Phân tích bài “Tự tình II”

Việt Nam / Lớp 11 » Hồ Xuân Hương » Tự tình (bài II)

23.50
I. Hai câu đề gợi khung cảnh tự tình
Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn,
Trơ cái hồng nhan với nước non.
Thời gian lúc nửa đêm nên không gian thật vắng lặng, tịch mịch, chỉ nghe tiếng trống cầm canh từ xa vẵng lại, vạn vật đã chìm sâu trong giấc ngủ, chỉ có nhà thơ còn trăn trở thao thức với tâm sự riêng tây.

Đã nghe văng vẳng thì không thể có tiếng trống thúc dồn dập được. Âm thanh tiếng trống trở thành âm vang của cõi lòng nôn nao, bồn chồn. (Mỏ thảm không khua mà cũng cốc/ Chuông sầu chẳng đánh cớ sao om). Bao sức sống dồn nén trong chữ dồn ấy như chực trào ra.

Lẻ loi trước thời gian đêm khuya và bẽ bàng trước không gian non nước nên cái hồng nhan trơ ra. Cách dùng từ sáng tạo và đầy bất ngờ: hồng nhan là một vẻ đẹp thanh quý mà dùng từ cái tầm thường để gọi thì thật là rẻ rúng, đầy mỉa mai chua xót. Trơ là một nội động từ chỉ trạng thái bất động, hàm nghĩa đơn độc, chai sạn trước nắng gió cuộc đời. Biện pháp đảo ngữ trơ cái hồng nhan đã nhấn mạnh nỗi đơn độc, trơ trọi, bẽ bàng của thân phận. Câu thơ chứa đựng nỗi dau của kiếp hồng nhan. Đặt cái hồng nhan trong mối tương quan với nước non quả là táo bạo, thách thức, cho thấy tính cách mạnh mẽ của nữ thi sĩ, khao khát bứt phá khỏi cái lồng chật hẹp của cuộc đời người phụ nữ phong kiến.

2. Hai câu thực nói rõ hơn tàm trạng của nhà thơ
Chén rượu hương đưa say lại tỉnh,
Vầng trăng bóng xê khuyết chưa tròn.
Hai câu thơ có hai hình ảnh ẩn dụ. Hương rượu như hương tình, lúc lên men dậy sóng nhưng cũng chóng nhạt phai nên cuộc đời chao đảo, ngả nghiêng. Thật là trớ trêu cho con tạo. Cái ngọt ngào nồng nàn chỉ thoảng qua còn lại là dư vị chua chát, đắng cay. Say rồi lại tỉnh gợi cái vòng luẩn quẩn, dở dang. Còn vầng trăng khuya càng thêm chơ vơ, lạnh lẽo. Trăng đã xế như tuổi đã luống mà chưa bao giờ có được hạnh phúc trọn vẹn. Hai hình ảnh gợi hai lần đau xót. Vầng trăng của Thuý Kiều (Truyện Kiều - Nguyễn Du) là vầng trăng vỡ, còn của Xuân Hương mãi mãi là vầng trăng khuyết.

3. Hai câu luận là hình ảnh của tâm tư dậy sóng
Xiên ngang mặt đất, rêu từng đám,
Đâm toạc chân mây, đá mấy hòn.
Tác giả đã dùng động từ mạnh: xiên ngang, đâm toạc để miêu tả một thiên nhiên đầy sức sống. Biện pháp đảo ngừ đã nhấn mạnh hành động dữ dội trong nỗi bi phẫn sâu xa. Đó cũng là hình ảnh ẩn dụ cho cái tôi khao khát bứt phá cái giới hạn của người phụ nữ và muôn xé toạc cái thành kiến đóng váng cả ngàn năm phong kiến để tự khẳng định mình, để tìm đến chân trời dân chủ và hạnh phúc. Cái “tôi” không chịu an phận, chủ động đi tìm hạnh phúc thật là mới mẻ. Tính cách này còn được thể hiện ở bài thơ khác:
Giơ tay với thử trời cao thấp,
Xoạc cẳng do xem đất vắn dài.
4. Hai câu kết

Khát khao cũng chỉ là khao khát, nhà thơ quay về thực tại để đối diện với thân phận:
Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại,
Mảnh tình san sẻ tí con con.
Những người có ý thức về giá trị sự sống thường rất sợ thời gian. Thời gian qua mau mà cuộc đời mãi quạnh hiu chẳng có thay đổi gì, cơ hội tìm kiếm hạnh phúc càng khó. Từ xuân có hai nghĩa: mùa xuân và tuổi xuân. Mùa xuân của đất trời tuần hoàn lặp lại còn tuổi xuân sẽ mãi ra đi. Trong tình cảnh này, lòng người càng thêm chán ngán:
Ngày xuân tuổi hạc càng cao
Non xanh nước biếc càng ngao ngán lòng
(Nguyễn Khuyến)
Từ ngán đặt ở đầu câu với trọng âm của nó có ý nghĩa nhân mạnh tâm trạng chán chường. Từ lại thứ nhất là trợ từ có nghĩa là thêm lần nữa, từ lại thứ hai là động từ. nghĩa là trở về. Cụm từ “xuân lại lại” mang ý nghĩa biểu cảm tâm trạng đang bị dày vò, day rứt. Trong khi ấy mảnh tình đã nhỏ mà cũng phải san sẻ nên chi còn tí con con. Từ láy cỏn con là quá nhỏ còn điệp từ con con là nhỏ dần, đến lúc sẽ chẳng còn thấy nữa. Nên biện pháp tăng tiến trong câu thơ cho thấy thân phận làm lẽ thật tội nghiệp, hạnh phúc đang hao mòn dần và dự báo sẽ chẳng còn.