Phát biểu cảm nghĩ về một số bài ca dao châm biếm trong xã hội phong kiến (2)

Việt Nam / Lớp 7 » Khuyết danh Việt Nam » Ca dao, dân ca: Những câu hát châm biếm

Chưa có đánh giá nào
1. Bài ca dao “Số cô chẳng giầu thì nghèo” nói lên “cái tài” của tay thày bói xem quẻ, đoán quẻ. Một cách nói nước đôi, tất cả đều là chân lý sờ sờ ra đó: “chẳng giầu thì nghèo”, “có mẹ có cha”, “có vợ có chồng”, “chẳng gái thì trai”,.. Có những câu khẳng định sự thật như đinh đóng cột:
Ngày ba mươi tết thịt treo trong nhà
...
Mẹ cô đàn bà, cha cô đàn ông
...
Sinh con đầu lòng chẳng gái thì trai.
Giọng thơ nhẹ nhàng, liền mạch, đúng là lời “phán” quẻ trơn tuôn tuột của tay thầy bói bịp bợm, nói mò nhảm nhí. Bài ca dao không chỉ châm biếm bọn thầy bói kiếm ăn một cách bịp bợm, mà còn phê phán tệ nạn bói toán, mê tín nhảm nhí trong xã hội xưa, nay.

Ca dao, dân ca có nhiều bài châm biếm, giễu cợt bọn “thầy bói nói dựa”:
Tiền buộc dải yếm bo bo,
Trao cho thầy bói, đâm lo vào mình.
Hay
Nhất hào
Nhị hào, tam hào...
Chó chạy bờ ao
Chuột chạy bờ rào...
Quẻ này có động!
Nhà này có quái trong nhà,
Có con chó mực cắn ra bằng mồm.
Nhà bà có con chó đen,
Người lạ nó cắn, người quen nó mừng.
Nhà bà có cái cối xay,
Bốn chân xuống đất, ngõng quay lên trời...
2. Bài ca dao thứ hai là bài ca dao 6 câu lục bát “Cái cò lặn lội bờ ao” đã đặc tả chân dung “chú tôi” của cái cò. Như một lời mối lái. “Cô yếm đào” là ẩn dụ về cô thôn nữ xinh đẹp, xinh tươi. “chú tôi” đang sống độc thân, chưa có người nâng khăn sửa túi:
Hỡi cô yếm đào lấy chú tôi chăng?
“Chú tôi” là một người đàn ông rất đặc biệt. Bốn chữ “hay” giới thiệu cái nết “chú tôi” là say sưa rượu chè. “Hay tửu hay tăm” là nghiện rượu, thích uống rượu ngon, “Hay nước chè đặc” là nghiện chè, nghiện trà ngon. Người nông dân vốn cần cù “hai sương một nắng”, chân lấm tay bùn quanh năm, nhưng chú cái cò lại “hay nằm ngủ trưa”, nghĩa là rất lười biếng:
Chú tôi hay tửu hay tăm,
Hay nước chè đặc, hay nằm ngủ trưa.
Những điều “ước” của chú cái cò cũng rất lạ, ta ít thấy trong tâm lý, trong suy nghĩ của người nông dân xưa nay. “Ước những ngày mưa” để khỏi phải ra đồng làm lụng. “Ước những đêm thừa trống canh” để ngủ được đẫy giấc. Điều “ước” của “chú tôi” vừa kỳ quặc, vừa phi lí. Đêm chỉ có 5 canh, làm sao có thể “đêm thừa trống canh”. Chỉ thích ăn no ngủ kỹ mà lại rất lười biếng không muốn động chân mó tay vào bất cứ công việc gì, nên mới “ước” như vậy:
Ngày thì ước những ngày mưa,
Đêm thì ước những đêm thừa trống canh.
Giọng bài ca nhẹ nhàng mà bỡn cợt. Chú cái cò là hình ảnh người nông dân nghiện rượu chè, thích ăn no ngủ kỹ mà lại rất lười biếng. Đó là đối tượng châm biếm của dân gian được thể hiện một cách hóm hỉnh qua bài ca dao này.

