Vì sao trong “Ba cống hiến vĩ đại của Các Mác”, Ăng-ghen lại nói rằng, người bạn thân thiết và vĩ đại của mình là “người bị căm ghét nhiều nhất và bị vu khống nhiều nhất trong thời đại ông”? Cách nói của Ăng-ghen gợi cho em những suy nghĩ gì về giá trị của một con người chân chính?

Đức / Lớp 11 » Friedrich Engels » Ba cống hiến vĩ đại của Các Mác

Chưa có đánh giá nào
Dàn ý:

1. Mở bài

Giới thiệu: giá trị của một con người chân chính.

2. Thân bài

a. Thế nào là người chân chính?
- Chân chính có nghĩa là: chân thật, chính trực, không giả dối, không gian tà, thấy phải thì khen phải, thấy trái thì chê trái...
- Người chân chính là người luôn biết sống đúng với thực chất và phù hợp với những giá trị xã hội.

b. Các Mác có đúng là một người chân chính?
- Ông là nhà triết học và lí luận chính trị vĩ đại người Đức, là lãnh tụ thiên tài của giai cấp công nhân và nhân dân lao động trên toàn thế giới.
- Ba cống hiến vĩ đại của Các Mác.

c. Vì sao Ăng-ghen lại nói rằng, người bạn thân thiết và vĩ đại của mình là “người bị căm ghét nhiều nhất và bị vu khống nhiều nhất trong thời đại ông”?
- Bởi lẽ trước hết Các Mác là một nhà cách mạng...
- Người chân chính ngày xưa cũng bị như vậy: Khổng Tử...
- Nguyễn Du của Việt Nam chúng ta là một thiên tài văn học...

d. Chúng ta có suy nghĩ gì về giá trị của một con người chân chính?
- Dũng cảm nhận ra những yếu kém của mình để cố gắng sửa đổi, cố gắng tốt hơn...
- Dù ai cầm dao doạ giết cũng không nói ghét thành yêu”.

3. Kết bài

Đánh giá chung: giá trị của một con người chân chính.

Bài làm:
Ăng-ghen (1820-1895) sinh tại Bác-men (Đức), ông là nhà triết học, lí luận chính trị xuất sắc; là nhà hoạt động cách mạng của phong trào Quốc tế cộng sản, người bạn chiến đấu thân thiết của Các Mác. Ăng-ghen đã cùng Các Mác soạn thảo Tuyên ngôn Đảng Cộng sản (1848). Văn bản Ba cống hiến vĩ đại của Các Mác là bài điếu văn của Ăng-ghen đọc trước mộ Mác, được sáng tác vào tháng 3/1883, sau khi Các Mác qua đời. Trong văn bản này, Ăng-ghen nói rằng người bạn thân thiết và vĩ đại của mình là “người bị căm ghét nhiều nhất và bị vu khống nhiều nhất trong thời đại ông”? Cách nói của Ăng-ghen gợi ra cho chúng ta nhiều suy nghĩ về giá trị của một con người chân chính.

Thế nào là chân chính? Chân chính theo nghĩa Hán Việt là chân thật chính trực, nghĩa là không giả dối, không gian tà, thay phải thì khen phải thấy trái thì chê trái... Từ “chân chính” tự nó đã hàm ý một cái gì thuộc về chân – thiện – mĩ. Vậy thế nào là người chân chính? Người chân chính là người có những suy nghĩ và việc làm nghiêm túc, có đạo đức, có mục tiêu tốt đẹp theo đúng chuẩn mực của xã hội; đạt đến thành công bằng chính năng lực của mình. Người chân chính là người bao giờ cũng đặt lợi ích của cộng đồng lên trên lợi ích cá nhân. Họ chính là người làm nên bộ mặt thật, đời sống thật, góp phần xây dựng xã hội từ các thành tựu của họ, và trước hết họ góp phần quan trọng vào việc xây dựng nền tảng đạo đức của xã hội. Người chân chính là người luôn biết sống đúng với thực chất và phù hợp với những giá trị xã hội. Theo Clarence Darrow: “Một con người chân chính phải biết theo đuổi điều tốt, điều đúng, chống lại cái xấu, cái sai”.

