Thu điếu Câu cá mùa thu

Việt Nam / Lớp 11 » Nguyễn Khuyến

Nội dung

Ao thu lạnh lẽo nước trong veo,
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo.
Sóng biếc theo làn hơi gợn tí,
Lá vàng[1] trước gió khẽ đưa vèo.
Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt,
Ngõ trúc[2] quanh co khách vắng teo.
Tựa gối buông cần[3] lâu chẳng được,
Cá đâu đớp động dưới chân bèo.
[1] Các bản Quế Sơn thi tập (A.469), Quế Sơn Tam nguyên thi tập (A.3160) chép là “Lá khô”.
[2] Bản trong Nam âm thảo (VHv.2381) chép là “Lối ngõ”.
[3] Bản trong Quốc văn tùng ký (AB.383) chép là “ôm cầm”.
Câu cá mùa thu nằm trong chùm ba bài thơ thu của Nguyễn Khuyến. Theo Xuân Diệu, “Nguyễn Khuyến nổi tiếng nhất trong văn học Việt Nam là về thơ Nôm. Mà trong thơ Nôm của Nguyễn Khuyến, nức danh nhất là ba bài thơ mùa thu: Thu điếu, Thu ẩm, Thu vịnh”.

Bài thơ Câu cá mùa thu thể hiện sự cảm nhận và nghệ thuật gợi tả tinh tế của Nguyễn Khuyến về cảnh sắc mùa thu đồng bằng Bắc Bộ, đồng thời cho thấy tình yêu thiên nhiên, đất nước, tâm trạng thời thế và tài thơ Nôm của tác giả.

Rút từ Quốc văn tùng ký (AB.383), Nam âm thảo (VHv.2381), Quế Sơn thi tập (A.469), Quế Sơn Tam nguyên thi tập (A.3160). Tiêu đề trong Nam âm thảo chép là Mùa thu ngồi mát câu cá, trong Quế Sơn Tam nguyên thi tập chép là Thu dạ điếu đĩnh 秋夜釣艇 (Thuyền câu đêm thu).

Nguồn:
1. Thơ văn Nguyễn Khuyến, NXB Văn học, 1971 (tái bản 1979)
2. Nguyễn Khuyến – Tác phẩm, Nguyễn Văn Huyền chủ biên, NXB Khoa học xã hội, 1984
3. Thi hào Nguyễn Khuyến: đời và thơ, Nguyễn Huệ Chi chủ biên, NXB Giáo dục, 1994