Từ mượn

Lớp 6

144.36

Văn mẫu

Nội dung

I – TỪ THUẦN VIỆT VÀ TỪ MƯỢN

1. Dựa vào chú thích của bài Thánh Gióng, hãy giải thích các từ trượng, tráng sĩ trong câu sau:
Chú bé vùng dậy, vươn vai một cái bỗng biến thành một tráng sĩ mình cao hơn trượng [...].
(Thánh Gióng)

2. Theo em, các từ được chú thích có nguồn gốc từ đâu?

3. Trong số các từ dưới đây, những từ nào được mượn từ tiếng Hán? Những từ nào được mượn từ các ngôn ngữ khác?
Sứ giả, ti vi, xà phòng, buồm, mít tinh, ra-đi-ô, gan, điện, ga, bơm, xô viết, giang sơn, in-tơ-nét.

4. Nêu nhận xét về cách viết các từ mượn nói trên.

Ghi nhớ
- Ngoài từ thuần Việt là những từ do nhân dân ta tự sáng tạo ra, chúng ta còn vay mượn nhiều từ của tiếng nước ngoài để biểu thị những sự vật, hiện tượng, đặc điểm,... mà tiếng Việt chưa có từ thật thích hợp để biểu thị. Đó là các từ mượn.
- Bộ phận từ mượn quan trọng nhất trong tiếng Việt là từ mượn tiếng Hán (gồm từ gốc Hán và từ Hán Việt).
Bên cạnh đó, tiếng Việt còn mượn từ của một số ngôn ngữ khác như tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Nga,...
- Các từ mượn đã được Việt hoá thì viết như từ thuần Việt. Đối với những từ mượn chưa được Việt hoá hoàn toàn, nhất là những từ gồm trên hai tiếng, ta nên dùng gạch nối để nối các tiếng với nhau.

II – NGUYÊN TẮC TỪ MƯỢN

Em hiểu ý kiến sau của Chủ tịch Hồ Chí Minh như thế nào?
Đời sống xã hội ngày càng phát triển và đổi mới. Có những chữ ta không có sẵn và khó dịch đúng, thì cần phải mượn chữ nước ngoài. Ví dụ: “độc lập”, “tự do”, “giai cấp”, “cộng sản”, v.v... Còn những chữ tiếng ta có, vì sao không dùng, mà cũng mượn chữ nước ngoài? Ví dụ:

Không gọi xe lửa mà gọi “hoả xa”; máy bay thì gọi là “phi cơ” [...].

Tiếng nói là thứ của cải vô cùng lâu đời và vô cùng quý báu của dân tộc. Chúng ta phải giữ gìn nó, quý trọng nó, làm cho nó phổ biến ngày càng rộng khắp. Của mình có mà không dùng, lại đi mượn của nước ngoài, đó chẳng phải là đầu óc quen ỷ lại hay sao?

(Hồ Chí Minh toàn tập, tập 10, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 615)
Ghi nhớ
Mượn từ là một cách làm giàu tiếng Việt. Tuy vậy, để bảo vệ sự trong sáng của ngôn ngữ dân tộc, không nên mượn từ nước ngoài một cách tuỳ tiện.

III – LUYỆN TẬP

1. Ghi lại các từ mượn có trong những câu dưới đây. Cho biết các từ ấy được mượn của tiếng (ngôn ngữ) nào.

a) Đúng ngày hẹn, bà mẹ vô cùng ngạc nhiên vì trong nhà tự nhiên có bao nhiêu là sính lễ.
(Sọ Dừa)

b) Ngày cưới, trong nhà Sọ Dừa cỗ bàn thật linh đình, gia nhân chạy ra chạy vào tấp nập.
(Sọ Dừa)

c) Ông vua nhạc pốp Mai-cơn Giắc-xơn đã quyết định nhảy vào lãnh địa in-tơ-nét với việc mở một trang chủ riêng.

2. Hãy xác định nghĩa của từng tiếng tạo thành các từ Hán Việt dưới đây:

a) khán giả: người xem; thính giả: người nghe; độc giả: người đọc.

b) yếu điểm: điểm quan trọng; yếu lược: tóm tắt những điều quan trọng; yếu nhân: người quan trọng.

3. Hãy kể một số từ mượn:

a) Là tên các đơn vị đo lường, ví dụ: mét

b) Là tên một bộ phận của chiếc xe đạp, ví dụ: ghi đông

c) Là tên một số đồ vật, ví dụ: ra-đi-ô

4. Những từ nào trong các cặp dưới đây là từ mượn? Có thể dùng chúng trong những hoàn cảnh nào, với những đối tượng giao tiếp nào?

a) Bạn bè tới tấp phôn/ gọi điện đến. (cặp từ phôn/ gọi điện)

b) Ngọc Linh là một fan/ người say mê bóng đá cuồng nhiệt (cặp từ fan/ người say mê)

c) Anh đã hạ nốc ao/ đo ván võ sĩ nước chủ nhà. (cặp từ nốc ao/ đo ván).

5. Chính tả (nghe – viết): Thánh Gióng (từ “Tráng sĩ mặc áo giáp” đến “lập đền thờ ngay ở quê nhà”).

ĐỌC THÊM
BÁC HỒ NÓI VỀ VIỆC DÙNG TỪ MƯỢN
“[...]Những từ không dịch được thì phải mượn của tiếng các nước. Nhưng chỉ nên mượn khi thật cần thiết, và đã mượn thì phải mượn cho đúng.
Tại sao thường vay mượn khi không cần thiết hoặc vay mượn không đúng?
Vì:
1. Không quý báu tiếng của dân tộc, tự ti;
2. Học tập không đến nơi đến chốn.
Vay mượn là cần, nhưng phải chống lạm dụng, chống lười biếng. Cần có một cuộc vận động chống việc lạm dụng tiếng nước ngoài [...].”
(Tạp chí Ngôn ngữ, số 3 – 1970, tr.3)
“Chúng ta không chống mượn tiếng nước ngoài để làm cho tiếng ta đầy đủ thêm.Nhưng chúng ta phải chống cách mượn không phải lối, mượn đến nỗi bỏ cả tiếng ta, đến nỗi quần chúng không hiểu.”
(Sửa đổi lối làm việc, NXB Sự thật, Hà Nội, 1959)