Phân tích tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa”

Việt Nam / Lớp 12 » Nguyễn Minh Châu » Chiếc thuyền ngoài xa

Chưa có đánh giá nào
A. MỞ BÀI

Nguyễn Minh Châu là nhà văn quân đội, trước 1975 là ngòi bút sử thi có thiên hướng trữ tình lãng mạn. Sau khi đất nước thoát cảnh chiến tranh bước vào giai đoạn xây dựng và phát triển hoà bình, đòi hỏi văn học phải có sự đổi mới, tư duy, ông trở thành “người mở đường tinh anh và tài năng” cho công cuộc mới ấy. Sáng tác của ông chuyển sang cảm hứng thế sự với đề tài đạo đức và triết lí nhân sinh sậu sắc.

Chiếc thuyền ngoài xa được viết vào tháng 8-1983. Ban đầu in trong tập “Bến quê”. Sau này Nguyễn Minh Châu đã lấy truyện ngắn này để làm tên chung cho một tập, xuất bản 1987.

B. THÂN BÀI

1. Tóm tắt: Câu chuyện có thể được tóm tắt như sau:

Phóng viên Phùng được trưởng phòng giao nhiệm vụ đi chụp một tấm ảnh để bổ sung vào một bộ ảnh lịch. Anh đến một vùng phá ven biển miền Trung, nơi ngày xưa là bãi chiến trường, nơi Phùng đã từng cầm súng. Phùng chụp được nhiều bức nhưng mãn nguyện nhất là cảnh về một chiếc thuyền đang thu mẻ lưới cuối cùng lúc bình minh lên.

Bức ảnh nghệ thuật rất tình cờ ghi lại chiếc thuyền ngoài xa trong làn sương sớm đẹp như một bức tranh cổ. Đây là cơ hội không dễ gì gặp được trong đời. Chỉ một khoảnh khắc bấm máy là Phùng đã ghi lại tấm hình “đẹp tuyệt vời của ngoại cảnh”.

Khi thuyền vào bờ, Phùng chứng kiến cảnh hai vợ chồng làng chài dẫn nhau lên bờ, đi vào bãi xác xe tăng. Người chồng lấy dây lưng đánh tới tấp, còn người vợ im lặng chịu đòn.

Lần sau, chứng kiến cảnh ấy, Phùng can thiệp và bị đánh. Việc này đã đưa ra toà án. Bạn Phùng là chánh án Đẩu đã quyết định cho hai người li hôn, không ngờ chị làng chài van xin Đẩu đừng bắt chị bỏ chồng. Họ không thể hiểu được “nỗi vất vả của người đàn bà trên một chiếc thuyền không có đàn ông”, “dù hắn man rợ, tàn bạo”. Phùng và Đẩu hiểu ra nhiều điều về cuộc sống, về nghệ thuật.

Ý nghĩa: Đặt tên truyện Chiếc thuyền ngoài xa Nguyễn Minh Châu muốn nói rằng con thuyền nghệ thuật mang vẻ đẹp tuyệt đỉnh nhưng nó quá xa rời đời thực, đầy ngang trái nghịch lí. Nghệ thuật phải gắn với đời, phản ánh trung thực cuộc đời, và phải biết quan tâm tới số phận con người.

2. Trước hết câu chuyện đã cho thấy hai phát hiện đối lập của người nghệ sĩ nhiếp ảnh

Sau bao nhiêu lần thất bại và không vừa ý với một bức ảnh nghệ thuật nằm trong chủ đề bộ ảnh lịch thì Phùng bỗng được trời cho một tấm ảnh mà anh hoàn toàn thoả mãn. Đó là “một bức tranh mực tàu của danh hoạ thời cổ. Tấm ảnh như một kiệt tác của hoạ sĩ vẽ tranh. Trong đôi mắt nhà nghề của hoạ sĩ tạo hình, Phùng mô tả tấm ảnh – bức tranh tuyệt mĩ. Đó là mũi thuyền thấp thoáng trong sương mù như sữa có pha ánh hồng, người lớn, trẻ con ngồi im phăng phắc đang chờ đợi lên bờ, cái mắt lưới, hai chiếc gọng vó, y hệt cánh con dơi...

