Tổng kết phần tiếng Việt: hoạt động giao tiếp bằng ngôn ngữ

Lớp 12

Chưa có đánh giá nào

Nội dung

KẾT QUẢ CẦN ĐẠT

- Hệ thống hoá được những kiến thức cơ bản về hoạt động giao tiếp bằng ngôn ngữ đã học trong chương trình Ngữ văn từ lớp 10 đến lớp 12.
- Nâng cao thêm năng lực giao tiếp bằng tiếng Việt ở cả hai quá trình: tạo lập và lĩnh hội văn bản.

I. NỘI DUNG CƠ BẢN CẦN NẮM VỮNG

1. Giao tiếp là hoạt động trao đổi thông tin của con người, được tiến hành chủ yếu bằng phương tiện ngôn ngữ, nhằm thực hiện những mục đích về nhận thức, tình cảm, hành động. Đó là hoạt động không thể thiếu của con người và xã hội loài người, nhờ đó con người được trưởng thành, xã hội được hình thành và phát triển.

Hoạt động giao tiếp bằng ngôn ngữ bao gồm hai quá trình: quá trình tạo lập văn bản do người nói hay người viết thực hiện, quá trình lĩnh hội văn bản do người nghe hay người đọc thực hiện. Hai quá trình này có thể diễn ra đồng thời tại cùng một địa điểm (hội thoại), cũng có thể ở các thời điểm và khoảng không gian cách biệt (qua văn bản viết).

2. Trong hoạt động giao tiếp, ngôn ngữ được sử dụng ở hai dạng: nói và viết. Hai dạng đó có sự khác biệt về điều kiện tạo lập và lĩnh hội văn bản, về đường kênh giao tiếp, về loại tín hiệu (âm thanh hay chữ viết), về các phương tiện phụ trợ (ngữ điệu, nét mặt, cử chỉ, điệu bộ hay dấu câu, các kí hiệu văn tự, mô hình, bảng biểu,...), về cách dùng từ, đặt câu và tổ chức văn bản,...

3. Hoạt động giao tiếp bằng ngôn ngữ luôn luôn diễn ra trong một ngữ cảnh nhất định. Ngữ cảnh là bối cảnh ngôn ngữ, làm cơ sở cho việc sử dụng ngôn ngữ và tạo lập văn bản, đồng thời làm căn cứ để lĩnh hội thấu đáo văn bản. Ngữ cảnh bao gồm các nhân tố: nhân vật giao tiếp, bối cảnh rộng (bối cảnh văn hoá), bối cảnh hẹp (bối cảnh tình huống), hiện thực được đề cập đến và văn cảnh.

4. Trong ngữ cảnh, nhân vật giao tiếp là nhân tố rất quan trọng. Các nhân vật giao tiếp đều phải có cả năng lực tạo lập và năng lực lĩnh hội văn bản. Trong giao tiếp ở dạng nói, họ thường đổi vai cho nhau hay luân phiên lượt lời. Các nhân vật giao tiếp có những đặc điểm về các phương diện: vị thế xã hội, quan hệ thân sơ, lứa tuổi, giới tính, nghề nghiệp, tầng lớp xã hội, vốn sống, văn hoá,... Những đặc điểm đó luôn chi phối nội dung và cách thức giao tiếp bằng ngôn ngữ. Hơn thế, mỗi nhân vật giao tiếp thường xuất phát từ những điều kiện của ngữ cảnh mà lựa chọn cho mình một chiến lược giao tiếp tối ưu nhằm đạt được mục đích và hiệu quả giao tiếp.

5. Khi giao tiếp, các nhân vật giao tiếp sử dụng ngôn ngữ chung của xã hội để tạo ra lời nói - những sản phẩm cụ thể của cá nhân. Trong hoạt động đó, các nhân vật giao tiếp vừa sử dụng những yếu tố của hệ thống ngôn ngữ chung và tuân thủ những quy tắc, chuẩn mực chung, đồng thời biểu lộ những nét riêng trong năng lực ngôn ngữ của cá nhân. Hơn nữa, mỗi cá nhân lại có thể và cần phải vận dụng linh hoạt, sáng tạo các phương tiện ngôn ngữ để tăng cường khả năng biểu đạt và hiệu quả giao tiếp bằng ngôn ngữ, góp phần đổi mới và phát triển ngôn ngữ.

6. Trong hoạt động giao tiếp, mỗi câu thường có hai thành phần nghĩa: nghĩa sự việc và nghĩa tình thái. Nghĩa sự việc ứng với sự việc mà câu đề cập đến. Nghĩa tình thái thường thể hiện thái độ, tình cảm, sự nhìn nhận, đánh giá của người nói đối với sự việc, hoặc đối với người nghe.

