Phát biểu cảm nghĩ về truyện “Sự tích Hồ Gươm” (6)

Việt Nam / Lớp 6 » Khuyết danh Việt Nam » Sự tích Hồ Gươm

15.00
Tìm hiểu, suy ngẫm về chùm truyền thuyết cổ xưa xuất hiện trong thời đại các vua Hùng dựng nước như Con Rồng cháu Tiên; Thánh Gióng; Sơn Tinh, Thuỷ Tinh... chúng ta thấy các nhân vật và sự kiện lịch sử đã được nhào nặn, kì ảo hoá, lí tưởng hoá khiến cho chất thực mờ đi, chất mộng mơ, lãng mạn, tưởng tượng hiện rõ. Tiếp sau các truyén thuyết đẫm chất mộng, chất thơ ấy, tổ tiên chúng ta sáng tác nhiều truyền thuyết tiêu biểu mang nhiều yếu tố sự thật lịch sử hơn. Một trong những tác phẩm tiêu biểu có cốt lõi lịch sử nổi bật là truyền thuyết Sự tích Hồ Gươm. Đây là loại truyền thuyết vừa giải thích nguồn gốc một địa danh vừa tôn vinh những danh nhân, những anh hùng nổi bật trong lịch sử có công với dân, với nước. Sự tích Hồ Gươm là một trong hàng trăm sáng tác dân gian về Lê Lợi và khởi nghĩa Lam Sơn ở thế kỷ XV. Tuy tác phẩm mang cốt lõi lịch sử nổi bật, nhưng vẫn có những chi tiết kì ảo, tưởng tượng đặc sắc, toát và nhiều ý nghĩa. Đọng lại trong suy ngẫm và cảm xúc của người kể, người nghe truyền thuyết này là hình ảnh thanh kiếm "Thuận Thiên". Nói khác đi, đây là câu chuyện "Trời trao gươm báu, việc lớn ắt thành công".

1. Vì sao đức Long Quân cho mượn gươm?

Qua truyền thuyết, chúng ta hiểu rằng: Lúc bấy giờ giặc Minh đô hộ nước ta, làm nhiều điều bạo ngược, nhân dân ta: trời đất và lòng người - căm giận chúng đến tận xương tuỷ. Ở vùng Lam Sơn, Lê Lợi đã tạp hợp những người dân có nghĩa khí nổi dậy chống giặc. Những ngày đầu, nghĩa quân lực yếu, lương thảo ít, thanh thế chưa cao, nhiều lần bị thua trận. Đức Long Quân quyết định cho nghĩa quân mượn gươm thần để giết giặc. Như vậy, trời đã thấu hiểu việc đời, lòng dân. Việc làm của nghĩa quân Lam Sơn hợp ý trời, được tổ tiên, thần linh ủng hộ, giúp đỡ. Nhưng cách ủng hộ, giúp đỡ ấy không đơn giản, dễ dàng mà nhiều thử thách, đòi hỏi con người phải thông minh, phải giàu bản lĩnh và có quyết tâm cao.

