Sông nước Cà Mau

Việt Nam / Lớp 6 » Đoàn Giỏi

1194.13

Nội dung

Càng đổ dần về hướng mũi Cà Mau thì sông ngòi, kênh rạch càng bủa giăng chi chít như mạng nhện. Trên thì trời xanh, dưới thì nước xanh, chung quanh mình cũng chỉ toàn một sắc xanh cây lá. Tiếng rì rào bất tận của những khu rừng xanh bốn mùa, cùng tiếng sóng rì rào từ biển Đông và vịnh Thái Lan ngày đêm không ngớt vọng về trong hơi gió muối – thứ âm thanh đơn điệu triền miên[1] ấy ru ngủ thính giác, càng làm mòn mỏi và đuối dần đi tác dụng phân biệt của thị giác con người trước cái quang cảnh chỉ lặng lẽ một màu xanh đơn điệu.

Từ khi qua Chà Là, Cái Keo[2],... rồi bỏ con sông Bảy Háp xuôi thuyền trôi theo dòng, thì tôi bắt đầu có cái cảm giác trên đây... Ở đây, người ta gọi tên đất, tên sông không phải bằng những danh từ mĩ lệ, mà cứ theo đặc điểm riêng biệt của nó mà gọi thành tên. Chẳng hạn như gọi rạch Mái Giầm, vì hai bên bờ rạch mọc toàn những cây mái giầm[3] cọng tròn xốp nhẹ, trên chỉ xoà ra độc một cái lá xanh hình chiếc bơi chèo nhỏ.

Gọi là kênh Bọ Mắt vì ở đó tụ tập không biết cơ man nào là bọ mắt, đen như hạt vừng, chúng cứ bay theo thuyền từng bầy như những đám mây nhỏ, ta bị nó đốt vào da thịt chỗ nào là chỗ đó ngứa ngáy nổi mẩn đỏ tấy lên; gọi kênh Ba Khía vì ở đó hai bên bờ tập trung toàn những con ba khía, chúng bám đặc sệt quanh các gốc cây (Ba khía là một loại còng biển lai cua, càng sắc tím đỏ, làm mắm xé ra trộn tỏi ớt ăn rất ngon). Còn như xã Năm Căn thì nghe nói ngày xưa trên bờ sông chỉ độc có một cái lán năm gian của những người tới đốn củi hầm than[4] dựng nên, cũng như Cà Mau là nói trại[5] đi theo chữ tức khơ mâu, tiếng Miên[6] nghĩa là “nước đen”.

Thuyền chúng tôi chèo thoát qua kênh Bọ Mắt, đổ ra con sông Cửa Lớn, xuôi về Năm Căn. Dòng sông Năm Căn mênh mông, nước ầm ầm đổ ra biển ngày đêm như thác, cá nước bơi hàng đàn đen trũi nhô lên hụp xuống như người bơi ếch giữa những đầu sóng trắng. Thuyền xuôi giữa dòng con sông rộng hơn ngàn thước, trông hai bên bờ, rừng đước[7] dựng lên cao ngất như hai dãy trường thành[8] vô tận. Cây đước mọc dài theo bãi, theo từng lứa trái rụng, ngọn bằng tăm tắp, lớp này chồng lên lớp kia ôm lấy dòng sông, đắp từng bậc màu xanh lá mạ, màu xanh rêu, màu xanh chai lọ,... loà nhoà ẩn hiện trong sương mù và khói sóng ban mai.