7. Trong hoạt động giao tiếp, các nhân vật giao tiếp cần có ý thức, thói quen và kĩ năng giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Muốn thế, mỗi người cần nắm vững các chuẩn mực ngôn ngữ, sử dụng ngôn ngữ đúng chuẩn mực, đồng thời có thể vận dụng linh hoạt, sáng tạo ngôn ngữ theo các quy tắc chung; khi cần thiết có thể tiếp nhận những yếu tố tích cực của các ngôn ngữ khác, tuy cần chống lạm dụng tiếng nước ngoài. Mặt khác, để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, mỗi nhân vật giao tiếp cần đề cao phẩm chất văn hoá, lịch sự trong giao tiếp ngôn ngữ, tránh những cách biểu hiện thô tục làm vẩn đục ngôn ngữ.

II. LUYỆN TẬP

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu nêu ở dưới.
Hôm sau lão Hạc sang nhà tôi. Vừa thấy tôi, lão báo ngay:
- Cậu Vàng đi đời rồi, ông giáo ạ!

- Cụ bán rồi?

- Bán rồi! Họ vừa bắt xong.

Lão cố làm ra vẻ vui vẻ. Nhưng trông lão cười như mếu và đôi mắt lão ầng ậng nước, tôi muốn ôm choàng lấy lão mà oà lên khóc. Bây giờ thì tôi không xót xa năm quyển sách của tôi quá như nước nữa. Tôi chỉ ái ngại cho lão Hạc. Tôi hỏi cho có chuyện:
- Thế nó cho bắt à?

Mặt lão đột nhiên co rúm lại. Những vết nhăn xô lại với nhau, ép cho nước mắt chảy ra. Cái đầu lão ngoẹo về một bên và cái miệng móm mém của lão mếu như con nít. Lão hu hu khóc...

- Khốn nạn... Ông giáo ơi!.... Nó có biết gì đâu! Nó thấy tôi gọi thì chạy ngay về, vẫy đuôi mừng. Tôi cho nó ăn cơm. Nó đang ăn thì thằng Mục nấp trong nhà, ngay đằng sau nó, tóm lấy hai cẳng sau nó dốc ngược nó lên. Cứ thế là thằng Mục với thằng Xiên, hai thằng chúng nó chỉ loay hoay một lúc đã trói chặt cả bốn chân nó lại. Bấy giờ cu cậu mới biết là cu cậu chết.... Này! Ông giáo ạ! Cái giống nó cũng khôn! Nó cứ làm in như nó trách tôi; nó kêu ư ử, nhìn tôi, như muốn bảo tôi rằng: “A! Lão già tệ lắm! Tôi ăn ở với lão như thế mà lão xử với tôi như thế này à?”. Thì ra tôi già bằng này tuổi đầu rồi còn đánh lừa một con chó, nó không ngờ tôi nỡ tâm lừa nó!

Tôi an ủi lão:
- Cụ cứ tưởng thế đấy chứ nó chả hiểu gì đâu! Vả lại ai nuôi chó mà chả bán hay giết thịt! Ta giết nó chính là hoá kiếp cho nó đấy, hoá kiếp để cho nó làm kiếp khác.

Lão chua chát bảo:
- Ông giáo nói phải! Kiếp con chó là kiếp khổ thì ta hoá kiếp cho nó để nó làm kiếp người, may ra có sung sướng hơn một chút... kiếp người như kiếp tôi chẳng hạn!...

Tôi bùi ngùi nhìn lão, bảo:
- Kiếp ai cũng thế thôi, cụ ạ! Cụ tưởng tôi sung sướng hơn chăng?

- Thế thì không biết nếu kiếp người cũng khổ nốt thì ta nên làm kiếp gì cho thật sướng?

(Nam Cao, Lão Hạc)
Yêu cầu:
1. Phân tích sự đổi vai và luân phiên lượt lời trong hoạt động giao tiếp trên. Những đặc điểm của giao tiếp ở dạng ngôn ngữ nói thể hiện qua những chi tiết nào trong đoạn trích (chú ý lời kể chuyện của tác giả và lời của các nhân vật)?
2. Các nhân vật giao tiếp có vị thế xã hội, quan hệ thân sơ và những đặc điểm gì riêng biệt? Phân tích sự chi phối của những điều đó đến nội dung và cách thức nói trong lượt lời đầu tiên của lão Hạc.
3. Hãy phân tích nghĩa sự việc và nghĩa tình thái trong câu: “Bấy giờ cu cậu mới biết là cu cậu chết!”.
4. Trong đoạn trích có hoạt động giao tiếp ở dạng nói giữa hai nhân vật, đồng thời khi người đọc đọc đoạn trích (hoặc cả truyện Lão Hạc) lại có một hoạt động giao tiếp nữa giữa nhà văn Nam Cao và người đọc. Hãy chỉ ra sự khác biệt giữa hai hoạt động giao tiếp đó.