Phân tích hình tượng Bác Hồ trong thơ Tố Hữu

Việt Nam / Lớp 12 » Tố Hữu » Bác ơi!

34.33
Tố Hữu chưa chắc đã là người làm thơ nhiều nhất về Bác Hồ nhưng dám chắc ông là nhà thơ có nhiều bài thơ hay nhất về Bác Hồ, có sức sống lâu dài đến tận ngày nay. Ở chiều ngược lại, chính hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã làm nên thành công cho sự nghiệp thi ca của Tố Hữu. Trong “con mắt thơ” Tố Hữu, có thể nhận diện được chân dung Hồ Chí Minh ở từng giai đoạn lịch sử khác nhau.

Thơ Tố Hữu là đỉnh cao thơ trữ tình chính trị. Con đường cách mạng và sự nghiệp thi ca của Tố Hữu không tách rời, ông đến với thơ bằng tấm lòng của người chiến sĩ cách mạng, từ tập thơ đầu tay Từ ấy (1937-1946), qua Việt Bắc (1946-1954), Gió lộng (1955-1961), Ra trận (1962-1971), Máu và hoa (1972-1977) đến Một tiếng đờn (1992), Tố Hữu luôn “đi rất sát và thể hiện sâu sắc những chủ đề lớn của cách mạng” (GS Hà Minh Đức). Chính vì thế, việc Tố Hữu làm thơ về Bác là một điều rất đỗi tự nhiên vì chính Người là nguồn thi hứng bất tận. Thi hứng đó không đơn thuần vì Người là vị cha già dân tộc, lãnh tụ của cách mạng Việt Nam như nhiều người từng nghĩ, mà còn bởi tấm gương đạo đức của Bác toả sáng, có sức lay động lớn đến tâm can chúng ta.

Ngay từ tập thơ đầu tay Từ ấy, Tố Hữu đã viết bài thơ Hồ Chí Minh, là bài thơ có giá trị đầu tiên viết về Bác ngay sau Cách mạng Tháng Tám. Ghi nhận công lao của Người đối với cuộc cách mạng lịch sử đã “đổi đời” cho nhân dân Việt Nam, Tố Hữu dành những lời ngợi ca đầy xúc động và tràn trề nhiệt huyết:
Hồ Chí Minh
Người lính già
Đã quyết chiến hy sinh
Cho Việt Nam độc lập
Cho thế giới hoà bình!
Với Tố Hữu, khi đó, Hồ Chí Minh là vị lãnh tụ, là “cảm tử quân đi tiên phong”, là “ngọn đuốc thiêng liêng”, “trẻ mãi không già”, hình ảnh Bác trong thơ Tố Hữu thời kỳ đầu rất thiêng liêng nhưng vời vợi, một hình tượng được nhìn từ xa.

Thơ Tố Hữu có tính chân thực cao, thơ muốn hay và chi tiết đòi hỏi phải có thực tế, “có bột mới gột nên hồ”. Trong kháng chiến chống Pháp, Tố Hữu đã được làm việc bên cạnh Bác Hồ tại An toàn khu Việt Bắc, được trò chuyện với Người từ việc công đến chuyện riêng tư. Cho nên, thơ Tố Hữu thời kỳ này viết về Bác có những chi tiết cụ thể hơn. Tập thơ Việt Bắc ghi lại cuộc hành trình gian khổ của nhân dân ta suốt “ba ngàn ngày không nghỉ”, trong đó hình ảnh Tổ quốc, nhân dân lúc này gắn liền với hình ảnh Bác Hồ. Sau bài thơ Hồ Chí Minh, đến bài thơ Sáng tháng Năm (1951), sau 6 năm, từ điểm nhìn xa, khái quát, Tố Hữu đã cho thấy một cái nhìn gần gũi, thân thương về Bác:
Bác kêu con đến bên bàn
Bác ngồi Bác viết, nhà sàn đơn sơ
Con bồ câu trắng ngây thơ
Nó đi tìm thóc quanh bồ công văn
Lát rồi, chim nhé, chim ăn
Bác Hồ còn bận khách văn đến nhà
Bàn tay con nắm tay cha
Bàn tay Bác ấm vào da vào lòng
Bác ngồi đó, lớn mênh mông
Trời xanh biển rộng ruộng đồng nước non....
Khoảng cách thiêng liêng vời vợi đã được thu hẹp lại, vị lãnh tụ Hồ Chí Minh trong thơ Tố Hữu giờ đây đã là người cha, người Bác kính yêu trong mọi gia đình:
Bác về, vui đó, con ơi!
Bác hôn các cháu, Bác cười với dân
Ngày vui, vui cả hai lần
Bác về, mang cả mùa xuân lại nhà
(Bài Cánh chim không mỏi, 1960)
Đến thời kỳ chống Mỹ, cứu nước, với hai bài thơ Bác ơiTheo chân Bác (tập thơ Gió lộng) được coi là những sáng tác đỉnh cao của Tố Hữu về Bác. Bài thơ Bác ơi (1969) đã ngợi ca công đức, tấm lòng nhân ái của Người, đồng thời cũng là những lời ca tiễn biệt đau đớn trước sự ra đi của vị cha già dân tộc:
Bác đã đi rồi sao, Bác ơi!
Mùa thu đang đẹp, nắng xanh trời
Miền Nam đang thắng, mơ ngày hội
Rước Bác vào thăm, thấy Bác cười!...
Bác sống như trời đất của ta
Yêu từng ngọn lúa, mỗi cành hoa
Tự do cho mỗi đời nô lệ
Sữa để em thơ, lụa tặng già...
Bác để tình thương cho chúng con
Một đời thanh bạch, chẳng vàng son
Mong manh áo vải, hồn muôn trượng
Hơn tượng đồng phơi những lối mòn.
Nỗi đau mất mát ấy, tiếng khóc bi thương ấy là nỗi đau, tiếng khóc của người con mất cha, mất đi một người thân yêu nhất. Hình ảnh Hồ Chí Minh trong thơ Tố Hữu, do vậy, trở nên gần gũi hơn bao giờ hết.

