Vũ Khoan

Việt Nam / Lớp 9

Tác giả

Vũ Khoan (sinh năm 1937) là một chính trị gia và là nhà ngoại giao Việt Nam, từng giữ chức vụ Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Thủ tướng phụ trách Kinh tế đối ngoại Việt Nam từ tháng 8 năm 2002 đến cuối tháng 6 năm 2006. Ông được nhiều người cho là có nhiều đóng góp tích cực trong quá trình đàm phán Hiệp định Thương mại Việt-Mỹ và quá trình gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) của Việt Nam. Ông sinh ngày 7 tháng 10 năm 1937, quê ở huyện Phú Xuyên, Hà Tây (nay thuộc thành phố Hà Nội).

Khi quân Pháp nổ súng tái chiếm Đông Dương, ông làm liên lạc viên cho chính phủ Việt Minh. Năm 1949, ông được đưa về Việt Bắc, theo học tại Trường Thiếu sinh quân Việt Nam. Năm 1951, ông được Chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hoà lựa chọn và sang học tại Dục tài học hiệu Nam Ninh (còn gọi là trường Thiếu nhi Việt Nam tại Quảng Tây, Trung Quốc). Cuối năm 1954, khi chưa học xong lớp 7, ông được cử sang Liên Xô học tiếng Nga, học được 9 tháng thì được điều ra Đại sứ quán làm phiên dịch. Tham gia vào ngành ngoại giao từ năm 1956, khởi đầu từ vị trí phiên dịch, đồng thời theo học bổ túc tại Trường Sư phạm Leningrad; giữa năm 1961, ông được cử theo học tại Trường Đại học Quan hệ Quốc tế Matxcơva (MGIMO), ngành Kinh tế Quốc tế. Ông được kết nạp Đảng Lao động Việt Nam ngày 19 tháng 12 năm 1961 và trở thành đảng viên chính thức ngày 19 tháng 8 năm 1962.

Tuy nhiên, năm 1964, khi chưa tốt nghiệp, ông được điều về nước, công tác ở Bộ Ngoại giao làm các công tác nghiên cứu chiến lược đối ngoại, kinh tế quốc tế, tổ chức. Ông 4 lần làm việc tại Đại sứ quán Việt Nam tại Liên Xô, đã từng tháp tùng Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm hữu nghị và làm việc tại Liên Xô (cũ), từng làm phiên dịch tiếng Nga cho các lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam như Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng khi làm việc với lãnh đạo Liên Xô như Leonid Brezhnev, Nikolai Podgorny, Alexey Kosygin... Ông có mặt trong buổi Ký Hiệp ước Hoà bình, hợp tác giữa Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Liên Xô tại Điện Kremli năm 1979. Ông lần lượt giữ các chức vụ: Tuỳ viên, Bí thư thứ Ba, Bí thư thứ Nhất, Tham tán, Tham tán Công sứ Đại sứ quán Việt Nam tại Liên Xô cho đến năm 1982.

Từ năm 1982, ông được rút về nước, lần lượt giữ các chức vụ Phó Vụ trưởng, rồi Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Kinh tế, rồi Trợ lý Bộ trưởng Phụ trách về các vấn đề luật pháp, kinh tế và lãnh sự. Năm 1990, ông được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, năm 1998, được phân công làm Thứ trưởng Thứ nhất Phụ trách Quan hệ với các nước ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, quan hệ với ASEAN, ASEM, APEC, công tác nghiên cứu, hợp tác kinh tế, lãnh sự, pháp luật, báo chí, đào tạo. Năm 2000, ông được Chủ tịch nước phong hàm Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền.

Ngày 28 tháng 1 năm 2000, ông được phê chuẩn bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Thương mại trong Chính phủ Việt Nam, kế nhiệm cho ông Trương Đình Tuyển chuyển sang làm Trưởng phái đoàn đàm phán gia nhập WTO của Việt Nam. Ngày 8 tháng 8 năm 2002, ông được phê chuẩn bổ nhiệm Phó Thủ tướng, được phân công Phụ trách Kinh tế đối ngoại, Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia về APEC. Trên cương vị của mình, ông được nhiều người cho là có nhiều đóng góp tích cực trong quá trình đàm phán Hiệp định Thương mại Việt-Mỹ và quá trình gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) của Việt Nam.

Ngày 27 tháng 6 năm 2006, ông được Quốc hội phê chuẩn miễn nhiệm chức vụ Phó Thủ tướng vì lý do sức khoẻ. Sau khi thôi chức Phó Thủ tướng, ông được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cử làm Đặc phái viên của Thủ tướng về đối ngoại, Tổng Chỉ huy các hoạt động Tuần lễ cấp cao APEC 2006 Hà Nội cuối năm 2006. Ông được bầu làm Uỷ viên Trung ương Đảng từ khoá VII đến khoá IX (1991-2006), Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khoá IX. Ông cũng được bầu làm Đại biểu Quốc hội các khoá X, XI.

Năm 2007, ông nghỉ hưu tại Hà Nội.