Về bài thơ “Đất nước” (Nguyễn Đình Thi) và đoạn trích “Đất nước” (trích trường ca “Mặt đường khát vọng” của Nguyễn Khoa Điềm)

Việt Nam / Lớp 12 » Nguyễn Khoa Điềm » Đất nước (trích trường ca “Mặt đường khát vọng”)
Việt Nam / Lớp 12 » Nguyễn Đình Thi » Đất nước

15.00
Ở chương Đất nước (trích trường ca Mặt đường khát vọng), khi hình dung về đất nước, Nguyễn Khoa Điềm thường dựa vào hai bình diện, hai hình ảnh chính là Đất và Nước (Đất là nơi anh đến trường - Nước là nơi em tắm... Đất là nơi “con chim phượng hoàng bay về hòn núi bạc” - Nước là nơi “con cá ngư ông móng nước biển khơi...” - Đất là nơi Chim về - Nước là nơi Rồng ở). Trong khi đó, hai bình diện chính, hai hệ thống hình ảnh chính mà Nguyễn Đình Thi lấy làm điểm tựa để hình dung về một đất nước toàn vẹn, lại là Đất và Trời (Đất nước đổi đời: Gió thổi rừng tre phấp phới - Trời thu thay áo mới...; Đất nước giành lại chủ quyền: Trời xanh đây là của chúng ta - Núi rừng đây là của chúng ta...; Đất nước đau thương: Ôi những cánh đồng quê chảy máu - Dây thép gai đâm nát trời chiều...). Ở đây cũng thế, hình ảnh đất nước Việt Nam vùng lên được nhìn nhận ở cả hai phía: Bầu trời và Mặt đất:
Súng nổ rung trời giận dữ
Người lên như nước vỡ bờ
Cả hai hợp lại thành một Tổ quốc Việt Nam tràn đầy hào khí.

Nguyễn Đình Thi đã dụng công trong việc tiết chế ngòi bút, dồn khí lực vào bên trong để cuối cùng bùng lên thành sự công phá. Tương ứng với điều này là hình tượng một nước Việt Nam nung nấu đau thương, tích tụ căm hờn, âm thầm biến tất cả thành sức mạnh để cuối cùng quật khởi vùng lên. Ban đầu là cái nấu nung bên trong phát lộ ra thành nỗi bồn chồn: Những đêm dài hành quân nung nấu - Bỗng bồn chồn nhớ mắt người yêu. Nó bật lên thành tiếng: Từ gốc lúa bờ tre hồn hậu - Đã bật lên những tiếng căm hờn. Rồi nó phát lộ ra thành tiếng kèn gọi quân: Kèn gọi quân văng vẳng cánh đồng, nó hiện ra trong vầng trán cháy rực: Trán cháy rực nghĩ trời đất mới... Đó là quá trình chuyển hoá kì diệu bên trong của sức sống dân tộc, quá trình những người áo vải hoá thành những anh hùng: ôm đất nước những người áo vải - Đã đứng lên thành những anh hùng. Nhưng tất cả những điều đó chỉ nhằm vào cái đích cuối cùng là quật cường đồng khởi. Bốn câu cuối cùng này là đỉnh điểm của cảm xúc thơ, cũng là những nét vẽ cuối cùng hoàn tất hình tượng đất nước. [...]

Bức tranh hoành tráng sử thi về đất nước được vẽ bằng những nét bút lớn, đầy tính khái quát, tượng trưng: Súng nổ rung trời giận dữ. Lời thơ cũng đạt đến một độ hàm súc cao. Hai chữ giận dữ khiến cho ý thơ thật đa nghĩa. Bởi nó có tới hai chủ từ. Đó là tiếng súng giận dữ của con người hay bầu trời cũng đang nổi giận với ké thù? Có lẽ là cả hai: Tội ác của chúng gieo rắc bao năm khiến cho trời không dung đất không tha. [...]

Trên cái phông nền ấy, hình tượng đất nước hiện lên như một thực thể vừa kì ảo vừa kì vĩ:
Nước Việt Nam từ máu lửa
Rũ bùn đứng dậy sáng loà.[...]
Bài thơ mở đầu bằng hương cốm hiền hoà trong những sáng thu muôn thuở để rồi kết thúc bằng hình ảnh quật cường, vừa dữ dội vừa oai hùng. Chỉ riêng điều đó đủ cho ta thấy sức sống kì diệu đã biến một nước Việt Nam hiền hoà thành một nước Việt Nam bất khuất. Khổ thơ kết này chính là cái thời điểm chót cùng của cuộc hoá thân màu nhiệm đó.
(Chu Văn Sơn, Thơ, điệu hồn và cấu trúc, NXB Giáo dục, 2007)