Phân tích tâm trạng của nhà thơ Lý Bạch trong “Đường đi khó” (1)

Trung Quốc » Lý Bạch » Hành lộ nan

25.00
Lý Bạch là một nhà thơ nổi tiếng của nhà Đường. Từng vần thơ của Lý Bạch đều mang nhiều ý nghĩa, nhiều tư tưởng sâu sắc, cũng bởi vậy mà những tác phẩm của ông dù đã trải qua hàng ngàn năm vẫn có sức lôi cuốn với người đọc, vẫn mang nhiều giá trị thời đại của ngày nay. Bài thơ Hành lộ nan (Đường đi khó) là một bài thơ hay, nói về những khó khăn của người đi đường, nhưng đồng thời cũng thể hiện được bản lĩnh hơn người của tác giả trong việc giải quyết những gian nan, khó khăn ấy.

Bài thơ Đường đi khó được Lí Bạch sáng tác năm 744, khi nhà thơ rời khỏi cung đình, trước lúc rời xa kinh đô Trường An. Chùm thơ Hành lộ nan gồm ba bài thơ, trong đó bài thơ này là bài thơ đầu tiên tròn chum thơ ấy. Đây cũng là bài thơ được xem là tiêu biểu nhất, có nhiều giá trị, tư tưởng lành mạnh, tích cực nhất. Ngay mở đầu bài thơ, Lí Bạch đã nêu ra cái “khó” đầu tiên mà con người dễ dàng gặp phải trên “đường” (đường đời):
Cốc vàng, rượu trong, vạn một đấu
Mâm ngọc, nhắm quý, giá mười ngàn
Các từ như “cốc vàng”, “rượu trong”, “mâm ngọc”, “nhắm quý” mà nhà thơ gợi ra ở đây nhằm chỉ những thứ vật chất mà trong đời, con người ta luôn hướng tới, khát khao được thưởng thức. Hình ảnh của cốc vàng, rượu trong, mâm vàng, nhắm quý đều là những thứ đồ vật quý giá, thức ăn ngon mà xưa nay chỉ có bậc đế vương, vua chúa hay những vị quan “tai to mặt lớn” được thưởng thức. Đối với những người bình dân với cuốc sống lao động vất vả, hàng ngày chỉ mong có miếng cơm no, manh áo ấm mà nói thì những thứ vật chất này rất đáng để khát khao, để mong ước, và mong muốn có thể thưởng thức một lần trong đời. “Một vạn đấu”, “giá mười ngàn” có thể là những con số thật nhưng cũng có thể là những con số ước lệ nhằm nói đến giá trị của những thứ vật chất cao quý kia.

Nếu như hai câu thơ đầu nói về những thứ vật chất mà con người luôn ao ước, khát khao có được thì xuống đến hai câu thơ sau, nhà thơ Lí Bạch đã thể hiện được quan điểm, bản lĩnh của mình khi đứng trước những thứ vật chất phù du ấy:
Dừng chén, ném đũa, nuốt không được
Rút kiếm, nhìn quanh, lòng mênh mang
Hai câu thơ sau như sự phản ứng tất yếu của tác giả khi đối mặt với cái khó mang tên vật chất. “Dừng chén”, “ném đũa” thể hiện sự quyết liệt, gay gắt, có cả sự tức giận. “Nuốt không được” là trạng thái ăn không ngon miệng, khi người ăn bị ức chế về tinh thần. Như vậy, câu thơ này như một lời tuyên bố “không” khảng khái, mạnh mẽ đối với những thứ vật chất ấy. “Rút kiếm” lại là hành động mạnh mẽ hơn, thể hiện sự đoạn tuyệt đến cùng với những thứ phù du ấy. “Lòng mênh mang” thể hiện được trạng thái ung dung, tự tại của tâm hồn, cũng là không gian mênh mông nơi chứa đựng những hoài bão, những lí tưởng cao đẹp khác, không phải sự giới hạn chật hẹp chỉ để chứa thứ vật chất vô nghĩa.

