Soạn bài: Dấu chấm lửng và dấu chấm phẩy

Lớp 7 » Dấu chấm lửng và dấu chấm phẩy

Chưa có đánh giá nào
I. Dấu chấm lửng

Câu 1:

- (a): Dấu chấm lửng dùng với ngụ ý liệt kê;

- (b): Dấu chấm lửng dùng để thể hiện sự ngắt quãng trong lời nói, gợi tả sự hốt hoảng, mệt mỏi;

- (c): Dấu chấm lửng có tác dụng giãn cách, tạo ra sự bất ngờ cho sự xuất hiện của thông tin có ý nghĩa mới lạ, hay hài hước, châm biếm.

Câu 2: Công dụng của dấu chấm lửng:

- Tỏ ý còn nhiều sự vật, hiện tượng tương tự chưa liệt kê hết.

- Thể hiện chỗ lời nói bỏ dở hay ngập ngừng, ngắt quãng.

- Làm giảm nhịp điệu câu văn, chuẩn bị cho sự xuất hiện của một từ ngữ biểu thị nội dung bất ngờ hay hài hước, châm biếm.

II. Dấu chấm phẩy

Câu 1:

- Trong câu (a), dấu chấm phẩy được dùng để phân tách hai vế của một câu ghép. Trường hợp này có thể thay dấu chấm phẩy bằng dấu phẩy.

- Câu (b) là câu ghép sử dụng phép liệt kê, các nội dung liệt kê rất phức tạp:
+ yêu nước, yêu nhân dân;
+ trung thành với sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà;
+ ghét bóc lột, ăn bám và lười biếng;
+ yêu lao động, coi lao động là nghĩa vụ thiêng liêng của mình;
+ có tinh thần làm chủ tập thể, có ý thức hợp tác, giúp nhau;
+ chân thành và khiêm tốn;
+ quý trọng của công và có ý thức bảo vệ của công;
+ yêu văn hoá, khoa học và nghệ thuật;
+ có tinh thần quốc tế vô sản.

Nếu dùng dấu phẩy thay các dấu chấm phẩy thì sẽ không phân biệt được các cặp từ, cụm từ với các từ, cụm từ; không phân cấp được các nội dung với ý nghĩa khác nhau về tầng bậc.
Câu 2: Công dụng của dấu chấm phẩy:

- Đánh dấu ranh giới giữa hai vế của một câu ghép có cấu tạo phức tạp.

- Ngăn cách các bộ phận trong phép liệt kê phức tạp, giúp người đọc hiểu được các bộ phận, các tầng bậc ý trong khi liệt kê.

III. Luyện tập

Câu 1: Trong từng trường hợp sau đây, dấu chấm lửng được dùng để:

a. diễn đạt sự lúng túng, sợ sệt;

b. diễn đạt sự bỏ dở của câu nói;

c. ngụ ý liệt kê các nội dung khác tương tự.

Câu 2: Trong các trường hợp dưới đây, dấu chấm phẩy dùng để:

a. đánh dấu phân tách giữa các vế của câu ghép, phân biệt vế câu với các thành phần trong từng vế;

b. đánh dấu phân tách giữa các vế của câu ghép, phân biệt vế câu với các thành phần trong từng vế;

c. đánh dấu phân tách giữa các vế của câu ghép, phân biệt vế câu với các thành phần trong từng vế;

Câu 3:

Đoạn văn có dấu chấm lửng:

“Ca Huế chỉ một loại hình sinh hoạt văn hoá độc đáo của cố đô Huế, hình thành từ nhiều dòng ca nhạc, đặc biệt là ca nhạc dân gian. Ngoài những bài hò như chèo, bài thai, hò giã gạo..., còn có các điệu lí như lí con sáo, lí hoài xuân...”

Đoạn văn có dấu chấm phẩy:

“Dàn nhạc ca Huế với đàn dây gồm đàn tranh, đàn nguyệt, tì bà nhị, đàn tam, đàn bầu; âm thanh có tiếng sáo và cặp sanh để gõ nhịp; ngón đàn trau chuốt như ngón nhấn, mổ, vỗ, vả, ngón bấm, day, chớp, búng, ngón phi, ngón rãi. Ngón đàn tài hoa, tiếng đàn khoan nhặt giữa đêm trăng làm nên tiết tấu xao động bồn người.”