Cái đẹp ấy khiến Phùng bối rối, trái tim như có ai bóp vào. Một câu hỏi tự vấn: “Chẳng biết ai lần đầu đã nghĩ ra bản thân cái đẹp chính là đạo đức”..

Phát hiện thứ hai làm cho Phùng và người đọc choáng váng, bất ngờ là khi con thuyền cặp bờ chỉ có hai người bước xuống. Vợ chồng người thuyền chài lùi lũi đi vào một bãi xe tăng, không phải ngẫu nhiên mà họ dựng lại ở một chiếc xe rà phá mìn, màu vàng tươi to gấp đôi một chiếc xe tăng. Người chồng đã đánh đập vợ và bất ngờ một đứa con đã chạy ra ngăn.

Cứ tưởng rằng đó chỉ là một cảnh tượng không đẹp. Ai ngờ những ngày sau, cảnh kì quái kia lại tái diễn. Hoá ra sau cái đẹp bức ảnh là bao nhiêu ngang trái nghịch lí của đời thường. Ngoại cảnh đi ngược với số phận cực nhọc tăm tối của con người.

Thực ra nhìn qua ta thấy hai phát hiện của Phùng là ngược chiều. Nhưng nhìn kĩ thì sẽ thấy hai bức tranh có một logic nhân quả. Bức tranh tuyệt đích mà Phùng chụp được đã ẩn chứa bên trong nhiều dự báo không tuyệt đỉnh.

Những con người như những pho tượng đúc mỏi mòn nhìn bờ, bức ảnh được nhìn qua “mắt lưới” và lưới ấy lại dang cánh như con dơi. Những ẩn dụ ấy cho ta thấy phía sau cái đẹp là những điều không bình thường

3. Các nhân vật

(1) Người chồng.

Người chồng trong tác phẩm vốn xuất phát từ một gia đình làng chài. Chàng trai ấy trước đây rất hiền lành không bao giờ có những đối xử nhẫn tâm với vợ con. Theo hồi ức của người vợ thì cả hai yêu nhau thật lòng, cả hai đã có những giây phút sống trong cảnh gia đình êm ấm, thuận hoà. Sự đổi tính của người chồng gốc rễ sâu xa khi hoàn cảnh đã có những nhân tố tiêu cực. Trong một không gian rất hẹp là chiếc thuyền chài choi vơi nơi biển cả, gia đình này quá đông đúc nhân khẩu. Cả một đàn con trên dưới chục đứa phải trông chờ vào sức lực lao động của người đàn ông. Biển không phải lúc nào cũng cho họ nhiều tôm lắm cá. Bế tắc, bất lực, sự tự ti của người chủ gia đình đã khiến cho người chồng thuyền chài thành kẻ vũ phu. Hắn dắt vợ vào bãi xe tăng, hắn lạnh lùng rút dây lưng ra. Rồi hắn đánh tới tấp vào lưng người đàn bà rách rưới. Tuy nhiên, trong cái nhìn “thế sự đạo đức” Nguyễn Minh Châu đã lưu ý chúng ta: mỗi lần đánh lão đều “rên rỉ đau đớn: mày chết đi cho ông nhờ, chúng mày chết hết đi cho ông nhờ”. Càng trút tức giận vào người phụ nữ sinh ra mười miệng ăn kêu đói, lão đàn ông càng thấy nặng lòng. Lão đi về thuyền với “tảng lưng khum khum vạm vỡ càng có vẻ cúi thấp hơn”.

(2) Người đàn bà thuyền chài vô danh chính là nhân vật trung tâm.

Với con mắt thế sự, nhân vật phụ nữ của Nguyễn Minh Châu sau 1975 không đẹp từ gót chân hồng cho đến mái tóc dài như nàng Nguyệt ở “Mảnh trăng cuối rừng” mà mang chất liệu của cuộc sống vốn thô ráp xù xì. Người đàn bà vẻ ngoài rất xấu xí, thân hình thì “cao lớn với sự thô kệch” khuôn mặt thì rỗ chằng rỗ chịt – vết tích của trận đậu mùa. Cái mặt ấy bây giờ thất thần nhớn nhác mệt mỏi khiến cho ta càng thấy ái ngại. Chị có “tấm lưng áo bạc phếch và rách rưới”...