Như thế, Các Mác đúng là một nguời chân chính. Ông là nhà triết học và lí luận chính trị vĩ đại người Đức, là lãnh tụ thiên tài của giai cấp công nhân và nhân dân lao động trên toàn thế giới. Ông sáng tạo chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử, xây dựng học thuyết kinh tế mác xít, chủ nghĩa xã hội khoa học. Học thuyết của ông là vũ khí lí luận và hành động của giai cấp công nhân trong cuộc đấu tranh chống ách thống trị tư sản. Các Mác là một thiên tài tư tưởng mà năng lực trí tuệ của ông xứng đáng được coi là trí tuệ của một người khổng lồ thời đại ông sống. Tư tưởng và sự nghiệp của Các Mác đã vượt qua mọi thử thách của thời gian, được nhiều thế hệ nhắc đến với tất cả sự khâm phục, ngưỡng mộ và tôn vinh.

Ăng-ghen nhắc đến Các Mác với tất cả sự khâm phục, đó là “Ba cống hiến vĩ đại của Các Mác”. Vậy ba cống hiến vĩ đại đó là gì? Thứ nhất, Các Mác là người tìm ra quy luật phát triển của lịch sử loài người qua các thời kì lịch sử, mà bản chất của quy luật đó là cơ sở hạ tầng quyết định kiến trúc thượng tầng của xã hội. Thứ hai, Các Mác đã tìm ra quy luật vận động riêng của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa và của xã hội tư sản do phương thức đó đẻ ra. Đó là quy luật về giá trị thặng dư. Thứ ba, Các Mác đã kết hợp giữa lí luận và thực tiễn, biến các lí thuyết cách mạng khoa học thành hành động cách mạng.Với những cống hiến đó, Các Mác đã trở thành một nhà khoa học, một nhà cách mạng lỗi lạc và là người tiên phong trong sự nghiệp giải phóng giai cấp vô sản hiện đại.Ngoài ra, ông còn là người sáng lập ra Hội Liên hiệp Công nhân quốc tế. Nhờ những cống hiến và đóng góp đó, Các Mác đa trở thành “nhà tư tưởng vĩ đại nhất trong các nhà tư tưởng hiện đại.

Nhưng vì sao Ăng-ghen lại nói rằng, người bạn thân thiết và vĩ đại của mình là “người bị căm ghét nhiều nhất và bị vu khống nhiều nhất trong thời đại ông”? Bởi lẽ trước hết, Các Mác là một nhà cách mạng. Bằng cách y hay cách khác, ông tham gia vào việc lật đổ xã hội tư sản và các thiết nhà nước do nó dựng nên. Ông tham gia vào sự nghiệp giải phóng giai cấp vô sản hiện đại mà ông là người đầu tiên đem đến cho giai cấp ấy ý thức về địa vị và yêu cầu của mình, ý thức về điều kiện để tự giải phóng, đó thật sự là sứ mệnh thiết thân của cuộc đời ông.Đấu tranh là hành động tự nhiên của Mác. Mác đã đấu tranh một cách say sưa, kiên cường và có kết quả: dẫn đến sự xuất hiện Hội Liên hiệp Công nhân quốc tế vĩ đại. Tóm lại, Các Mác là “người bị căm ghét nhiều nhất và bị vu khống nhiều nhất trong thời đại ông” vì Các Mác là một người chân chính, một người biết theo đuổi điều tốt, điều đúng, chống lại cái xấu, cái sai.

