Soạn bài: Viết bài làm văn số 5: Nghị luận văn học

Lớp 11 » Viết bài làm văn số 5: Nghị luận văn học

Chưa có đánh giá nào
Đề bài tham khảo và Gợi ý làm bài

Đề 1: Người xưa có câu: “Đàn bà chớ kể Thuý Vân, Thuý Kiều”. Anh chị hãy nói rõ ý kiến của mình về quan niệm trên.

a. Mở bài

- Giới thiệu câu nói của người xưa: Đàn bà chớ kể Thuý Vân, Thuý Kiều.

- Nêu suy nghĩ của bản thân: đây là quan niệm sai lầm của các nhà Nho bảo thủ trong chế độ phong kiến ngày xưa đối với nhân vật Thuý Vân, Thuý Kiều (chủ yếu là Thuý Kiều) và Truyện Kiều của Nguyễn Du.

b. Thân bài

* Giải thích câu nói.

- Câu nói đầy đủ là:
Đàn ông chớ kể Phan Trần
Đàn bà chớ kể Thuý Vân, Thuý Kiều.
- Ý người xưa muốn gửi gắm qua câu trên là khuyên đàn bà, con gái không nên đọc (chở kể) Truyện Kiều và không được bắt chước Thuý Kiều vì cho rằng nàng là một con gái hư, dám vượt qua lễ giáo phong kiến.

* Ý kiến của bản thân trước câu nói này.

- Đây là một quan niệm sai lầm, bảo thủ, chỉ nhìn nhận và đánh giá Thuý Kiều một cách phiến diện. Lấy đạo đức Nho giáo cứng nhắc làm tiêu chí để đánh giá phẩm chất của một người con gái.

- Thuý Kiều là ngườ con gái đáng thương và đáng trân trọng.
+ Trong tình yêu: Nàng đã mạnh dạn vượt qua rào cản vô hình nhưng khắc nghiệt của lễ giáo phong kiến để chủ động tìm đến với tình yêu tự do, với người mình yêu. Đối với người yêu, nàng tỏ ra đoạn trang, đúng mực.
+ Trong quan hệ với cha mẹ: Nàng là một người con hiếu thảo, dám hi sinh tình yêu để giữ trọn đạo hiếu.
+ Trong nghịch cảnh: Nàng luôn tìm cách thoát khỏi cuộc sống tủi nhục chốn lầu xanh, nhưng mỗi lần vươn lên là mỗi lần nàng bị nhấn xuống sâu hơn.
+ Kết thúc quãng đời mười lăm năm chìm nổi, Thuý Kiều đoàn tụ với gia đình, với Kim Trọng. Vì tôn trọng mối tình đầu trong sáng, tôn trọng người yêu cũ nên nàng đã: Đem tình cầm sắt đổi ra cầm cờ. (Tức là đổi tình yêu thành tình bạn tri âm, tri kỉ).
+ Như vậy, Thuý Kiều là con người đáng thương và đáng trân trọng chứ không đáng ghét, đáng khinh.
+ Truyện Kiều là một kiệt tác của dân tộc với những giá trị lớn lao sâu sắc nên chúng ta cần có một thái độ đánh giá khách quan và đúng đắn.

- Đọc Truyện Kiều chúng ta thấy được sự tàn bạo của chế độ phong kiến đối với con người, nhất là phụ nữ.

- Truyện Kiều còn là đỉnh cao của nghệ thuật thơ ca trên nhiều phương diện: ngôn ngữ, xây dựng tính cách, phân tích tâm lí nhân vật, tả cảnh, tả người...

c. Kết bài

- Khẳng định câu nói trên là quan điểm sai lầm của một số nhà Nho thủ cựu bênh vực lễ giáo phong kiến, phủ nhận Thuý Kiều và Truyện Kiều.

