Võ thái phi (trích “Vũ trung tuỳ bút”)

Việt Nam / Lớp 9 » Phạm Đình Hổ

15.00

Nội dung

Hồi loạn năm Canh Thân, Tân Dậu (tức năm 1740, 1741), tỉnh Hải Dương ta chịu hại về binh đao đến mười tám năm, ruộng đất hầu thành rừng rậm. Giống gấu chó, lợn lòi sinh tụ đầy cả ngoài đồng. Những người dân sống sót phải đi bóc vỏ cây, bắt chuột mà ăn. Mỗi một mẫu ruộng chỉ bán được một cái bánh nướng. Tổng Minh Luân ta có một bà cụ goá mà giàu, người làng bầu cụ làm hậu thần. Vì tiền của bà cụ chất như núi, nên tục gọi là “bà Hậu Núi”. Gặp năm mất mùa, nhà hết cả thóc ăn, bà mang năm bao bạc đi đổi thóc không được, phải chết đói bên xóm chùa Bình Đê.

Bấy giờ làng ta bỏ hoang rậm rạp ngập mắt. Đến khi loạn lạc đã yên, người làng mới từ chốn kinh đô lục tục kéo về, chặt tranh phá cỏ, đi tìm nhận lấy nền nhà cũ, thu nhặt những xương tàn đem chôn. Nay ở phía Nam đầu làng vẫn còn có một khu nghĩa trang, hằng năm cứ đến rằm tháng bảy, người làng đem cỗ bàn ra cúng viếng.

Các cụ nhà nho làng ta ngày xưa, như ông nho sinh Phạm Diên Bá, thường nói chuyện với ta rằng: Đương lúc loạn lạc, ông đi đường về tỉnh Đông, có vào nghỉ nhà hàng cơm bên đường, thấy mùi thịt rất tanh, trên mặt nước bát canh thịt nổi sao lên như hình bán nguyệt. Hỏi người hàng cơm thì học nói đó là thịt lợn lòi. Khi ăn đến nửa chừng thấy có con rận chết trên mặt bát mới biết là thịt người, vội vàng chạy ra móc cổ thổ ra. Ôi! Đời xưa bảo rằng “thú ăn thịt người” cũng chưa đến nỗi quá tệ như thế!
Nguồn: Phạm Đình Hổ, Vũ trung tuỳ bút, bản dịch của Đông Châu Nguyễn Hữu Tiến, NXB Văn học, Hà Nội, 1972