Người phụ nữ bất hạnh bởi ông trời và bởi những năm tháng lam lũ cực nhọc. Kì lạ nhất trong quan hệ vợ chồng ở người phụ nữ này là chị bị đánh đập hành hạ thường xuyên “ba ngày một trận nhẹ, năm ngày trận nặng”. Những lằn roi trút xuống thân thể chị thật tàn bạo. Chị phải cam nhẫn nhục “Cơn giận như lửa cháy của chồng”. Phùng vô cùng ngạc nhiên với cách chủ động đón nhận roi đòn của người phụ nữ. Chị không hề kêu một tiếng, không chống trả, cũng không tìm cách trốn.

Không phải tăm tối dốt nát đến mức không ý thức được quyền sống bị xâm phạm, cũng không phải bị đòn roi nhiều tới mức không biết đau, người đàn bà này đã ý thức được thân phận. Chị nhận sự lựa chọn này mà không có quyền lựa chọn khác. Đã chấp nhận thân phận nghĩa là chấp nhận những trận đòn như quy luật.

Khi đứa con biết được cảnh tình khổ nhục, dữ dằn lao vào cứu mẹ thoát khỏi roi đòn của cha thì người đàn bà này đã ôm chầm lấy con, đã chắp tay vái lấy vái để đứa con mình. Quả là hiện tượng hiếm có trong đời. Chỉ có thể khi mắc những lỗi lầm ghê gớm, khi bị cuộc đời làm cho đảo điên thì những đứa con trở về với cha mẹ mới có hành động vái lạy cha mẹ xin tha tội.

Nguời mẹ ấy đã van xin con, đã lã chã những dòng nước mắt vì con. Chồng đánh đập tơi bời, chị không khóc. Thế nhưng, khi con chứng kiến cuộc hành hạ của cha với mẹ, người phụ nữ này đã khóc vì con. Chị đã rất tủi hổ, nhục nhã và thấy mình có tội với con. Đứa trẻ ngây thơ cho nên và không bao giờ nên chứng kiến cảnh nghịch lí kì quặc của cuộc đời. Vợ chồng chị đã làm tổn thương tâm hồn ngây thơ của con trẻ. Ở đây người phụ nữ không cảm nhận mình là nạn nhân mà đồng tội nhân. Với chị, mình gây nên những vết thương tâm hồn rất dễ làm thui chột nhân cách đứa trẻ.

Có lẽ tình huống gây bất ngờ nhất cho người đọc và hiển nhiên nó tạo giá trị tư tưởng cho tác phẩm chính là cuộc đối chất và hành động người đàn bà hàng chài. Nó làm choáng váng vị chánh án đáng nể, vị phóng viên phụng thờ cái Đẹp đầy nhân hậu.

Người đàn bà xuất hiện ở toà án ban đầu làm cho ta tội nghiệp, thương hại. Hết lạy con đẻ của mình bây giờ lại chắp tay vái “con lạy quý toà”.

Sau khi thành thật mô tả gia cảnh của mình, người nhận trận đòn mà chồng hành hạ, người đàn bà đã khiến Phùng và Đẩu phải giật mình, kinh tởm bởi một gã đàn ông vũ phu. Người lính đã từng vào sinh gia tử, đã từng chứng kiến bao trái ngang. Vậy mà, cả hai không có ý định muốn hoà giải, muốn tìm ra một con đường sum họp cho gia đình người thuyền chài này hạnh phúc. Kinh nghiệm xử án lâu năm đã nói với Đẩu và anh quyết định điều mà anh không hoàn toàn yên tâm. Hãy chặt đứt xiềng xích cho người đàn bà thoát khỏi thân phận nô lệ. Còn hi vọng gì một người đàn ông lấy việc hành hạ vợ con làm quy luật, làm lẽ sống...

Đẩu đã ra quyết định cho người đàn bà được quyền li dị chồng. Thật bất ngờ, người phụ nữ kia thà chấp nhận toà xử mình, phạt tù mình còn hơn là bắt bỏ chồng.