- Chúng ta nên đọc Truyện Kiều để hiểu về giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo của tác phẩm, về tài năng hiếm có của tác giả; đồng thời thấy được phẩm chất đáng quý của Thuý Kiều - người con gái tài sắc vẹn toàn - nạn nhân của xã hội phong kiến xấu xa, tàn bạo.

Đề 2: Cảm nhận của anh (chị) về hình tượng nhân vật Chí Phép trong truyện ngắn cùng tên của Nam Cao.

Phân tích cuộc đời nhân vật Chí Phèo qua các giai đoạn:

- Chí Phèo có tuổi thơ bất hạnh: mồ côi, phải đi ở rồi làm thuê cho nhiều gia đình ở trong làng. Hắn là một cố nông hiền lành, chăm chỉ, có những mơ ước giản dị và lương thiện.

- Chí Phèo bị Bá Kiến ghen tuông rồi đẩy đi tù. Ra tù, Chí Phèo bị tha hoá cả ngoại hình lẫn tính cách. Hắn say triền miên. Hắn giao tiếp với mọi người bằng tiếng chửi. Thậm chí, từ kẻ thù, hắn trở thành tay sai cho Bá Kiến trong những cuộc tranh chấp ở làng,...

- Nhưng hắn chưa mất hẳn nhân tính. Tình yêu mộc mạc giản dị với thị Nở đã đánh thức con người lương thiện ở Chí. Hắn vùng lên giết chết Bá Kiến và tự kết liễu đời mình trong bế tắc.

- Nguyên nhân dẫn đến sự tha hoá của Chí Phèo: do hắn phải sống trong môi trường “quần ngư tranh thực”. Nạn nhân của sự tranh chấp giữa các phe cánh phong kiến chính là những người dân hiền lành như Chí. Môi trường xã hội phi nhân tính đã đẻ ra những con người như Chí Phèo.

- Khẳng định: Chí Phèo là nạn nhân của bọn địa chủ cường hào ở nông thôn trước kia.

Đề 3: Phân tích thái độ của nhân vật Huấn Cao đối với viên quản ngục trong Chữ người tử tù (Nguyễn Tuân).

Tâm lí Huấn Cao chuyển biến qua hai giai đoạn:

- Giai đoạn đầu: Viên quản ngục tỏ thái độ biệt đãi Huấn Cao. Huấn Cao từ chối bằng việc sự miệt thị, bực tức.

Các em có thể dựa vào đoạn trích “... Rồi đến một hôm... Ta chỉ muốn có một điều: là nhà ngươi đừng đặt chân vào đây”.

Phân tích thái độ và lời nói của quản ngục; phân tích thái độ tâm lí của Huấn Cao trong lời đáp lại quản ngục; vì sao Huấn Cao lại có thái độ như vậy? Thái độ đó có hợp với hoàn cảnh và tính cách nhân vật không?)

- Giai đoạn sau: Huấn Cao cảm nhận được “tấm lòng biệt nhỡn liên tài” của quản ngục, mặc dù trong hoàn cảnh đề lao tù túng, ẩm thối nhưng Huấn Cao vẫn viết chữ tặng quản ngục và khuyên bảo những lời tâm huyết.

(Các em có thể dựa vào đoạn: “... Một người tù cổ đeo gông... ở đây khó giữ thiên lương cho lành vững và rồi cùng đến nhem nhuốc mất cả đời lương thiện đi”.

Phân tích cử chỉ, lời nó của Huấn Cao đối với quản ngục. Thái độ và lời nói của Huấn Cao đối với quản ngục ở đoạn này hoàn toàn khác trước - Vì sao?)

- Rút ra nhận xét: Thái độ của Huấn Cao ở hai giai đoạn tuy khác nhau, nhưng hợp lí, hợp hoàn cảnh, làm nổi bật nhân cách Huấn Cao: Một con người vừa cao ngạo, bất khuất vừa tài hoa, chân tình, biết trân trọng những tấm lòng tốt trong thiên hạ, biết đề cao thiên lương đẹp đẽ của con người.