Phân tích vẻ đẹp lãng mạn và kiêu hùng của người lính trong bài thơ “Tây Tiến”

Việt Nam / Lớp 12 » Quang Dũng » Tây Tiến

Chưa có đánh giá nào
Tây Tiến trước hết là một bài thơ phong phú từ hình thức đến nội dung, với hai đặc điểm bao trùm là cảm hứng lãng mạn và âm hưởng bi tráng. Những câu đầu bài thơ đà xác định tâm thế:
Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!
Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi
Tiếng gọi thiết tha về đơn vị cũ vừa cất lên trong tâm tưởng thì dường như trạng thái chơi vơi đã trào dâng choáng ngợp. Được bắt đầu bằng một ngữ cảnh xác định, tất cả những đối tượng của nỗi nhớ đã hội về đầy đủ: Sông Mã (tên địa danh), Tây Tiến (phiên hiệu đơn vị), rừng núi (địa bàn hoạt động)… để từ đó toàn bộ không gian nhớ được mở ra mạnh mẽ và tự nhiên:
Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi
Mường Lát hoa về trong đêm hơi
Những kỷ niệm một thời bắt đầu được mở ra, mỗi kỷ niệm gắn liền với mỗi địa danh và tâm trạng cụ thể. Đặc biệt bốn câu thơ:
Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
Heo hứt cồn mây, súng ngửi trời
Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi
với bút pháp đặc tả và đối lập mạnh mẽ, đã mở ra một trường liên tưởng đặc biệt về một không gian núi rừng hoang dã, hiểm trở, đó chính là điều kiện sinh hoạt, cuộc sống của người chiến sĩ. Ngay trong một câu thơ, sự đối lập giữa hoàn cảnh khó khăn và tư thế oai hùng làng mạn đã song hành:
Heo hút cồn mây, súng ngửi trời
Chữ ngửi ở đây rất tài tình! Đặt trong hoàn cảnh của câu thơ: vừa mới dốc / lên / khúc khuỷu / dốc / thăm thẳm / heo hút cồn mây đã bất ngờ súng ngửi trời. Có gì như hiên ngang thách thức, bất chấp mọi gian nguy! Không gian của câu thơ biến ảo trong biên độ và tiết tấu linh hoạt: dốc, thăm thẳm, heo hút, nghìn thước lên cao, nghìn thước xuống, xa khơi lúc vun vút, lúc khoan thai.

Bốn câu thơ tiếp theo:
Anh bạn dãi dầu không bước nữa
Gục lên súng mũ bỏ quên đời!
Chiều chiều oai linh thác gầm thét
Đèm đếm Mường Hịch cọp trêu người
đặc tả về hình ảnh núi rừng Tây Bắc vừa hùng vĩ, vừa hiểm trở. Mặc dầu vậy, khi hai câu thơ hạ xuống:
Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói
Mai Châu mùa em thơm nếp xôi
kết thúc với toàn những thanh bằng thì những khó khăn gian khổ, hiểm trở núi rừng dường như lắng lại, lan toả trong nỗi nhớ bây giờ là tình cảm quân dân ấm áp nơi người lính đã dừng chân.
Chính cái “điểm dừng” của bài thơ là điều kiện cho không gian nỗi nhớ được mở ra theo cung bậc mới mẻ về một Tây Bắc trữ tình, gợi cảm và thấm đậm chất thơ:
Doanh trại bừng lèn hội đuốc hoa
Kia em xiêm áo tự bao giờ
Những kỷ niệm gặp gỡ của đoàn quân Tây Tiến với đồng bào Tây Bắc sau những cuộc hành quân vất vả, hiểm nguy hiện về trong nỗi nhớ da diết đến nao lòng. Nếu như ở đoạn thơ trước, Quang Dũng thiên về những hình ảnh gân guốc để diễn tả sự khắc nghiệt của thiên nhiên, địa hình thì ở đoạn này – vẫn là Tây Bắc ấy – được thể hiện qua những nét mềm mại, tinh tế và tài hoa. Một Tây Bắc hiện lên mỹ lệ và giàu cảm xúc với những hội đuốc hoa, xiêm áo, khèn… e ấp, nhạc… hồn thơ, chiều sương, hồn lau, dáng người trên độc mộc, hoa đong đưa… đầy quyến rũ. Nỗi nhớ ở đây mở ra nhiều hướng gắn với nhiều sự kiện, nhưng tất thảy đều bắt nguồn từ cảm xúc mãnh liệt về con người, cảnh vật rất đỗi thân thương.

Miền đất đã đi qua và tình người ở lại. Nhớ Tây Tiến, nhà thơ nhớ về đồng đội đã một thuở gắn bó gian truân. Đến đây, hình ảnh người lính được miêu tả trong bối cảnh tiếp nối không gian của hai đoạn thơ trước:
Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùm
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm
Trên cái nền hoang sơ và diễm lệ của núi rừng Tây Bắc, hình ảnh người lính Tây Tiến vừa khoẻ khoắn, oai hùng vừa trữ tình thơ mộng, ở họ toát lên nét hào hoa lãng mạn, ngay cả sự hy sinh của họ cũng vậy. Vừa đọc đến câu thơ:
Rải rác biên cương mồ viền xứ
có cảm giác như thấy lạnh người, nhưng đọc tiếp:
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
thì dường như cái cảm giác trên đây bỗng nhiên đã bị đẩy lùi. Và:
Áo bào thay chiếu anh về đất
Sông Mã gầm lèn khúc độc hành
câu thơ bỗng lại trở nên gân guốc, xót lắng đau thương. Hình ảnh thơ tả thực, khắc hoạ sự hy sinh đẹp đẽ và bi tráng của những người lính Tây Tiến. Khó khăn gian khổ, tổn thất là có thực – nhưng qua cách thể hiện của Quang Dũng – những khó khăn gian khổ, tổn thất vô cùng ấy thật lẫm liệt hào hùng – đặc biệt ở phong độ, tư thế của người chiến sĩ.

Bốn câu thơ cuối bài như một sự khái quát nỗi nhớ về Tây Tiến. Ở đây, từ về trong “Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi” đặt sau những “Nhạc về Viên Chăn” và “anh về đất” tạo nên âm hưởng và không gian cho nỗi nhớ day dứt khôn nguôi.

Bài thơ chuyển động theo một tiết tấu chậm và chắc, dường như mỗi chữ, mỗi hình ảnh đều có sức âm vang. Bút pháp đặc tả kết hợp nhuần nhuyễn với bứt pháp so sánh, đối lập và khơi gợi tạo ra một phong cách vừa chắc khoẻ vừa trữ tình lãng mạn.
(Theo Nguyễn Thị Thanh Huyền, giáo viên dạy văn tại trường THPT chuyên Hùng Vương - Việt Trì - Phú Thọ)