Tục ngữ về thiên nhiên và lao động sản xuất

Việt Nam / Lớp 7 » Khuyết danh Việt Nam

23.00

Nội dung

1. Đêm tháng năm chưa nằm đã sáng,
Ngày tháng mười chưa cười đã tối.[1]

2. Mau[2] sao thì nắng, vắng sao thì mưa.

3. Ráng mỡ gà[3], có nhà thì giữ.

4. Tháng bảy kiến bò[4], chỉ lo lại lụt.

5. Tấc đất tấc vàng.

6. Nhất canh trì, nhị canh viên, tam canh điền[5].

7. Nhất nước, nhì phân, tam cần[6], tứ giống.

8. Nhất thì, nhì thục[7].


Đọc thêm:

- Trăng quầng[8] thì hạn, trăng tán[9] thì mưa.

- Mống[10] đông vồng[11] tây, chẳng mưa dây cũng bão giật.

- Mưa tháng ba hoa đất,

- Mưa tháng tư hư đất.

- Tháng hai trồng cà, tháng ba trồng đỗ.

- Người đẹp vì lụa, lúa tốt vì phân.

- Nuôi lợn ăn cơm nằm, nuôi tằm ăn cơm đứng.

- Tôm đi chạng vạng, cá đi rạng đông.
[1] Vào tháng năm (âm lịch) ngày dài đêm ngắn; còn vào tháng mười (âm lịch) thì ngược lại, ngày ngắn đêm dài.
[2] Mau: trái nghĩa với thưa; ở đây có nghĩa là nhiều, dày.
[3] Ráng: sắc màu (vàng, trắng hoặc đỏ) phía chân trời do ánh mặt trời chiếu vào mây. Ráng mỡ gà: ráng có sắc vàng, màu tựa màu mỡ gà. Khi chân trời có ráng vàng là sắp có dông bão.
[4] Kiến bò lên cao vào tháng bảy (âm lịch) là hiện tượng báo sắp có lụt.
[5] Thứ nhất đào ao (nuôi cá), thứ nhì làm vườn, thứ ba làm ruộng.
[6] Cần: chăm chỉ, chịu khó.
[7] Thì: ở đây là thời vụ thích hợp nhất cho việc trồng trọt; mùa nào trồng cây ấy lúc thời tiết thích hợp. Thục: cày đi bừa lại để có đất tốt, thuận cho sự phát triển của các loại cây trồng.
[8] Quầng: vầng sáng bao quanh Mặt Trăng.
[9] Tán: vòng sáng bao quanh Mặt Trăng, tách biệt rõ nét với Mặt Trăng hơn quầng.
[10] Mống: đoạn cầu vồng phía chân trời.
[11] Vồng: cầu vồng.