Phân tích tính dân tộc trong nội dung và nghệ thuật của đoạn trích bài thơ “Việt Bắc”

Việt Nam / Lớp 12 » Tố Hữu » Việt Bắc

15.00
Tính dân tộc là một phạm trù mĩ học, là một thuộc tính tất yếu của vốn học, được coi là tiêu chuẩn để đánh giá một tác phẩm văn học. Mỗi nền văn học bao giờ cùng là thành tựu của cả một dân tộc nhất định, dù ít hay nhiều, sâu sắc hay không sâu sắc thì nền Văn học bao giờ cũng hiển hiện những nét của dân tộc mình. Tính dân tộc quán triệt khá nhiều mặt của sáng tác văn học, từ nguồn gốc đến chức năng, từ ngồn ngữ đến thể loại, từ nội dung đến hình thức.

Khi thế giới còn tồn tại nhiều dân tộc thì nền văn học dân tộc nhất định phải có nét riêng, phải có tính dân tộc. Không có một nền văn học nào là phi dân tộc, không có một người nào là phi dân tộc. Văn học có tính dân tộc là một trong những yêu cầu của người sáng tạo nghệ thuật. Người nghệ sĩ phải đòi hỏi có ý thức về dân tộc một cách sâu sắc, phản ánh được những truyền thống ý thức của dân tộc. Văn học phản ánh hiện thực, khi đi vào tác phẩm của mỗi nhà văn, bao giờ cũng thấy hiển hiện trước hết là hiện thực của đất nước mình, dân tộc mình.

Tính dân tộc được biểu hiện ở cả hai phương diện nội dung và nghệ thuật. Đề tài là những sự kiện xảy ra trong lịch sử dân tộc, những hiện tượng chính trị của dân tộc; chủ đề ca ngợi lòng yêu nước, khẳng định ý thức, tinh thần dân tộc; nhân vật là những con người điển hình, biểu hiện tập trung tâm lí, tính cách của cả một dân tộc,… đó chính là những yếu tố nội dung in đậm tính dân tộc trong một tác phẩm văn học. Tác phẩm ấy còn phải biểu hiện được sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa truyền thống và cách tân, dân tộc và hiện đại khi sử dụng linh hoạt những yếu tố hình thức như thể loại, ngôn ngữ, hình ảnh…

Tính dân tộc trong bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu được thể hiện sinh động, phong phú qua hai phương diện nội dung và nghệ thuật. Cách mạng tháng Tám thắng lợi, Tố Hữu đã tham gia, chứng kiến với tư cách là một người chiến sĩ đấu tranh không mệt mỏi, một nhà thơ mang hồn thơ thời đại, bởi thế, thơ ông kết tinh, quy tụ được giá trị nhân văn, sức mạnh tinh thần của dân tộc. Tiếng nói của người nghệ sĩ hoà nhập với cuộc đời chung. Rất khó phân biệt ở thơ Tố Hữu cái riêng, cái chung. Cái chung dược miêu tả như những tiếng reo vui của tác giả trước những niềm vui lớn của dân tộc. Tố Hữu là nhà thơ nói được những vui buồn của lịch sử qua những chặng lịch sử dài.

Bên cạnh sức cuốn hút của những hình ảnh, sự kiện lịch sử hiện tại, thơ Tố Hữu còn tìm về quá khứ, về với đời sống hàng ngày của dân tộc. Quá khứ được khơi nguồn trên nhiều bình diện, có bất khuất, có xót đau,… nhưng tất cả đều thuộc về dân tộc. Tất cả những gì gần gũi, thân yêu của lịch sử dân tộc đều được Tố Hữu trân trọng đưa vào trong thơ. Tác giả cố gắng nắm bắt những âm thanh của đời sống dân tộc rất đời thường, bình dị, nhưng cao cả, đẹp đẽ. Đáng quý là cuộc sống bình dị ấy được Tố Hữu biểu hiện bằng một tiếng nói thẳm sâu, đằm thắm, từ con tim xúc động, từ giao cảm tinh tế với cái đẹp của thiên nhiên, con người Việt Bắc.

Từ dân tộc trong Việt Bắc còn được thể hiện qua hình thức độc đáo của bài thơ. Tác phẩm trước hết được viết bằng thể thơ lục bát, một thể thơ truyền thống của dân tộc. Thơ Tố Hữu thuộc thơ trữ tình điệu nói, thành thạo trong thể thơ truyền thống, gần gũi lời ăn tiếng nói hàng ngày. Chất văn xuôi được đưa vào thơ, tạo ra một thế giới nghệ thuật long lanh ngời sắc, cả lịch sử và con người đều toả sáng. Khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn cho phép nhà thơ biểu hiện tập trung những vấn đề cách mạng của dân tộc, nhân loại, thời đại. Ngôn từ tinh tế, phong phú, nhiệt huyết, sáng ngời vói những lối ví von, so sánh độc đáo, cách xưng hô “mình”, “ta” đã tạo nên một giọng điệu đằm thắm, trữ tình.

Việt, Bắc hội tụ tình yêu và niềm tin của con người trong kháng chiến. Người ta nhận ra trong lời thơ tình cảm tha thiết, bền chặt của con người. Không chỉ là chín, mươi hay mười lăm năm mà chính sự gắn bó sâu sắc giữa người và đất đã tạo nên một tình yêu sâu nặng, một mối ân tình cao đẹp. Việt Bắc chính là cội nguồn của quê hương cách mạng, những câu thơ chính là tiếng lòng nhớ thương của con người. Cái hay của bài thơ chính là cái hay của một khúc ca đằm thắm, yêu thương, hùng tráng mà chung thuỷ, ngọt ngào, lắng sâu.
(Nguyễn Thị Thanh Huyền, giáo viên dạy văn tại trường THPT chuyên Hùng Vương - Việt Trì - Phú Thọ)