So sánh

Lớp 6

15.00

Văn mẫu

Nội dung

I – SO SÁNH LÀ GÌ?

1. Tìm những tập hợp từ chứa hình ảnh so sánh trong các câu sau:
a) Trẻ em như búp trên cành
Biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan.
(Hồ Chí Minh)

b) [...] trông hai bên bờ, rừng đước dựng lên cao ngất như hai dãy trường thành vô tận.
(Đoàn Giỏi)

2. Trong mỗi phép so sánh trên, những sự vật, sự việc nào được so sánh với nhau? Vì sao có thể so sánh như vậy? So sánh các sự vật, sự việc với nhau như vậy để làm gì?

3. Sự so sánh trong những câu trên có gì khác với sự so sánh trong câu sau:
Con mèo vằn vào tranh, to hơn cả con hổ nhưng nét mặt lại vô cùng dễ mến.
(Tạ Duy Anh)

Ghi nhớ
So sánh là đối chiếu sự vật, sự việc này với sự vật, sự việc khác có nét tương đồng để làm tăng sức gợi hình, gợi cảm cho sự diễn đạt.

II – CẤU TẠO CỦA PHÉP SO SÁNH

1. Điền những tập hợp từ chứa hình ảnh so sánh trong các câu đã dẫn ở phần I vào chỗ trống theo mô hình phép so sánh theo mẫu dưới đây:
- Vế A (sự vật được so sánh):...
- Phương diện so sánh:...
- Từ so sánh:...
- Vế B (sự vật dùng để so sánh):...

2. Nêu thêm các từ so sánh mà em biết.

3. Cấu tạo của phép so sánh trong những câu dưới đây có gì đặc biệt?
a) Trường Sơn: chí lớn ông cha
Cửu Long: lòng mẹ bao la sóng trào.
(Lê Anh Xuân)

b) Như tre mọc thẳng, con người không chịu khuất.
(Thép Mới)

Ghi nhớ
- Mô hình cấu tạo đầy đủ của một phép so sánh gồm:
+ Vế A (nêu tên sự vật, sự việc được so sánh);
+ Vế B (nêu tên sự vật, sự việc dùng để so sánh với sự vật, sự việc nói ở vế A);
+ Từ ngữ chỉ phương diện so sánh;
+ Từ ngữ chỉ ý so sánh (gọi tắt là từ so sánh).
- Trong thực tế, mô hình cấu tạo nói trên có thể biến đổi ít nhiều:
+ Các từ ngữ chỉ phương diện so sánh và chỉ ý so sánh có thể được lược bớt.
+ Vế B có thể được đảo lên trước vế A cùng với từ so sánh.

III – LUYỆN TẬP

1. Với mỗi mẫu so sánh gợi ý dưới đây, em hãy tìm thêm ví dụ:

a) So sánh đồng loại
- So sánh người với người:
Lúc ở nhà, mẹ cũng là cô giáo
Khi tới trường, cô giáo như mẹ hiền.
(Lời bài hát)

- So sánh vật với vật:
Từ xa nhìn lại, cây gạo sừng sững như một tháp đèn khổng lồ [...].
(Vũ Tú Nam)

b) So sánh khác loại
- So sánh vật với người:
Ngôi nhà như trẻ nhỏ
Lớn lên với trời xanh.
(Đồng Xuân Lan)

Bà như quả đã chín rồi
Càng thêm tuổi tác, càng tươi lòng vàng.
(Võ Thanh An)

- So sánh cái cụ thể với cái trừu tượng:
Trường Sơn: chí lớn ông cha
Cửu Long: lòng mẹ bao la sóng trào.
(Lê Anh Xuân)

Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
(Ca dao)

2. Dựa vào những thành ngữ đã biết, hãy viết tiếp vế B vào những chỗ trống dưới đây để tạo thành phép so sánh:
- khoẻ như...
- đen như...
- trắng như...
- cao như...

3. Hãy tìm những câu văn có sử dụng phép so sánh trong các bài Bài học đường đời đầu tiên và Sông nước Cà Mau.

4. Chính tả (nghe – viết): Sông nước Cà Mau (từ “Dòng sông Năm Căn mênh mông” đến “khói sóng ban mai”).