Vè nói ngược: Ðằng sau vẻ “phi lý” là một khát vọng...

Việt Nam / Lớp 7 » Khuyết danh Việt Nam » Ca dao, dân ca: Những câu hát châm biếm
Việt Nam / Lớp 10 » Khuyết danh Việt Nam » Ca dao hài hước

11.00
Trong kho tàng ca dao người Việt, những bài ca dao nói ngược chiếm số lượng không nhiều, nhưng chính vì nghệ thuật thể hiện đặc biệt là những ẩn ý nghệ thuật tinh tế khiến tác phẩm nhanh chóng đến được với người nghe, người xem. Bài Bước sang tháng sáu giá chân được tuyển chọn trong sách giáo khoa Văn lớp 7 là một trong những bài như thế.

Cái đặc sắc của những bài ca dao này là nghệ thuật nói ngược. Qua lăng kính hài hước của tác giả dân gian, trật tự thế giới bị đảo lộn, bản chất và hành động của những cặp đôi sự vật được hoán đổi cho nhau theo kiểu “râu ông nọ cắm cằm bà kia”, tạo nên những hình ảnh ngộ nghĩnh. Dù biết rằng đó là sự phi lý, người ta vẫn đọc, vẫn nghe và không nhịn được cười trước những hình ảnh:
Con chuột kéo cày lồi lồi
Con trâu bốc gạo vào ngồi cong cong...
Voi kia nằm ở gậm giường
Cóc đi đánh giặc bốn phương nhọc nhằn...
Sự ngộ nghĩnh của hình tượng và sự hài hước của tác giả dân gian đã gây được tiếng cười sảng khoái cho người nghe, người xem. Nụ cười bằng mười thang thuốc bổ - đó là mục đích cũng như giá trị đầu tiên của bài ca dao này.

Tuy nhiên, nếu chỉ hiểu ý nghĩa của bài ca dao là để khôi hài giải trí hay làm bài học cho trẻ em không thôi thì e rằng chưa hiểu hết ẩn ý của tác giả dân gian. Tiếng cười làm cho người ta nhanh chóng đến với tác phẩm, còn tính chất ngụ ngôn tinh tế mới là yếu tố đem lại cho người đọc, người nghe những điều thú vị về cuộc sống con người ẩn chứa đằng sau những hình ảnh các con vật và những sự “ngược đời” của chúng. Bài ca dao như một bức tranh ẩn dụ sinh động về cuộc sống lao động của một làng quê xưa, trong đó có những công việc thường ngày của những người nông dân: cày bừa, thả rau, trồng dưa, nuôi lợn... Những con vật cũng phần lớn gần gũi với nhà nông: trâu, bò, gà, lợn, vịt, ếch, chuột... Ở một tầng bậc sâu hơn, bài ca dao còn ngầm phản ánh quan hệ xã hội. Không phải ngẫu nhiên mà ở đây, những con vật nhỏ yếu như chuột, vịt, cóc, chích choè (trong một bản khác) phải “kéo cày”, phải “đi bừa”, đi “đánh giặc”... một cách “nhọc nhằn” trong khi những con vật to khoẻ như trâu, bò, voi, hổ chỉ ăn no, tắm mát và hưởng thụ. Số phận những con vật nhỏ yếu bị ức hiếp, bị “cướp ngày” kia mang bóng dáng của những người dân thấp cổ bé họng, một nắng hai sương những ngày xưa. Còn những “trâu bốc gạo”, “bò tắm trưa”, “voi nằm ở gậm giường” phải chăng là những hình ảnh ẩn dụ của những kẻ bóc lột trên đầu, trên cổ người dân.

Nếu như nửa trên bài ca dao là 6 cặp đôi đối ngược nhau về bản chất nhưng vẫn cùng tồn tại, thì nửa sau (từ câu “Bao giờ cho đến... biết đâu mà tìm”) trong mỗi dòng đã có một cặp đối ngược nhau mang tính đối kháng, loại trừ (ếch - rắn, hùm - lợn, chim chích - diều hâu, gà con - quạ...). Tính đối ngược không còn đi song đôi hai câu một như 12 dòng trên mà đã đối kháng bằng hành động trong từng câu. Ngay cả câu “Bao giờ cho đến tháng ba”... cũng đã ẩn chứa điều đó. Người ta thường mong “Bao giờ cho đến tháng 10” (tháng ngày mùa, no đủ) chẳng ai mong đến tháng ba (những ngày giáp hạt đói kém)... Những điều này có phải chỉ để gây cười không thôi?. Phải chăng, đến một tháng ba cùng cực nào đó, khi mâu thuẫn đối kháng đã phát triển đến mức loại trừ nhau thì những sự vật “nhỏ yếu” sẽ đồng loạt đứng lên “nổi can qua” để dành quyền tồn tại cho mình. Chuyện “ếch cắn cổ rắn”, “gà con tha quạ”... cũng như chuyện châu chấu đá xe, trong tự nhiên chỉ là chuyện “nực cười”, thế nhưng nếu là ẩn ý về mối quan hệ trong cuộc sống con người thì không phải là không có ý nghĩa. Như vậy, đằng sau cái vẻ “vô lý” gây cười là khát vọng thay đổi một xã hội bất công và ý thức đấu tranh để một ngày đứng lên lật đổ nó. Đó có lẽ chính là điều mà tác giả dân gian muốn thể hiện.

Các bài ca dao ngược nói chung đều miêu tả sự ngược đời, phi lý của sự vật để gây cười và đó là điều thấy rõ. Còn ẩn ký xã hội đằng sau những hình ảnh ngộ nghĩnh và tiếng cười thì chỉ có thể cảm nhận mà thôi. Dẫu sao đây cũng là một cách hiểu, xin được lắng nghe ý kiến của mọi người.
Hoàng Sơn, 4/2000