Phân tích nghệ thuật châm biếm trong bài thơ “Lai Tân”

Việt Nam / Lớp 11 » Hồ Chí Minh » Lai Tân

14.00
Nổi bật nhất về nội dung trong Nhật kí trong tù là hai giá trị. Thứ nhất, qua những trang nhật kí của Bác, ta gặp những bức tranh chân thực về chế độ nhà tù Tưởng Giới Thạch. Những hình tượng điển hình này có ý nghĩa khái quát như những bức tranh xã hội. Nội dung thứ hai trong tập Nhật kí trong tù là bức chân dung tự hoạ thế giới tâm hồn của con người “đại nhân, đại trí, đại dũng”.

Nếu bài Mộ tiêu biểu cho nội dung thứ hai thì Lai Tân rất tiêu biểu cho nội dung thứ nhất.

Lai Tân sử dụng nghệ thuật chậm biếm hết sức sắc sảo độc đáo, đạt hiệu quả cao. Nó không dừng lại đả kích một vài tên quan cụ thể mà thông qua những bộ mặt cá nhân này, ta thấy cả bộ mặt xã hội đang ở thời kì mục nát.

Kết cấu bài thơ gồm hai phần rất chặt chẽ. Ba dòng đầu là những câu trần thuật rất khách quan về ba nhân vật “ban trưởng, cảnh trưởng và huyện trưởng”. Phần thứ hai là câu thơ cuối. Nó thay đổi từ giọng trần thuật khách quan sang trữ tình chủ quan. Đó là đánh giá, phát biểu cảm nghĩa của người viết.

Câu thơ thứ nhất tiếp cận một nhân vật mà người tù nhấn ngày nào cũng thấy mặt “Giam phòng ban trưởng thiên thiên đố”, có nghĩa là “Ban trưởng nhà giam ngày này đến ngày khác đánh bạc”. Rõ ràng đây là sự ghi nhận hiện thực rất khách quan, không hàm ý chê bai, phê phán như trong bản dịch thơ:
Ban trưởng nhà lao chuyên đánh bạc.
Hành động đánh bạc ở bất cứ quốc gia nào, thời kì nào cũng được coi là hành vi xấu. Nước Trung Hoa vào những năm đầu thế kỉ XX coi đây là một hành động phạm pháp. Vì tội này kẻ đánh bạc có thể phải ngồi tù. Lạ lùng thay, kẻ thi hành luật pháp, đang giam giữ những người tù đánh bạc lại là kẻ say mê máu đỏ đen; kẻ hành pháp ngang nhiên phạm pháp.

Nhiệm vụ của ban trưởng nhà giam có rất nhiều việc cần phải làm. Ấy vậy mà, tất cả thời gian có mặt làm công vụ, ban trưởng lại dành cho việc sát phạt bạc tiền với tù nhân.

Hai tiếng “thiên thiên” đã khẳng định tính quy luật ngày này đánh bạc, ngày sau đánh bạc, và ngày sau nữa nhiệm vụ của hắn cũng là đánh bạc.

Ở câu thơ thứ hai, lời trần thuật khách quan đã lồng thái độ ghê tởm và phẫn nộ bởi hai tiếng “tham thôn”. Cảnh trưởng gắn bó với bản chất tham lam. Hắn ăn hối lộ, nuốt những miếng to.
Cảnh trưởng tham thôn giải phạm tiền
Quả là “cảnh trưởng” tham lam nuốt trôi những đồng tiền của phạm nhân được giải đi. Lời dịch thơ đã không tố cáo được bản chất của quan “cảnh trưởng” huyện Lai Tân:
Giải người, cảnh trưởng kiếm ăn quanh
Cả hai nhân vật “ban trưởng” và “cảnh trưởng” đều cùng hệ thống - nghĩa là cả hai đều phụ trách về an ninh của huyện Lai Tân. Cả hai đều giống nhau chữ “trưởng”. Tức là những kẻ có quyền chóp bu. Tuy nhiên, dưới “cảnh trưởng” là “ban trưởng”.
Cái khác nhau của hai nhân vật này chính là mối quan hệ trên dưới. Ngài “ban trưởng” dĩ nhiên là thuộc cấp của “cảnh trưởng”. Hình như có một sự bất thường trong hai câu thơ. Đáng lẽ ra “ban trưởng” thì tham lam, bóc lột tiền của phạm nhân, Còn “cảnh trưởng” thì ngày ngay đánh bạc bởi những đồng tiền do ban trưởng dâng cho. “Ban trưởng” tiểu nhân vô lại thì trắng trọn là đúng. Còn “cảnh trưởng” là tai to mặt lớn, ăn tiền của phạm nhân cần lánh đáo, cần phi tang qua trung gian!

Vậy mà ở đây “cảnh trưởng” lại là người ăn tiền một cách trắng trợn vô liêm sỉ. Người ta tự hỏi “ban trưởng” lấy tiền ở đâu mà ngày ngày cũng có để sát phạt? Trong nguyên văn của bài thơ này Hồ Chí Minh không nói tới mánh khoé của hắn. Nhưng ở những trang nhật kí khác, ta có thể thấy nguồn tiền bẩn thỉu này ở đâu ra.
Đánh bạc ở ngoài quan bắt tội.
Trong tù đánh bạc được công khai
Bị tù, con bạc ăn năn mãi
Sao trước không vô quách chốn này
Hoặc:
Mới đến nhà giam phải nạp tiền
Lệ thường ít nhất năm mươi nguyên
Trớ trêu hơn:
Nếu anh không có tiền đem nạp
Mỗi bước anh đi mỗi bước phiền.
Vào lao phải nộp khoản tiền đèn
Tiền Quảng Tây vừa đúng sáu nguyên.
Thượng cấp của “ban trưởng’’ lạ lùng thay lại không có máu me cờ bạc. Chỉ cần một sự thay đổi phòng giam, thay đổi nơi chốn trại giam thì tù phải cung phụng tiền bạc. Có lẽ để tránh những phòng giam đầy rẫy nhưng con “đại bàng khát máu” những người tù phải cho cảnh trưởng những đồng tiền nặng túi. Như vậy “ban trưởng” chỉ kiếm tiền nhỏ để mua vui bằng đánh bạc. “Cảnh trưởng” tìm được những món tiền lớn hơn. Vì vậy hạnh phúc của ngài là được ngắm tiền chứ không phải là dùng tiền để chơi.

