Phân tích nhân vật ông giáo trong truyện ngắn “Lão Hạc” (3)

Việt Nam / Lớp 8 » Nam Cao » Lão Hạc

Chưa có đánh giá nào
Viết truyện ngắn Lão Hạc Nam Cao không lạnh lùng khách quan mà chân thực, gắn bó, không thờ ơ, hững hờ mà tha thiết cảm động. Nhà văn coi mình là người trong cuộc (ý của Hà Minh Đức). Ấy là bởi có nhân vật ông giáo.

Truyện ngắn Lão Hạc nếu mất đi nhân vật ông giáo quả là một sự thiếu sót. Ông giáo đã làm sáng lên, nêu bật nội dung tư tưởng sâu sắc của tác phẩm.

Nam Cao được đánh giá là nhà văn hay trăn trở về cuộc đời, trăn trở về thân phận con người, Nhân vật ông giáo được đặt vào tác phẩm không phải là không có chủ định. Với vai trò là người dẫn chuyện, kể chuyện, ông giáo trực tiếp thổ lộ, biểu hiện những tình cảm của mình một cách tự nhiên, khái quát. Tác phẩm trở nên phong phú như được phả vào một luồng tình cảm chắt lọc từ một con người có tấm lòng chân chính – ông giáo.

“Ốm dậy, tôi về quê. Hành lí chỉ vẻn vẹn có một cái va-li đựng toàn những sách. Ôi những quyển sách rất nâng niu... Sau cùng, chỉ còn có năm quyển, tôi nhất định dù có phải chết cùng không chịu bán. Ấy thế mà tôi cũng, bán! Mới cách đây có hơn một tháng thôi, đứa con nhỏ của tôi bị chứng kiết lị gần kiệt sức... Không! Lão Hạc ơi! Ta có quyền giữ cho ta một tí gì đâu?” Những lời chua chát đắng cay thấm vào từng câu chữ. Ông giáo đã có một thời cao vọng, đầy những say mê, nhiệt huyết, nguyện cống hiến cho đời tất cả tài năng trí tuệ. Nhưng hình như cuộc sống thực tại đã trói chặt và xoá mờ những ước mơ đó. Cái gì đẹp hơn là một con người nguyện công hiến toàn bộ lí tưởng đó lại bị một bức tường ngăn trước mặt. Tính cách của ông giáo có sung sướng lão Hạc. Nhân vật này là hình bóng của nhân vật trí thức tiểu tư sản nghèo của Nam Cao, là đối tượng của nhà văn khai thác. Đó cũng là hình bóng, là hiện thân của Nam Cao.

Là một con người được nếm trải - và chứng kiến bao cảnh sống, ông giáo luôn canh cánh bền lòng nỗi trăn trở về cuộc đời, về con người. Trong tác phẩm đã rất nhiều lần ông giáo phải thốt lên những lời đắng cay, chua xót về mối quan hệ giữa con người và con người, sự biến mất ở mỗi con người: Chao ôi! Đối với những người ở quanh ta... không bao giờ ta thấy họ là những người đáng thương; không bao giờ ta thương. Không! Cuộc đời chưa hẳn đã đáng buồn, hay vẫn đáng buồn nhưng lại đáng buồn theo một nghĩa khác. Sự lo lắng, băn khoăn của ông giáo cũng là nỗi niềm của Nam Cao. Tâm sự của nhân vật mang một nỗi đau về thời thế. Thật sâu sắc và trân trọng. Nhưng đó cũng là con người bất lực – “lực bất tòng tâm”, chỉ biết kêu lên những lời ca tha thiết. Ông giáo không biết và không chỉ ra được con đường thoát cho lão Hạc cũng không tìm được con đường thoát cho chính mình. Đó cũng là đặc điểm của bao nhân vật tiểu tư sản nghèo trong tác phẩm của Nam Cao.