Theo chân Bác được Tố Hữu viết năm 1970, tựa như một cuốn nhật ký về cuộc đời Bác, lưu lại trong đó những gì đơn sơ nhất, thân thương nhất từng gắn bó với Bác từ thuở ấu thơ:
Tôi trở về quê Bác, làng Sen
Ơi hoa sen đẹp của bùn đen!
Làng quen như thể quê chung vậy
Mấy dãy ao chua, mảnh đất phèn
Thăm lại vườn xưa, mái cỏ tranh
Thương hàng râm bụt, luống rau xanh
Ba gian nhà trống, nồm đưa võng
Một chiếc giường tre, chiếu mỏng manh.
Từ mảnh đất nghèo đó, Người đã ra đi để tìm đường cứu nước, trải qua những năm tháng đoạ đày “mười bốn trăng tê tái gông cùm”, để đến ngày khải hoàn hạnh phúc:
Người đứng trên đài, lặng phút giây
Trông đàn con đó, vẫy hai tay
Cao cao vầng trán... Ngời đôi mắt
Độc lập bây giờ mới thấy đây!
Người đọc ở thời điểm này nhận ra Tố Hữu không chỉ ngợi ca công lao của Bác nữa, mà muốn lưu giữ vĩnh viễn trong thơ di sản hoạt động cách mạng và tấm gương đạo đức cách mạng của Người.

Sau khi Bác mất, như để thay mặt đồng bào chiến sĩ cả nước, nhà thơ Tố Hữu mở rộng thêm khía cạnh về Bác trong thơ mình, đó là những lời thơ nói lên tình cảm của người dân đối với Bác. Nhất là tình cảm của Người với nhân dân miền Nam, lòng kính yêu vô vàn của đồng bào miền Nam với Bác được Tố Hữu đặc biệt nhấn mạnh:
Ta hiểu. Miền Nam thương nhớ Bác
Nóng lòng mong đợi Bác vào thăm
Ta hiểu. Đêm nằm nghe gió gác
Bác thường trăn trở, nhớ Miền Nam!
Những bài thơ được Tố Hữu sáng tác ngay sau những ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước không thể thiếu vắng hình ảnh Bác. Giữa “máu và hoa”, những lời thơ cất lên như reo vui trước tin thắng trận:
Ôi, buổi trưa nay, tuyệt trần nắng đẹp
Bác Hồ ơi! Toàn thắng về ta
Chúng con đến, xanh ngời ánh thép
Thành phố tên Người lộng lẫy cờ hoa
(Bài Toàn thắng về ta, 1975)
Và hơn thế, sự hiện diện của Người dù chỉ là trong ký ức cũng vẫn tiếp thêm sức mạnh cho thế hệ con cháu đang ngày đêm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc:
Chúng con sẽ gấp trăm lần mạnh
Đứng gác biển trời tươi mát màu lam
Bởi có Bác, từ nơi đây ra đi tìm Đường kách mệnh
Cho chúng con nay được trở về, vĩnh viễn Việt Nam!
(Bài Toàn thắng về ta)
Cho đến sau này, khi chiến tranh đã lùi xa, đất nước đã bước vào chặng đường lịch sử mới, trong những vần thơ hoà bình, Tố Hữu vẫn không quên hướng về Bác như một niềm tri ân luôn luôn thổn thức:
Nước độc lập, tự do, dân no ấm học hành
Một đời Bác, chỉ lòng ham muốn ấy
Có lẽ hôm nay, giữa giấc yên lành
Người vẫn nghĩ... Như Người hằng sống vậy
(Bài Một khúc ca, 1977)
Tám mươi mốt năm... Trưa ấy, trưa gì?
Từ thành phố này Người đã ra đi
Ôi! Câu hát tự hào, cao vút lương tri mà làm ta rơi lệ
(Bài Trưa tháng Tư, Sài Gòn, 1992)
Từ một số dẫn chứng nêu trên, có thể thấy được sự chuyển biến trong nhận thức và cách nhìn của Tố Hữu về Bác từ những lần đầu gặp gỡ, đến khi được gần bên Bác và rồi tiễn đưa Bác. “Trong thơ Tố Hữu, Bác rực rỡ một “mặt trời cách mạng” nhưng gần gũi hơn, Bác là ngọn gió xuân ấm áp. Bác là người chiến sĩ kiên cường, vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc và Người cũng là Cha, là Bác, là Anh... Cứ thế người anh hùng vĩ đại nhất của dân tộc cũng là con người gần gũi nhất với mọi người: “Bác ơi, tim Bác mênh mông thế/ Ôm cả non sông, mọi kiếp người” (GS Hà Minh Đức).

Hồ Chí Minh trở thành biểu tượng của niềm tin chiến thắng, của tinh thần giản dị thanh khiết, của tình yêu thương vô bờ bến đối với quần chúng lao khổ “Quả tim lớn lọc trăm dòng máu nhỏ”. Điều ấy được Tố Hữu khắc ghi vĩnh cửu qua những vần thơ giản dị mà đầy cảm xúc:
Vì sao? Trái đất nặng ân tình
Nhắc mãi tên người: Hồ Chí Minh
Như một niềm tin, như dũng khí
Như lòng nhân nghĩa, đức hy sinh
(Bài Theo chân Bác)
(Thạc sĩ Vân Hường, Báo Quân đội nhân dân)