Xã hội bất thường khi những kẻ cầm quyền làm tiền bất chính trên mồ hôi nước mắt của dân. Xã hội mục rỗng đến tận cùng khi mà kẻ có quyền lực không còn giấu giếm thủ đoạn kiếm tiền. Nó công khai lấy tiền bằng những hành động hèn hạ.

Vẫn theo lối trần thuật khách quan của thể loại “kí”, câu ba cho ta hình tượng về người đứng đầu chính quyền, của huyện Lai Tân.
Huyện trưởng thiêu đăng biện công sự
Nghĩa là chong đèn, huyện trưởng giải quyết những công việc của chính quyền. Nếu tách hẳn câu thơ này ra khỏi bài thì đây thật là vị quan “chí công vô tư” xứng đáng là “phụ mẫu chi dân” đèn trời soi thấu nhân gian.

Việc công thường được giải quyết trong giờ hành chính. Vậy mà trong đêm, quan cũng không yên giấc lành. Những nỗi đau, những nỗi oan của dân vẫn làm cho quan phụ mẫu phải thao thức. Quan phải giải quyết công việc, cân nhắc mọi lẽ để có tình có lí, đem lợi lộc cho dân đen con đỏ.

Không hề thấy tín hiệu nào cho biết quan đang ở đâu. Có khả năng là ở công đường, cũng có khả năng là ở tư gia và không loại trừ có người nhìn thấy quan bước vào nhà nào đó rồi chong đèn thâu đêm. Nhưng theo giọng điệu của câu thơ thì người viết đã tỏ ra “thật thà”. Dù ở đâu quan “chong đèn” thì ở đó quan cũng lo cho nhân dân.

Có một ngạn ngữ rất nổi tiếng: “Nếu cho tôi biết thuộc cấp của anh là người thế nào, tôi cho biết anh là người thế nào”. Chả lẽ thuộc cấp của “huyện trưởng” là những thằng lưu manh dùng quyền uy để phạm pháp mà “huyện trưởng” lại là người “chính nhân quân tử”? Chắc hẳn “huyện trưởng” phải lưu manh hơn, phải là kẻ phạm tội lớn hơn, phải là kẻ lợi dụng chức quyền để làm những chuyện tày trời hơn!

Chúng ta biết rằng vùng đất Quảng Tây những năm 40 thế kỉ XX là nơi sản xuất, mua bán rất nhiều thuốc phiện. Thói quen của những kẻ nhiều bạc lắm tiền ở đây là hút thuốc phiện. Ngọn đèn dầu lạc luôn luôn đồng nghĩa với những cuộc làm bạn với “nàng tiên nâu”. Ba nhân vật cao nhất của chính quyền huyện Lai Tân là ba con người phạm tội. Mỉa mai hơn là chúng dùng quyền lực để công khai phạm pháp. Cả ba chỉ lo cho chính mình. Cả ba sinh ra để làm hại dân, bóc lột dân. Chính quyền thối nát đến như vậy mà câu thơ thứ tư lại là một nhận xét “mát mẻ, nhẹ nhàng”.
Lai Tân y cựu thái bình thiên
Nghĩa là ngày nào Lai Tân cũng thái bình như xưa. Vậy là Lai Tân rất thái bình, dân tình rất yên ổn, quan lại cũng yên ổn chỗ ngồi. Ngày hôm nay người dân Lai Tân vẫn sống không khác ngày xưa. Quan lại vẫn ngồi trên đầu trên cổ của nhân dân.

Chính quyền Lai Tân, bây giờ là Trung Hoa dân quốc. Chính thể dân chủ tự hào đã tiêu diệt được chế độ quân chủ. Chế độ hôm nay ắt hẳn hơn chế độ xưa. Ấy mà, Hồ Chí Minh lại so sánh ngày thái bình hôm nay như ngày thái bình xưa kia. Dân chủ hay quân chủ thì cũng là “y cựu” cả thôi!

Câu thơ cuối cùng chứa đựng phong cách châm biếm của Nguyễn Ái Quốc ở Pháp giờ thể hiện ở Hồ Chí Minh trên đất Trung Quốc. Lời nói có vẻ dửng dưng nhẹ nhàng nhưng mang sức mạnh chiến đấu. Thái độ đả kích là rất quyết liệt, rất mạnh mẽ!

Mở đầu cuốn Truyện Kiều bất hủ của mình, đại thi hào Nguyễn Du viết:
Rằng năm Gia Tĩnh, triều Minh
Bốn phương phẳng lặng, hai kinh vững vàng.
Ấy vậy mà có một địa ngục trần gian ở trong tác phẩm. “Trời đất Lai Tân vẫn thái bình”, vậy mà:
Ban trưởng nhà lao chuyên đánh bạc
Giải người, cảnh trưởng kiếm ăn quanh
Chong đèn huyện trưởng làm công việc.