Cuộc đối thoại đã chuyển đổi một cách bất ngờ. Người phụ nữ cắt ngang những lí lẽ của toà án, xưng mình bằng “chị” gọi Đẩu và Phùng bằng “chú”. Chị hai lần cám ơn các chú hiểu được hành động khuyên chị li dị chồng là lòng tốt của các chú. Người đàn bà hiểu những người nắm quyền lực và rằng những con người ấy không thể nắm được cái lí của kẻ làm ăn lam lũ cực nhọc. L.Tônstôi có nói: “Những nỗi đau khổ của những người ở trong lâu đài thường na ná giống nhau. Còn nỗi đau khổ của những nguời trong những túp lều thì muôn hình vạn trạng”.Ở đây, người đàn bà tha tội cho chồng, biết cảm thông với chồng. Chị hiểu mình và chồng cùng cảnh ngộ, cùng đồng bệnh đói nghèo lam lũ. Chị hiểu chồng mình không thích thú gì trong việc hành hạ vợ con nhưng quá quẫn bách phải có một đối tượng để trả thù. Hiển nhiên đối tượng ấy phải thoả mãn được cái nguỵ lí của người trong cuộc.

Người chồng đánh vợ rất kì dị. Cứ ba ngày một trận nhỏ, năm ngày một trận lớn. Mỗi lúc đánh vợ thì con người ấy rên rỉ, đau khổ. Nguyễn Minh Châu ví đó là cơn giận như lửa cháy... Như vậy nếu không đánh vợ, con người lam lũ dưới đáy này không thể đốt cháy được những uẩn ức bế tắc của cuộc sống. Người đàn bà hiểu được dù chồng có đánh đập mình thì giữa hai người vẫn có nghĩa vụ vợ chồng, hai người vẫn cố gắng làm cha làm mẹ với những đứa con. Bằng chứng là người chồng đã chấp nhận lời đề nghị của vợ là không được hành hạ nhau trước mặt các con.

Lí do mà người đàn bà không muốn bỏ chồng chính yếu nhất chính là đàn bà ở trên thuyền rất cần một người đàn ông “chèo chống lúc phong ba”. Không có chồng, người mẹ khốn khổ ấy không đủ khả năng để nuôi một đàn con khôn lớn...

Đáng nói là, trong cội rễ sâu xa, người đàn bà này vẫn luôn trân trọng những giá trị mà chồng đã mang đến cho mình. Họ đến với hôn nhân bằng một mối tình quê chân thực, có ân nghĩa. Chàng trai cục mịch hiền lành thường đến trao đổi, bán lưới ở nhà cô gái. Chàng trai đã chấp nhận người mà tạo hoá đã làm cho xấu xí bằng khuôn mặt rỗ. Trong bất hạnh nhưng người đàn bà khi kể về những năm tháng vợ chồng hạnh phúc, vẫn ánh lên những niềm vui làm rạng rỡ khuôn mặt chị. Đó là lúc lũ con cùng gia đình ấm êm hạnh phúc. Vui nhất là những ngày chị thấy đàn con ăn no, ăn ngon. Như vậy chính trái tim mẫu tử ở trong người đàn bà này đã tạo nên những lí lẽ mà “các chú” không sao hiểu được. Tình huống bất ngờ của truyện đã cho ta phát hiện lại bản chất của người phụ nữ. Chị sống không phải cho mình mà là cho con. Trong bất cứ hoàn cảnh tồi tệ nào, người phụ nữ Việt Nam cũng luôn trân trọng những giá trị tình người ít ỏi. Họ lấy đó làm năng lượng để đi tiếp con đường gian nan vất vả trước mắt. Người phụ nữ vô danh làm xúc động trong chúng ta tấm lòng từ tâm của người mẹ; tấm lòng vị tha của người vợ; đức tính lạc quan của người Việt Nam...

Việc từ chối “lòng nhân từ” của Đẩu và Phùng ở người đàn bà làng chài đã cho ta thấy lẽ đời đã thắng. Người lao động nghèo khổ không có quyền với ai trong xã hội nhưng cái tâm của một người biết thương con, của một người thấu hiểu lẽ tình đời là một quyền uy có sức công phá rất lớn. Nó đã làm cho chánh án Đẩu, người nghệ sĩ Phùng thức tỉnh và ngộ ra nhiều điều sâu sắc. Câu nói nổi tiếng của Giớt “Mọi lí thuyết trên đời đều màu xám, chỉ có cây đời là mãi mãi xanh tươi” một lần nữa được chứng nghiệm sâu sắc qua hình tượng người đàn bà làng chài vô danh nhưng hoàn toàn không vô nghĩa trước cuộc sống này.