Nói đến cái khó thứ hai của người đi đường, Lí Bạch nhấn mạnh đến những yếu tố do những biến động của tự nhiên. Tức là con người bị động trước những hoàn cảnh bị thiên nhiên chi phối ấy:
Muốn vượt Hoàng Hà, sông đóng băng!
Toan lên Thái Hàng, núi tuyết phơi!
Hoàng Hà, Thái Hàng là các địa danh nổi tiếng của đất nước Trung Quốc, ở đây nhà thơ dùng các địa danh này để nhấn mạnh đến cái tầm vóc, quy mô của những khát vọng của con người, bởi Hoàng Hà, Thái Hàng là những con sông, đỉnh núi cao bậc nhất của Trung Quốc. Nói đến địa danh là cách mà nhà thơ Lí Bạch nói đến những khát vọng, lí tưởng của con người, đó là chinh phục những khó khăn, thử thách trong cuộc sống. Tuy nhiên, quá trình chinh phục ấy không hề dễ dàng gì mà luôn bị tác động bởi ngoại cảnh “sông đóng băng”, “núi tuyết phơi”. Những khó khăn này sẽ làm nhụt đi ý chí, quyết tâm của con người. Đối diện với cái “khó” này, Lí Bạch đã có một cách xử lí vô cùng khéo léo, thể hiện được trí tuệ của một con người tài ba:
Lúc rỗi buông câu hờ khe biếc
Bỗng mơ thuyền lướt cạnh mặt trời
Trong cái hoàn cảnh khó khăn ấy, nhà văn không cố chấp hay lên gân chinh phục cho bằng được mà nhà thơ nghĩ ra được cách khéo léo hơn mà còn mang đầy niềm vui cũng như ý nghĩa. Không chỉ có sông Hoàng Hà mới đáng để chinh phục mà “buông câu hờ khe biếc” cũng mang lại niềm vui sống khi “dỗi”. Hành động tuy giản dị nhưng đầy tính thiết thực, ở đây nhà thơ như muốn nói: thành công đôi khi là ở sự chinh phục những thứ tầm thường, giản dị nhất, vì nó gắn với cuộc sống và phù hợp với khả năng, năng lực của mỗi người.

Tuy lựa chọn thú vui giản dị, dân giã ấy song nhà thơ Lí Bạch cũng thể hiện được khát khao muốn chinh phục, sống chan hoà với tự nhiên “lướt thuyền cạnh mặt trời”. Đây là ước mơ thật đẹp của con người, đó là không còn sự đối chọi giữa tự nhiên với con người. Con người cũng không cố gắng chinh phục đến cùng tự nhiên mà sống hài hoà, thân thiện với tự nhiên chính là sự chinh phục thành công nhất.
Đường đi khó! Đường đi khó
Nay ở đâu, đường bao ngả.
“Đường đi khó” được lặp lại hai lần nhằm nhấn mạnh sự cảm thông của tác giả về những khó khăn trên đường đời “đường bao ngả” mà con người tất yếu sẽ gặp phải khi theo lộ trình của cuộc đời. Tuy nhiên, sự cảm thông này chỉ là bước đệm để Lí Bạch thể hiện sự quyết liệt, mạnh mẽ khi khẳng định sẽ vượt qua tất cả:
Cưỡi gió, phá sóng hẳn có ngày
Treo thắng buồm mây vượt biển cả
“Cưỡi gió”, “phá sóng”, “treo thắng”, “vượt biển cả” là hệ thống động từ mà Lí Bạch dùng để nhấn mạnh sự quyết tâm cũng như niềm tin của mình trong hành trình chiến thắng những khó khăn, trở ngại. “Hẳn có ngày” là khoảng thời gian tương lai, tuy không xác định rõ ràng được thời điểm song lại nhấn mạnh đến sự tất yếu sẽ xảy ra.

Như vậy, bài thơ Đường đi khó của nhà thơ Lí Bạch vừa liệt kê ra những khó khăn trên hành trình chinh phục số phận của con người, song cũng là sự động viên, niềm tin mãnh liệt của nhà thơ vào sức mạnh, sức chinh phục khó khăn của con người. Đồng thời, qua bài thơ, ta cũng cảm nhận được vẻ đẹp trí tuệ, vẻ đẹp bản lĩnh trong chính tâm hồn của nhà thơ.