Phân tích đoạn trích “Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga” (2)

Việt Nam / Lớp 9 » Nguyễn Đình Chiểu » Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga (trích Hồi 3 “Truyện Lục Vân Tiên”)

Chưa có đánh giá nào
Truyện Lục Vân Tiên là truyện Nôm nổi tiếng của Nguyễn Đình Chiểu, đề cao trung, hiếu, tiết, nghĩa, phê phán thói phản, trắc, đố kị, bất nhân bất nghĩa. Lục Vân Tiên là nhân vật anh hùng, văn võ toàn tài, thể hiện trọn vẹn ước mơ, lí tưởng của tác giả. Đoạn Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga là đoạn kể về chiến công đầu tiên chàng trai họ Lục và cũng là cuộc gặp gỡ kì lạ đầu tiên giữa hai nhân vật chính trong truyện, một hình thức giới thiệu nhân vật thường thấy trong lối tự sự. Đoạn văn đã thể hiện nổi bất khí phách anh hùng và tinh thần nghĩa khí của Luc Vân Tiên, cũng như lòng biết ơn, lưu luyến của Kiều Nguyệt Nga.

Sau khi từ biệt thầy học, lên đường lập nghiệp, Vân Tiên một mình đã qua mấy ngày đường đang tìm nơi trú chân và kết bạn thì gặp phải đám cướp làm cho dân làng tán loạn. Hỏi được nguyên nhân, Vân Tiên khảng khái xin nhận việc diệt cướp:
Tôi xin đem sức anh hào
Cứu người cho khỏi lao đao buổi này
Mặc cho mọi người khuyên can, ngăn cản, Vân Tiên vẫn một lòng xông ra.

Đoan mở đầu với việc Vân Tiên tìm vũ khí:
Vân Tiên ghé lại bên đàng
Bẻ cây làm gậy nhằm làng xông vô
Chiếc gậy bằng cây là một vũ khí quá thô sơ trước một đảng cướp khét tiếng: nhưng với vũ khí đó càng chứng tỏ tinh thần anh dũng của Vân Tiên.

Cái cách đánh giặc của chàng cũng công khai, đàng hoàng, quang minh, chính dại như các anh hùng hảo hán: gọi tên, trách mắng. Tên giặc điên cuồng kêu quân vây bủa. Vân Tiên một mình tả đột hữu xung:
Lâu la bốn phía vỡ tan
Đều quăng gươm giáo tìm đàng chạy ngay
Phong Lai trở chẳng kịp tay
Bị Tiên một gậy thác rày thương vong.
Trận đánh kết thúc nhanh chóng như trong truyện cổ tích. Người đọc chưa kịp hồi hộp mà quân giặc dường như chỉ chơ Vân Tiên đến là bỏ chạy và chịu chết. Đó không phải trận đánh của vũ lực mà là trận đánh chính nghĩa chống gian tà.

Sau trận diệt cướp là cuộc gặp gỡ với người đẹp gặp nạn. Điều thú vị là cuộc gặp gỡ này chỉ có toàn đối thoại, người hỏi, người đáp ngoài ra không có miêu ta. Hình như Vân Tiên chỉ nắm bắt thông tin bằng kênh nghe: Vân Tiên “Hỏi: AI ở trong xe này?”. Rồi lời đáp và than khóc:
Khoan khoan ngồi đó chớ ra
Nàng là phận gái, ta là phận trai
Tiểu thư con gái nhà ai
Đi đâu nên nỗi mang tai bất kì
Chẳng hay tên họ là chi
Khuê môn phận gái việc gì đến đây?
Trước sau chưa hãn dạ này
Hai nàng ai tớ ai thầy nói ra?
Tiếp theo là Nguyệt Nga “Thưa rằng” một thôi (22 dòng). Rồi:
Vân Tiên nghe nói liền cười
Làm ơn há dễ trông người trả ơn
Nay đà rõ dặng nguồn cơn
Nào ai tính thiệt so hơn làm gì
Nhớ câu kiến nghĩa bất vi
Làm người thế ấy cũng phi anh hùng
Tuy chỉ là hỏi đáp nhưng lời hỏi của Vân Tiên chứng tỏ chàng quang minh chính đại. Lời hỏi dõng dạc: muốn phân định ranh giới nam nữ rõ ràng, muốn biết rõ lí lịch cô gái, nguyên nhân mắc nạn phân biệt thứ bậc tớ thầy. Ngay hành động anh hùng chàng cũng không muốn nhập nhằng với việc làm ơn. Đó là một nhân cách sáng ngời. Nụ cười của chàng mới thiệt hiền lành. Chỉ có hỏi đáp mà tính cách Vân Tiên hiện lên thật đẹp đẽ.

Câu trả lời của Nguyệt Nga cũng thể hiện phẩm chất hiền thục của nàng. Nàng một lòng vâng theo cha mẹ:
Làm con đâu dám cãi cha
Ví đầu ngàn dặm đàng xa cũng đành
Nàng cảm ơn cứu mạng và một lòng muốn được đền ơn:
Hà khê qua đó cũng gần
Xin theo cùng thiếp đền cho chàng
Gặp đây đương lúc giữa đàng
Của tiền chẳng có, bạc vàng cũng không
Tưởng câu bảo đức thù công
Lấy chi cho phỉ tấm lòng cùng ngươi
Lúc nào nàng cũng muốn làm theo đức hạnh. Chỉ mấy nét mà tác giả đã cho thấy một người nết na, đức hạnh theo quan niệm truyền thống.

Tóm lại đoạn Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga thực chất là đoạn thơ giới thiệu nhân vật. Qua đoạn này, phẩm chất cao đẹp, đức hành của hai nhân vật đã được bộc lộ, làm nền tảng cho tình yêu hai người về sau. Lời văn mộc mạc giản dị mà ý tình sâu nặng càng đọc càng thấy ý nghĩa sâu sắc và chắc nịch. Nhân vật nào cũng sống theo những lời day đạo đức cổ truyền. Luc Vân Tiên thì “Nhớ câu kiến ngãi bất vi, làm người thế ấy cũng phi anh hùng”, theo câu “nam nữ thụ thụ bất thân”: “nàng là phận gái ta là phận trai”, rồi thoe câu “Làm ơn há dễ trông người trả ơn”. Kiều Nguyệt Nga thì theo câu “Làm con đâu dám cãi cha”, lại theo câu “báo đức thù công”. Ta có thể nói trong các truyện Nôm, đây là những nhân vật “cổ điển nhất trong các nhân vật “cổ điển”.