Chợ Năm Căn nằm sát bên bờ sông, ồn ào, đông vui, tấp nập. Vẫn là cái quang cảnh quen thuộc của một xóm chợ vùng rừng cận[9] biển thuộc tỉnh Bạc Liêu, với những túp lều lá thô sơ kiểu cổ xưa nằm bên cạnh những ngôi nhà gạch văn minh hai tầng, những đống gỗ cao như núi chất dựa bờ, những cột đáy[10], thuyền chài[11], thuyền lưới[12], thuyền buôn dập dềnh trên sóng... Nhưng Năm Căn còn có cái bề thế của một trấn[13] “anh chị rừng xanh” đứng kiêu hãnh phô phang sự trù phú của nó trên vùng đất cuối cùng của Tổ quốc. Những bến vận hà[14] nhộn nhịp dọc dài theo sông; những lò than hầm gỗ đước sản xuất loại than củi nổi tiếng nhất của miền Nam; những ngôi nhà bè ban đêm dưới ánh đèn măng-sông[15] chiếu rực trên mặt nước như những khu phố nổi, và nơi đây người ta có thể cập thuyền lại, bước sang gọi một món xào, món nấu Trung Quốc hoặc một đĩa thịt rừng nướng ướp kiểu địa phương kèm theo vài cút[16] rượu, ngoài ra còn có thể mua từ cây kim cuộn chỉ, những vật dụng cần thiết, một bộ quần áo may sẵn hay một món nữ trang đắt giá chẳng hạn, mà không cần phải bước ra khỏi thuyền. Những người con gái Hoa kiều bán hàng xởi lởi[17], những người Chà Châu Giang[18] bán vải, những bà cụ già người Miên bán rượu, với đủ các giọng nói líu lô, đủ kiểu ăn vận sặc sỡ, đã điểm tô cho Năm Căn một màu sắc độc đáo, hơn tất cả các xóm chợ vùng rừng Cà Mau.
[1] Liên tục và kéo dài dường như không dứt.
[2] Những địa danh ở vùng Cà Mau.
[3] (Cũng viết “mái dầm”) chèo ngắn, không cột cố định vào thuyền mà cầm tay để bơi thuyền (phân biệt với mái chèo); ở đây dùng gọi tên một loài cây có cành lá hình chiếc mái giầm.
[4] Đốt lửa âm ỉ trong lò để gỗ cháy dần thành than.
[5] Nói chệch âm đi, tạo thành một âm khác gần với âm gốc của nó.
[6] Khơ-me.
[7] Cây cao, thân gỗ cứng, rễ chùm, mọc thành rừng ở vùng đất ngập mặn, có nhiều ở ven biển Nam Bộ nước ta.
[8] Bức thành dài (trường: dài).
[9] Gần, kề.
[10] Cọc để giữ lưới đáy (loại lưới hình ống to và dài thường giăng ngang sông).
[11] Thuyền nhỏ dùng đánh cá chủ yếu bằng chài (chài: loại lưới hình nón, miệng đáy có gắn các hòn chì, dùng quăng xuống nước để đánh bắt cá).
[12] Thuyền đánh cá bằng cách thả lưới, thường lớn hơn thuyền chài.
[13] Đơn vị hành chính thời xưa, lớn hơn một tỉnh hiện nay; ở đây dùng với nghĩa một vùng đất.
[14] Bến sông để tập kết và chuyển tải hàng hoá theo đường thuỷ.
[15] (Măng-sông phiên âm từ tiếng Pháp) đèn đốt bằng hơi dầu hoả, có mạng bằng sợi không cháy bao quanh ngọn lửa để tăng độ sáng.
[16] Chai nhỏ, có dung tích bằng một phần tư hoặc một phần tám lít, dùng làm đơn vị đo dung tích các chất lỏng như rượu, dầu.
[17] Cởi mở, dễ dàng trong quan hệ, đối xử với người khác.
[18] Chà chỉ người Gia Va (Gia Va là một đảo lớn thuộc In-đô-nê-xi-a), người Mã Lai, sau chỉ cả người Ấn Độ và những người có nước da ngăm đen nói chung, trong đó có người Chăm. Chà Châu Giang: người Chăm (cũng gọi là người Chàm) ở vùng Châu Đốc, tỉnh An Giang.
Bài văn Sông nước Cà Mau trích từ chương XVIII truyện Đất rừng phương Nam của Đoàn Giỏi. Tên bài do người biên soạn đặt. Đất rừng phương Nam (1957) là truyện dài nổi tiếng nhất của Đoàn Giỏi. Truyện kể về quãng đời lưu lạc của bé An – nhân vật chính – tại vùng đất rừng U Minh, miền Tây Nam Bộ trong những năm đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Qua câu chuyện về cuộc lưu lạc của An, tác giả đưa người đọc đến với cảnh thiên nhiên hoang dã mà rất phong phú, độc đáo và cuộc sống của con người ở vùng đất cực nam của Tổ quốc. Đất rừng phương Nam đem đến cho bạn đọc những hiểu biết phong phú và lòng yêu mến đối với thiên nhiên, con người ở vùng đất ấy.

Nguồn: Đoàn Giỏi, Đất rừng phương Nam, NXB Kim Đồng, Hà Nội, 1996