Về bài thơ “Tây Tiến” của Quang Dũng

Việt Nam / Lớp 12 » Quang Dũng » Tây Tiến

15.00
Tây Tiến có hai phần, phân cách bằng một đoạn thơ hai câu. Phần đầu, mười hai câu là chuyện dọc đường. Phần hai, mười sáu câu, không kể bốn câu kết là chuyện cuộc sống thường nhật của chiến sĩ Tây Tiến. Những buổi liên hoan, theo Quang Dũng kể, có cả nam đóng vai nữ rất đẹp... gái: KÌa em xiêm áo tự bao giờ. Cảnh trí nơi đóng quân cũng thật khó quên: Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa. Quang Dũng tả cảnh chỉ chấm phá, xen kẽ ngoại giới với nội tâm: hồn lau nẻo bến bờ, nên diễn biến cảnh sắc nhanh, động. Ấn tượng thơ Quang Dũng luôn luôn mới, không bị thời gian làm cũ đi là do vậy. Người ở vùng rừng phía tây sốt rét nhiều, đoàn binh không mọc tóc có cả lí do vì bệnh tật, tóc rụng. Quân xanh màu lá, màu áo hay màu da? Chắc cả hai! Chỗ này tả lính rất khéo, nói được lính ốm mà không thấy lính yếu. Có tóc rụng, có da xanh, nhưng ấn tượng lưu lại là dữ oai hùm. So sánh hơi ghê ghê, nhưng không phải là doạ. Cái vẻ kì dị không mọc tóc và mắt trừng gửi mộng rào trước đón sau nên viết dữ oai hùm người đọc thấy là thật, thật ở cái bề ngoài. Còn bên trong những con người trông dữ dằn ấy? Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm. Hoá ra các “ông hùm” lại rất hiện, đa cảm, đa tình nữa. Câu thơ kiều thơm này và câu thơ Gục lên súng mũ bỏ quên đời một thời gian đã thành chứng cớ để phê phán Quang Dũng là tiểu tư sản. Quả là ở đây có chất thanh niên học sinh Hà Nội cũ, và tình cảm đó đúng là không đại diện cho đa số công nông. Nhưng nó không phải là đối kháng với công nông. Không nhất thiết và không bao giờ đạt được một kiểu vui buồn đồng nhất trong toàn xã hội, vậy cũng không nên ép buộc thơ ca. Quang Dũng đã diễn đạt tài năng cảm xúc của chính anh và lớp thanh niên Hà Nội những ngày đầu kháng chiến “xếp bút nghiên theo việc đao cung”. Bài thơ được công chúng cách mạng yêu mến suốt mấy chục năm nay là bằng chứng về phẩm chất của nó.
Rải rác biên cương mồ viễn xứ
Câu thơ gợi cảm bằng những từ Hán Việt, đây là lối nói của văn chương hồi đó, khi tình yêu còn được gọi là ái tình, người trai đi lính là khách chinh phu. Tuy nhiên ở bốn câu thơ đoạn này, mấy chữ đó lại phù hợp với không khí trang nghiêm, bi tráng của sự tưởng nhớ những người đã hi sinh. Trong đời sống cũng vậy thôi, nghi thức trang trọng đòi hỏi phải dùng chữ nghĩa. Ở đây thực ra chỉ là nghi thức của lòng người. Lòng người nhìn một manh chiếu khâm liệm cũng thấy đủ cái thiêng liêng nhuốm một chút không khí oai hùng, cổ xưa, bi thương, kì vĩ. Tạo được không khí ấy trong thơ là việc khó, cảm nhận được nó trong đời càng khó hơn. Bản chất lãng mạn trong hồn thơ Quang Dũng bộc lộ rõ ở đoạn thơ tài hoa này. Bài thơ nói nhiều đến mất mát nhưng không bi luỵ. Ý kết của bài thơ là một sự tiến lên, đi tiếp:
Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi.
Ngày nay nhìn lại cuộc kháng chiến chống Pháp, chúng ta thấy nhiều thiếu thốn gian lao, nhiều thô sơ ấu trĩ trong đời sống, nhưng vẻ đẹp lí tưởng của con người thật là rực rỡ. Người ta sống bằng lí tưởng và nhìn những gian khổ mất mát bằng cái nhìn cao cả, bất cần, đôi khi ngây thơ nữa. Vẻ đẹp ấy rất gần với phẩm chất lãng mạn của thơ. Bài thơ Tây Tiến là một kết tinh đẹp đẽ của hiện thực đời sống đó.
(Vũ Quần Phương, Thơ nói lời bình, NXB Giáo dục, 2003)