2. Cách Long Quân cho mượn gươm, Lê Lợi nhận gươm và tổ chức chiến đấu như thế nào?

a) Từ trong lòng nước, lưỡi gươm đến tay người dân. Chàng Lê Thận đánh cá, ba lần quăng chài thả lưới, kéo lưới vẫn chỉ thấy thanh sắt lạ "chui vào lưới mình". Đưa thanh sắt cạnh mồi lửa, chàng nhận ra một lưỡi gươm. Vậy là, người dân bình thường ấy đã được sông nước tặng vũ khí, thôi thúc chàng lên đường tham gia nghĩa quân. Nhưng "lưỡi gươm" kia vẫn ngủ im. Kể cả lúc chủ tướng Lê Lợi cầm lên xem, thấy hai chữ "Thuận Thiên" khắc sâu vào lưỡi gươm, mọi người vẫn không biết đó là báu vật. "Thuận Thiên" nghĩa là "hợp lòng trời, thuận với ý trời". Có thể Lê Lợi hiểu nghĩa của hai chữ đó, nhưng chưa thấu tỏ được ý thiêng, thâm thuý của thần linh. Đây cũng là một câu đố, một thứ thách, đòi hỏi trí thông minh, sự sáng tạo của con người. Trong các truyền thuyết trước, đã xuất hiện những "bài toán", câu đố. Đến truyện này, câu đố hiện lên ở một vật thiêng bằng chữ thánh hiền khiến cho cả nhân vật trong truyện và người đọc chúng ta băn khoăn, hồi hộp. Câu đố tiếp tục xuất hiện, thần linh tiếp tục thử thách. Lần này sự thử thách không đến với dân mà hiện ra trước mắt người chủ tướng. Trên đường lui quân, Lê Lợi bỗng thấy "có ánh sáng lạ trên ngọn cây đa... trèo lên mới biết đó là một cái chuôi gươm nạm ngọc. Nhớ đến lưỡi gươm ở nhà Lê Thận...". Ít ngày sau "khi đem tra gươm vào chuôi thì vừa như in". Như vậy là trải qua một quá trình thử thách, thần linh đã phát hiện được người đủ tài đủ đức, có trí sáng, lòng thành để trao gươm báu. Ta thử ví dụ, sau khi vớt được thanh sắt - lưỡi gươm, chàng ngư dân Lê Thận không gia nhập nghĩa quân, không chiến đấu dũng cảm để được Lê Lợi quý mến, gần gũi và chủ tướng Lê Lợi khi nhìn thấy cái chuôi gươm nạm ngọc không nhớ tới lưỡi gươm nhà Lê Thận... thì sự việc sẽ ra sao? Có thể nói, từ trong lòng nước, lưỡi gươm vào tay người dân rồi từ trên rừng sâu, núi cao, chuôi gươm thôi thúc chủ tướng để hoàn thiện một thanh gươm, để hoà hợp ý trời và lòng dân, dũng khí của quân và trí sáng của tướng, hoà hợp lực lượng miền xuôi, sông nước và lực lượng người dân miền núi, rừng già. Điều này gợi nhớ lời dặn xưa của bố Rồng, mẹ Tiên "kẻ miền núi, người miền biển, khi có việc gì thì giúp đỡ nhau, đừng quên lời hẹn...".

Các chi tiết xung quanh việc cho mượn gươm, việc nhận gươm và hai chữ "Thuận Thiên" khắc trên gươm lung linh màu sắc kì ảo, toả sáng biết bao ý nghĩa sâu xa. Tất cả đã đọng lại rồi ngân lên trong câu nói của Lê Thận khi dâng gươm cho Lê -Lợi: "Đây là Trời có ý phó thác cho minh công làm việc lớn. Chúng tôi nguyện đem xương thịt của mình theo minh công, cùng với thanh eươm thần này để báo đền Tổ quốc!". Sáng tạo câu chuyện trao gươm "Thuận Thiên" như thế, nhân dân ta khẳng định tính chất chính nghĩa và tôn vinh vai trò, uy tín, tài năng phẩm chất người chủ tướng, vị minh công, người anh hùng Lê Lợi trong công cuộc kháng chiến chống giặc Minh lúc bấy giờ.
Trời thử lòng trao cho mệnh lớn
Ta gắng chí khắc phục gian nan
(Bình Ngô đại cáo)
Sau này, trong bản hùng văn Bình Ngô đại cáo, Nguyễn Trãi đã thâu tóm sự việc trời trao gươm, dân gửi niềm tin và ý chí, quyết tâm đánh giặc của Lê Lợi bằng hai câu văn đặc sắc như thế. Không rõ truyền thuyết Long Quân cho Lê Lợi mượn gươm có trước, hay bài hùng văn của Nguvễn Trãi có trước? Điều chắc chắn rằng, đối với cuộc khởi nghĩa Lam Sơn nói chung, cá nhân Lê Lợi nói riêng, nhân dân ta dã tôn vinh bằng những hình ảnh, chi tiết, sự việc, lời văn đẹp nhất.
b) Sau khi nhận được gươm thần, nhận sứ mệnh thiêng liêng của Trời Đất và muôn dân, Lê Lợi cùng nghĩa quân đã bừng lên một sức sống mới. "Nhuệ khí của nghĩa quân ngày một tăng..., thanh gươm thần tung hoành khấp các trận địa... Uy thế của nghĩa quân vang khắp nơi... Họ... xông xáo đi tìm giặc... Gươm thần mở đường cho họ đánh... cho đến lúc không còn bóng một tên giặc nào trên đất nước". Đoạn truyện ở cuối phần một của áng truyền thuyết không có sự việc nào nổi bật mà chỉ là mấy lời trần thuật ngắn gọn. Nhưng lời văn đi liền một mạch, tốc độ lời kể, giọng kể chuyển dộng mỗi lúc một nhanh, dồn dập, sôi nổi... nghe thật hào hùng, sảng khoái. Âm hưởng áng văn chương truyền miệng dân gian như đồng vọng với âm hưởng tác phẩm văn học viết của danh nhân văn hoá Nguyễn Trãi lúc bấy giờ:
Đánh một trận sạch không kình ngạc
Đánh hai trận tan tác chim muông
Cơn gió to trút sạch lá khô
Tổ kiến hổng sụt toang đê vỡ...
(Bình Ngô đại cáo)
Đúng là "Trời trao gươm báu, việc lớn ắt thành công"!

