết" là yêu cầu tiếp thu kiến thức; học để làm, học để chung sống, học để tự khẳng định mình" là yêu cầu thực hành, vận dụng kiến thức, từng bước hoàn thiện nhân cách,... (2 ý lớn)

2. Xác đinh cách thức làm bài
- Thao tác lập luận: Phối hợp các thao tác giải thích, phân tích, chứng minh, bác bỏ, bình luận,...
- Lựa chọn dẫn chứng: Chủ yếu dùng dẫn chứng thực tế trong cuộc sống. Có thể dẫn một số thơ văn để bài viết thêm sinh động, nhưng cần vừa mức, tránh lan man, lạc sang nghị luận văn học.
- Diễn đạt cần chuẩn xác, mạch lạc; có thể sử dụng một số yếu tố biểu cảm, nhất là ở phần liên hệ thực tế và trình bày những suy nghĩ riêng của bản thân.