Được học hành, nếm trải ông giáo có một sự hiểu biết và lòng thương yêu rất mực đối với con người, một lòng thương quê mình. Đối với vợ – một người hay đánh giá lầm lạc về con người, ông giáo chỉ có thể buồn chứ không nỡ giận. Bởi hiểu biết về quy luật khắc nghiệt của cuộc sống, ông giáo đã sẵn sàng tha thứ tính xấu hay những lầm lạc của con người. Một sự bao dung nhìn nhận con người một cách đúng đắn. Đặc biệt với nhân vật lão Hạc, ông giáo càng thể hiện tấm lòng mình. Ông là người biết nhìn nhận cái đẹp và trân trọng cái đẹp. Chính vì vậy mà đã có lúc ông lo sợ cái đẹp ở con người lão Hạc có thể biến mất. Ông giáo đã tìm thấy con người bề ngoài có vẻ lẩm cẩm kia chứa đựng bên trong một vẻ đẹp sáng ngời. Chính vì thế mà ngòi bút của Nam Cao qua nhân vật ông giáo, ban đầu thì lạnh lùng, nhưng càng về sau càng tha thiết càng gắn bó.

Sống trong một xã hội mà con người lừa dối lẫn nhau, có được một sự hiểu biết đúng đắn và một trái tim như ông giáo quả là đáng quý. Ông giáo có cách nhìn nhận về người nông dân có lúc lầm lạc, nhưng cuối cùng thì ông cũng thấy được vẻ đẹp đáng trân trọng ở họ. Dù phải sống trong một hoàn cảnh không sung sướng gì nhưng ông giáo luôn luôn giúp đỡ những người đói khổ hơn mình: Tôi giấu giếm vợ tôi, thỉnh thoảng giúp ngấm ngầm lão Hạc.

Trên cương vị là nhân vật xưng tôi, ông giáo đã không giấu giếm những suy nghĩ, tình cảm đối với người đọc. Đó cũng là cách khai thác nội tâm nhân vật của Nam Cao. Ông giáo trở thành tri kỉ của những con người đau khổ như lão Hạc. Ông giáo đã chứng kiến và thực sự xúc động trước nỗi đau của lão Hạc: “Đôi mắt lão ầng ậng nước,... Lão hu hu khóc...”

Người ta đánh giá Ngô Tât Tố là nhà văn trân trọng người nông dân nhất, còn Nam Cao, thông qua nhân vật ông giáo cũng đã thể hiện một tấm lòng rất mực thông cảm đối VỚI người nông dân. Ông giáo đến với lão Hạc, làm bạn với lão Hạc, đó là sự đến với con người.

Truyện ngắn Lão Hạc khép lại với tiếng thổn thức tận đáy lòng ông giáo. Sự tiếc cho một cái đẹp đã vĩnh viễn mất đi, tấm lòng và sự hiểu biết của ông giáo quả là không thể thiếu được trong tác phẩm.

Dù còn những mặt hạn chế, nhưng nhân vật ông giáo là một tấm gương hiếm hoi về lòng đôn hậu, về cách nhìn nhận và trân trọng những phẩm chất cao đẹp của những con người đau khổ ở cái xã hội rối ren đầy cạm bẫy. Ông giáo cũng là nhân vật Nam Cao trân trọng và gửi gắm tấm lòng mình. Chủ nghĩa nhân đạo qua nhân vật ông giáo đã giúp cho tác phẩm một tiếng nói của con người chứng kiến và cảm nhận câu chuyện. Từ lúc mở đầu cho đến kết thúc. Đồng thời qua nhân vật ông giáo, ta còn phát hiện được những điều độc đáo, mới mẻ trong cách xây dựng nhân vật của Nam Cao. Ông giáo được xây dựng qua dòng suy nghĩ, tình cảm của tác giả. Nhân vật ông giáo đã ghi một dấu ấn khó quên trong lòng người đọc và chiếm một vai trò quan trọng

trong tác phẩm. Nhân vật còn hướng chúng ta tới những điều chân, thiện, mĩ. Cho nên không chỉ bằng nhân vật lão Hạc mà bằng nhân vật ông giáo, tác phẩm Lão Hạc của Nam Cao đã truyền được hơi thở của cuộc sống, những băn khoăn day dứt của con người đến chúng ta và do đó truyền được cái đẹp đến với chúng ta.