Tục ngữ về con người và xã hội

Việt Nam / Lớp 7 » Khuyết danh Việt Nam

33.33

Nội dung

1. Một mặt người bằng mười mặt của[1].

2. Cái răng, cái tóc là góc con người.

3. Đói cho sạch, rách cho thơm.

4. Học ăn, học nói, học gói, học mở.

5. Không thầy đố mày làm nên.

6. Học thầy không tày[2] học bạn

7. Thương người như thể thương thân.

8. Ăn quả nhớ kẻ trồng cây.

9. Một cây làm chẳng nên non
Ba cây chụm lại nên hòn núi cao.

Đọc thêm:

TỤC NGỮ VIỆT NAM

- Người ta là hoa đất.

- Người sống, đống vàng.

- Muốn lành nghề, chớ nề học hỏi[3].

- Có công mài sắt, có ngày nên kim.

- Chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo[4].

- Chết trong hơn sống đục[5].

TỤC NGỮ NƯỚC NGOÀI

- Không một chiếc gối nào hơn một lương tâm trong sáng.
(Tục ngữ Pháp)

- Thà từ chối bảy lần chứ không được sai lời hứa một lần.
(Tục ngữ Tây Ban Nha)

- Đừng xấu hổ khi không biết, chỉ xấu hổ khi không học.
(Tục ngữ Nga)

- Một lời nói ra, ngựa giỏi đuổi không kịp.
(Tục ngữ Trung Quốc)

- Mất tiền là mất nhỏ, mất danh dự là mất lớn, mất can đảm là mất hết.
(Tục ngữ Đức)
[1] Mặt người: chỉ con người (hoán dụ); mặt của: chỉ của cải, đây là cách nói để sự so sánh thêm sinh động.
[2] Không tày: không bằng.
[3] Lành nghề: thạo, giỏi nghề; chớ nề: không ngại (nề: quản ngại).
[4] Sóng cả: sóng lớn (cả: lớn), chỉ sự khó khăn; ngã: ở đây là nản lòng, buông xuôi.
[5] Chết trong: chết trong danh dự; sống đục: sống hèn hạ, nhục nhã.