Tự tình (bài I)

Việt Nam / Lớp 11 » Hồ Xuân Hương

Nội dung

Tiếng gà văng vẳng gáy trên bom[1],
Oán hận trông ra khắp mọi chòm.
[2] thảm không khua mà cũng cốc,
Chuông[3] sầu chẳng đánh cớ sao om?
Trước nghe những tiếng thêm rền rĩ,
Sau giận vì duyên để mõm mòm.
Tài tử văn nhân ai đó tá?
Thân này đâu đã chịu già tom[4]!
[1] Các sách quốc ngữ đều ghi là “bom” và hiểu là phía sau con thuyền. Chúng tôi đã trao đổi với GS Vương Lộc, một chuyên gia hàng đầu về ngữ âm lịch sử tiếng Việt, thì được ông cho biết, khi biên soạn cuốn Từ điển từ cổ, 2001, ông đã tuỳ tiện theo ai đó mà ghi tạm: "Phần phía sau của con thuyền, nơi người ta nuôi gà nhốt trong bu". Thế là lấy ý trong câu thơ của HXH - Tiếng gà xao xác gáy trên bom - để giải nghĩa từ "bom". Nhân tiện GS Vương Lộc đã nhờ tôi đính chính lại mục từ này là “vòm” - là cái nhà canh trên mặt thành.
[2, 3] Mõ và chuông dùng trong nhà chùa có tác dụng làm nguôi dịu lòng người. Ở đây nhà thơ vận dụng khác. Mõ thảm, chuông sầu: tiếng lòng sầu thảm trong đêm khuya vắng lặng không khua không đánh mà vẫn vang lên dữ dội những âm thanh khô khốc, ầm ĩ, cốc như mõ và om như chuông.
[4] Như già nhom, chỉ già nua, gầy nhom.
Khảo dị:

Bản khắc 1921
Tiếng gà xao xác gáy trên vòm
Oán hận trông ra khắp mọi chòm
Mõ thảm không khua mà cũng cốc
Chuông sầu chẳng đánh cớ sao om
Trước nghe những tiếng thêm rầu rĩ
Sau hận vì duyên để mõm mòm
Tài tử văn nhân ai đó tá
Thân này đâu đã chịu già tom

Bản Quốc văn tùng ký
Tựa đề: Tự than mình
Câu 1: Tiếng gà văng vẳng gáy trên hom
Câu 2: Oán hận trông ra khắp một chòm
Câu 6: Sau giận vì duyên để mõm mòm
Câu 8: Thân này đâu dễ chịu già tom

Bản Xuân Hương thi sao
Tựa đề: Tự thuật
Câu 1: Tiếng điêu văng vẳng gáy trên vòm
Câu 4: Trống sầu chẳng đánh cũng nên tòm
Câu 5: Trước kia vẫn tưởng rằng tình thực
Câu 6: Sau ngẫm thì ra mắc tiếng bom
Câu 7: Quân tử ví dầu không ngó đến
Câu 8: Thân này chắc hẳn đến già nhom


Nguồn:
1. Thơ Hồ Xuân Hương, NXB Văn học, Hà Nội, 1987
2. Kiều Thu Hoạch, Thơ nôm Hồ Xuân Hương, NXB Văn học, 2008