3. Việc lớn thành công rồi, gươm thần trả lại Long Quân như thế nào? Việc ấy có ý nghĩa gì?

Hoàn cảnh diễn ra việc trả gươm khá đặc biệt. Đất nước thanh bình, nhân dân sống yên vui, vua và quần thần được tạm nghi ngơi, dạo mát, ngắm cảnh trên mặt hồ, cái lẵng hoa xanh mát, con mắt ngọc long lanh giữa kinh thành. Hồ có tên là Tả Vọng, có lẽ vì hồ nằm ở phía trái cung vua, nhìn về cung điện. Một cái tên bình thường không có gì đặc sắc. Điều đặc sắc là "Khi thuyền rồng tiến ra giữa hồ, tự nhiên có một con rùa lớn nhô đầu và mai lên khỏi mặt nước". Trong khi đó lưỡi gươm thần đeo bên người đức vua "tự nhiên động đậy..." Và Rùa nói được tiếng người: "Xin bệ hạ hoàn gươm lại cho Long Quân! Vua nâng gươm hướng về phía Rùa Vàng... Rùa há miệng đớp lấy thanh gươm và lặn xuống nước...", việc trả gươm diễn ra mau chóng, toàn là những chi tiết kì ảo, vừa như có thật, lại vừa như không thật, vừa là chuyện con người lại vừa là chuyện của thần thánh. Nghe chuyện và tưởng tượng, chúng ta không khỏi bàng hoàng, suy ngẫm. Vậy việc trả gươm trên hồ Tả Vọng, sau được đổi thành Hồ Gươm, hồ Hoàn Kiếm có ý nghĩa gì? Trước hết việc ấy phản ánh tư tưởng, tình cảm yêu hoà bình của dân tộc ta. Khi có giặc ngoại xâm, cả thần lẫn người, tổ tiên và con cháu hợp sức vung gươm đánh giặc, khi đất nước thanh bình, chúng ta "treo gươm", "cất gươm", "trả gươm" về chốn cũ. Việc ấy cũng có nghĩa là: chúng ta "trả gươm" cho thần thánh, nhờ giữ hộ để "gươm" tạm nghỉ ngơi hoá thân vào khí thiêng non nước. Bọn giặc hãy coi chừng! Hồ Tả Vọng, bên cạnh hoàng cung, nay có tên là "Hoàn Kiếm" sẽ lưu giữ thanh gươm "Thuận Thiên" giữa lòng Tổ quốc, mãi mãi lưu giữ chiến công của nghĩa quân Lam Sơn, thường xuyên nhắc nhở nhân dân nhớ ơn người xưa và cảnh giác trước kẻ thù xâm lược. Tên hồ và "ánh sáng le lói dưới mặt hồ xanh" như trong truyền thuyết kể muôn đời toả sáng các ý nghĩa đó.

Vậy đấy, truyền thuyết Sự tích Hồ Gươm là câu chuyện Trời trao gươm báu, việc lớn của muôn dân ắt sẽ thành công. Bằng những chi tiết tưởng tượng, kì ảo (như gươm thần, Rùa Vàng) kết hợp những sự việc khá hấp dẫn của một áng văn tự sự dân gian, tác phẩm ca ngợi tính chất chính nghĩa, tính chất nhân dân và chiến thắng vẻ vang của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi lãnh đạo ở đầu thế kỉ XV. Truyện cũng nhằm giải thích tên gọi hồ Hoàn Kiếm, đồng thời thể hiện khát vọng hoà bình của dân tộc ta. Bạn ơi! Nếu ở Hà Nội, hay ở bất cứ nơi nào trên Tổ quốc ta, ở đâu trên thế giới, có dịp tới thăm Hồ Gươm, hồ Hoàn Kiếm, hãy lắng nghe, hãy kể cho nhau nghe câu chuyện thần thánh cho mượn gươm, rồi đòi trả lại gươm... bạn nhé!