3. Bài ca dao thứ ba nói về một đám ma ở nông thôn ngày xưa. Người chết là con cò, một ẩn dụ về người nông dân, đó là một bác nhiêu, bác xã trong làng. “Chết rũ” là chết nhiều ngày, tử khí đã bốc lên, thế mà vẫn chưa được chôn cất. Cò con, cà cuống, chim ri, chào mào, chim chích... là những ẩn dụ nói về những con người, những hạng người trong làng ngoài xã ngày xưa. Đám ma như một đám rước, đám hội. Người xấu số đã “chết rũ” nhưng thầy cũng còn “mở lịch xem ngày làm ma”. “Cò con” hay “Bố cu mở lịch xem ngày làm ma” như một kịch bản khác đã ghi? Có lẽ “bố cu” mới hợp lý hơn vai thầy cúng ấy. “Cà cuống” là ẩn dụ về những quan viên, những vị có vai vế trong làng thì đến dự đám ma “con cò” là một dịp để tuý luý say sưa “uống rượu la đà”. Đám ma không có một tiếng khóc. Trai tráng, dân bạch định kéo đến để ăn cỗ..., hoặc “chia phần”, hoặc “đánh trống quân”, hoặc “vác mõ đi rao”. Chim ri, chào mào, chim chích là những con người được nói đến rất sống, rất điển hình cho những hạng người “đầu chày đít thớt” của cái làng xôi thịt ngày xưa:
Cà cuống uống rượu la đà,
Chi ri ríu rít bò ra lấy phần.
Chào mào thì đánh trống quân,
Chim chính cởi trần, vác mõ đi rao.
Qua một loại ẩn dụ, với cách nói phóng đại và sáng tạo chi tiết nghệ thuật, bài ca dao đã châm biếm hủ tục ma chay trong dân gian. Cũng xem ngày giờ tốt xấu đưa ma, cũng cỗ bàn linh đình; đám ma được biến thành một đám hội, đám rước. Hình ảnh đáng buồn ấy cho đến nay, ta vẫn còn bắt gặp đó đây!

Trong cuốn Tục ngữ ca dao dân ca Việt Nam, bài ca dao này được ghi như sau:
Con cò chết rũ trên cây,
Bồ cu mở lịch xem ngày làm ma.
Cà cuống uống rượu la đà,
Bao nhiêu cóc nhái nhảy ra chia phần.
Chào mào thì đánh trống quân,
Chim chích mặc quần vắc mõ đi rao...
4. Bài ca dao thứ tư là bức chân dung biếm hoạ về “cậu cai”. Không phải là ông cai, mà là “cậu cai” vì vị chức sắc này còn rất trẻ, hay là cách nói ngọt mơn trớn để châm biếm?

“Nón dấu lông gà” là sắc phụ tượng trưng cho uy quyền. “Ngón tay đeo nhẫn” là biểu tượng cho sự sang trọng. Nhẫn vàng mười hay vàng Mì - Kí (vàng giả)? Chỉ bằng hai chi tiết về ngoại hình, về sắc phục, trang phục, nhà thơ dân gian đã “điểm nhãn” về sự oai vệ và sang trọng của tên cai lệ nơi cửa quan ngày trước. Không phải là khen, là trầm trồ. Đã “cậu cai” rồi lại nói tiếp “gọi là cậu cai”, ngữ điệu, giọng điệu trở lên mơn trớn, châm biếm, giễu cợt:
Cậu cai nón dấu lông gà.
Ngón tay đeo nhẫn gọi là cậu cai.
Vì thế của cậu, thân phận của cậu chỉ là tôi tớ của quan, hầu hạ vợ con quan phụ mẫu. ăn chực nằm chờ mãi mới được quan sai phái. Chữ “ba năm” trong câu ca “Ba năm được một chuyến sai” là cách nói thập xưng.

Bề ngoài cậu cai có thể oai vệ, sang trọng, mỗi lần được quan sai phái đi ra ngoài cũng có áo quần xênh xang, có vẻ ta đây, nhưng thực chất là chỉ “đi mượn”, “đi thuê”. Câu ca là một tiếng cười bật lên, con người thật của cậu cai đã bị lột trần, bị hạ bệ:
Ba năm được một chuyến sai
Áo ngắn đi mượn, quần dài đi thuê
Bốn bài ca dao châm biếm cho thấy nghệ thuật trào lộng dân gian thật sắc sảo, nhiều màu vẻ làm bật ra những tiếng cười. Những thói hư tật xấu, những hủ tục mê tín dị đoan, những hạng người, những hiện tượng lố bịch, đáng cười trong xã hội cũ đều bị châm biếm, giễu cợt, đả kích. Các ẩn dụ, lối phóng đại, cách nói ngược, chọn chi tiết điển hình, tạo dọng điệu buồn cười... là những thủ pháp nghệ thuật châm biếm được các nhà thơ dân gian sáng tạo nên một cách đặc sắc. Tính chiến đấu và phê phán là giá trị đích thực của những bài ca dao châm biếm này. Đến nay nó vẫn còn nhiều ý nghĩa trong việc xây dựng nền văn hoá mới, con người mới, cuộc sống mới văn minh, tiến bộ.