Trường hợp của Các Mác không phải là duy nhất. Người chân chính thời xưa cũng bị như vậy. Khổng Tử, còn gọi là Khổng Phu Tử, là một nhà tư tưởng, nhà triết học xã hội nổi tiếng người Trung Hoa. Người Trung Hoa đời sau đã tôn ông là “Vạn thế sư biểu” (Bậc thầy của muôn đời). Cuộc đời của Khổng Tử là cuộc đời của một nhà giáo dục chân chính, một bậc thầy vĩ đại không phải chỉ riêng ở Trung Hoa mà còn của cả thế giới. Tuy nhiên, vì Ngài là người hết mực đạo đức, chỉ muốn đem Vương đạo ra thi thố trên đời, cho nên chính sách cai trị của Ngài tuy có lợi cho nhân dân vẫn bị các vua nước Vệ, Khuông, Trần, Tông, Thái, Sở từ chối. Trong thời Đông Chu, chiến tranh liên miên, các nước chư hầu loạn lạc, dân chúng phiêu bạt điêu linh, lầm than đói khổ... Thầy trò Khổng Tử cũng lâm vào cảnh rau cháo cầm hơi và cũng có nhiều ngày phải nhịn đói, nhịn khát. Có lần đi qua đất Khuông, Ngài còn bị người ta bắt giam... Rốt cuộc, sau 14 năm đi chu du các nước không thành công, Ngài phải trở về nước Lỗ. Nên khi viết Kinh Xuân Thu, Khổng Tử nói:
“Tri ngã giả kì duy Xuân Thu hồ, tội ngã giả kì duy Xuân Thu hồ”
(Người biết ta cũng chỉ ở Kinh Xuân Thu, người trách tội ta cũng chỉ ở Kinh Xuân Thu).
Nhà thơ Nguyễn Du của Việt Nam là một thiên tài văn học, một nhà nhân đạo chủ nghĩa, đặc biệt là danh nhân văn hoá thế giới. Đại thi hào đã viết nên một tuyệt tác, đó là Truyện Kiều. Nhưng tác phẩm của ông lai bị xã hội phong kiến lên án:
Đàn ông chớ kể Phan Trần,
Đàn bà chớ kể Thuý Vân, Thuý Kiều
Vậy chúng ta có suy nghĩ gì về giá trị của một con người chân chính?

Làm người chân chính là điều hiển nhiên ai cũng muốn. Nhưng nói thì dễ, thực hành là một chuyện khác vì giữ cho mình sự chính trực thật khó biết bao! Trong đời, có những hoàn cảnh làm chúng ta chao đảo và sinh ra những suy nghĩ, việc làm “bất chính”. Song chẳng lẽ vì lí do đó mà chúng ta lại lãng quên “chân chính” sao? Hãy nhìn lại mình, hãy tư vấn lương tâm mình? Làm người chân chính thật khó, nhưng nếu chúng ta nhận thức được rằng, mình đang cố gắng nhưng chưa sống trọn vẹn ý nghĩa của hai từ chân chính cao quý ấy được, thì ít ra cũng là người chân chính rồi, vì chúng ta đã dũng cảm nhận ra những yếu kém của mình để cố gắng sửa đổi, cố gắng tốt hơn. Những câu thơ trong bài Lời mẹ dặn của Phùng Quán viết cách đây hơn năm mươi năm đọc lại vẫn còn thấy thấm thía:
Khi vui muốn cười cứ cười
Khi buồn muốn khóc là khóc.
Yêu ai cứ bảo là yêu,
Ghét ai cứ bảo là ghét,
Dù ai ngon ngọt nuông chiều
Cũng không nói yêu thành ghét
Dù ai cầm dao doạ giết
Cũng không nói ghét thành yêu
Tóm lại, Các Mác tuy là “người bị căm ghét nhiều nhất và bị vu khống nhiều nhất”, nhưng ông vẫn là tấm gương sáng về một người chân chính vì Các Mác là người thầy vĩ đại của toàn thể giai cấp vô sản, toàn thể loài người tiến bộ nói chung. Tư tưởng, lí luận và chủ nghĩa Mác là một kho tàng vô giá, mãi mãi cần được khám phá, hiểu biết, vận dụng và phát triển. Các Mác xứng đáng là một nhà cách mạng chân chính, như Bác Hồ từng phát biểu trong Sửa đổi lối làm việc: “Người đảng viên, người cán bộ tốt muốn trở nên người cách mạng chân chính, không có gì là khó cả. Điều đó hoàn toàn do lòng mình mà ra. Lòng mình chỉ biết vì Đảng, vì Tổ quốc, vì đồng bào thì mình sẽ tiến đến chỗ chí công vô tư. Mình đã chí công vô tư thì khuyết điểm sẽ ngày càng ít, mà những tính tốt sẽ ngày càng thêm...”