Tóm tắt tác phẩm “Rô-mê-ô và Giu-li-ét”

Anh / Lớp 11 » William Shakespeare » Tình yêu và thù hận (trích “Rô-mê-ô và Giu-li-ét”)

12.00
Câu chuyện bắt đầu từ đêm dạ hội hoá trang do gia đình Ca–piu–lét tổ chức nhân dịp con gái họ là Giu–li–ét tròn 14 tuổi. Rô–mê–ô, con trai nhà Môn–ta-ghiu, đang buồn bã vì bị Rô–da–lin từ chối đã cùng các bạn hoá trang đi vào nhà Ca–piu–lét, mặc dù trước đó Rô–mê–ô đã có cuộc loạn đả với nhiều thành viên của dòng họ này. Tại đây, chàng đã gặp Giu–li–ét, người mà bá tước Pa–rít, cháu của Vương chủ thành Vê–rô–na đang muốn cầu hôn. Rô–mê–ô say đắm trước vẻ đẹp tuyệt vời của Giu–li–ét và cũng nhận được sự đồng cảm của Giu–li–ét. Tình yêu của họ nảy nở và bùng lên mãnh liệt (hồi I). Cũng trong đêm ấy Rô–mê–ô trở lại, leo lên bờ tường đối diện với phòng ngủ của Giu–li–ét, đúng lúc Giu–li–ét cũng ra đứng bên cửa sổ, thổ lộ lòng mình (xem đoạn trích tình yêu và thù hận). Họ hẹn ước, thề nguyền với nhau. Hơn thế, họ còn nhờ tu sĩ Lâu–rân làm phép cưới bí mật (hồi II). Nhưng mối hận thù sâu sắc giữa hai dòng họ lại nổ ra khi Ti–bân, anh họ Giu–li–ét, giết chết Mơ–kiu–xi–ô, người nhà Môn–ta–ghiu. Rô–mê–ô đã giết chết Ti–bân và phải đi đày biệt xứ tại thành Man–tua. Giu–li–ét buồn bã vô cùng. Gia đình Ca–piu–lét yêu cầu Giu–li–ét phải nhận lời lấy Pa–rít (hồi III). Giu–li–ét phải nhờ Lâu–rân giúp đỡ. Tu sĩ khuyên Giu–li–ét giả vờ nhận lời và đưa cho nàng lọ thuốc ngủ có hiệu lực 42 giờ. Trong thời gian đó, tu sĩ sẽ cho gọi Rô–mê–ô về. Đúng như dự tính của Lâu–rân, gia đình Ca–piu–lét tưởng rằng con gái mình đã chết, thay vì đám cưới, họ tổ chức đám tang (hồi IV). Người đưa thư của Lâu–rân hướng về Man–tua, cùng lúc một người nhà thân tín của Rô–mê–ô, sau khi đã chứng kiến mọi việc xay ra với Giu–li–ét, cũng đi về thành Man–tua. Thành phố này đang bị dịch hạch: Người đưa thư của Lâu–rân đành quay về, còn người nhà Rô–mê–ô đã vào được thành phố. Nhận được tin dữ, Rô–mê–ô tuyệt vọng, trở về ngay và không quên mua sẵn một lọ thuốc độc. Chàng gặp Pa–rít ở khu hầm mộ và giết chết anh ta. Bước vào hầm mộ, chàng tìm đến nơi Giu–li–ét nằm, rồi uống thuốc độc chết. Giu–li–ét tỉnh dậy, thấy Rô–mê–ô đã chết bên cạnh, Giu–li–ét rút con dao mà Rô–mê–ô thường mang theo bên mình, quyên sinh luôn. Lâu–rân nhận lại bức thư liền đến ngay hầm mộ, nhưng không kịp. Hai gia đình Môn–ta–ghiu và Ca–piu-lét cũng đổ xô đến. Tu sĩ đã kể lại mọi chuyện. Vương chủ thành Vê–rô–na lên án hai dòng họ. Họ tự nguyện xoá đi mối thù truyền kiếp và dựng cho Rô–mê–ô và Giu–li–ét bức tượng bằng vàng (hồi V).

Vở bi kịch dựa trên xung đột giữa khát vọng yêu đương mãnh liệt với hoàn cảnh thù địch vây hãm. Mối tình của họ khẳng định sức sống, sức vươn dậy vượt lên trên mọi hoàn cảnh trói buộc con người. Mối tình đó cũng là lời kết án đanh thép tố cáo thành kiến phong kiến, nguyên nhân thù hận của tình người, của chủ nghĩa nhân văn. Rô–mê–ô và Giu–li–ét cũng đạt tới tầm cao về nghệ thuật tổ chức kịch tính, qua việc dẫn dắt hành động kịch và cá thể hoá ngôn ngũ nhân vật.
Nguồn: Ngữ văn 11, tập I, NXB Giáo dục, 2005